Đó là thông tin được Thượng tướng Lê Quý Vương (Thứ trưởng Bộ Công an) cung cấp tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 27/9.
Phiên giải trình do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức diễn ra sáng 27/9. |
Tại đây, lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH cho biết tại thời điểm cuối tháng 8/2014, cả nước có 185.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Số người nghiện đều tăng qua từng năm nhưng tốc độ tăng có chậm lại.
Trong số người nghiện ma túy có 96% là nam giới. Đa số người nghiện sử dụng heroin (72%), nhưng tỷ lệ người nghiện sử dụng heroin có xu hướng giảm dần, trong khi tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp lại tăng hàng năm.
Ông Đặng Thuần Phong (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội) nêu vấn đề theo Luật phòng chống ma túy thì người nghiện ma túy được coi là người mắc bệnh mãn tính, cần được điều trị và tư vấn tâm lý.
Về mặt quan điểm thì đã chuyển từ việc coi người nghiện ma túy là tệ nạn xã hội sang người bị bệnh mãn tính, tuy nhiên chuỗi giải pháp và hành động vẫn coi đây là tệ nạn xã hội.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng người nghiện vừa là vấn đề tệ nạn vừa là vấn đề bệnh tật, nếu không quản lý chặt chẽ thì nguy hiểm vì có thể dẫn đến tội phạm.
“Trường hợp Lê Văn Luyện ở Bắc Giang là khi lên cơn, thiếu thuốc. Cho nên nhìn nhận ở đây vừa là bệnh tật vừa là tệ nạn cần được chữa trị và quản lý”, ông Vương nói.
Theo ông Vương, mô hình cai nghiện ở Trung Quốc giao cho Bộ Công an quản lý, bao gồm chữa bệnh của y tế và lao động. Kết hợp ba mô hình này, sau một thời gian nhất định khoảng 3 năm, người nghiện về mà tái nghiện thì chính quyền phường có quyền xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Tuổi Trẻ