Trên thực tế, lao động trẻ em đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Làm sao để ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động trẻ em, làm sao để trẻ em có được cuộc sống mà đáng ra các em phải được hưởng? Vì sao hàng triệu trẻ em phải còng lưng kiếm sống cho bản thân và ngược đời là lại kiếm sống nuôi cả những người đáng ra phải nuôi nấng và chăm lo cho các em. Dường như bài toán khó được đặt ra, còn câu trả lời vẫn là một dấu hỏi treo lơ lửng...
Thực tế nhức nhối lòng người
Theo ghi nhận của nhóm PV, hầu hết các tỉnh thành đều có tình trạng sử dụng lao động trẻ em. Một thực tế đáng báo động, tại nhiều vùng quê, ngoài việc không được đến trường, trẻ còn phải lao động hầu như cả ngày. Tại chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ), có hàng chục đứa trẻ phải theo cha mẹ buôn bán, bốc vác hàng hóa hay làm các công việc nặng nhọc khác. Giải thích cho những điều này, nhiều bậc cha mẹ cho biết vì hoàn cảnh nghèo nên không còn cách nào khác là phải cho con em lao động.
|
Nhiều trẻ em phải theo cha mẹ mưu sinh ngày đêm ở chợ nổi Cái Răng. |
Như đã phản ánh trước đây, dư luận tại TP.HCM bức xúc bởi việc hai cơ sở may mặc trên đường Trần Tấn (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) do ông Nguyễn Văn Túy (36 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình) và ông Hoàng Văn Việt (52 tuổi, quê ở tỉnh Bắc Giang) làm chủ, hai cơ sở này bắt gần 20 trẻ (12 - 16 tuổi) phải lao động 12 - 14 giờ/ngày, không được đi ra ngoài chơi, không được nghỉ ngày lễ và không được sử dụng điện thoại.
Số lao động này sau đó được nhà chức trách phát hiện, giải cứu và đưa các em về gia đình của mình. Từ vụ việc gây bức xúc đó, các cơ sở có sử dụng lao động trẻ em trở nên cảnh giác hơn, nên các cơ quan chức năng cũng rất khó phát hiện.
Với giá nhân công rẻ mạt, điều kiện lao động không đảm bảo, người lao động ngoài được hưởng tiền lương, thì không được hưởng bất kỳ một quyền lợi nào theo Luật Lao động.
Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng thực tế có đến hàng trăm lao động chưa thành niên (từ 12 – 15 tuổi) đang bị vắt kiệt sức tại các cơ sở sản xuất tại TP.HCM.
Hơn 22h trên các con đường Huỳnh Văn Nghệ (quận Tân Bình), đường Trần Tấn (quận Tân Phú)... hàng chục cơ sở may vẫn sáng đèn. Rất đông lao động trẻ em ngồi bên máy may miệt mài làm việc. Rất khó để tiếp cận được những cơ sở này nếu không phải là người quen. Theo phản ánh của một người dân cạnh một cơ sở may trên đường Trần Tấn, chủ các cơ sở này hầu như không cho ai tiếp cận, nếu không có lý do chính đáng.
Theo tìm hiểu, đa phần những lao động trẻ em bị bóc lột sức lao động tại các cơ sở ở TP.HCM đều là những em thuộc các vùng quê nghèo. Vì cuộc sống khó khăn, được nhiều cò lao động lôi kéo, hứa hẹn trả lương cao khi làm việc, nên gia đình các em đồng ý.
Em T.N.L (14 tuổi, ngụ xã Hòa Tiến, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Em và nhiều người trong xã được một phụ nữ đưa xuống TP.HCM và được dẫn vào cơ sở may C.P (đường số 4, P. Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) làm việc. Tụi em phải làm từ 6h sáng đến 19h hằng ngày và không được trả lương theo tháng. Chủ nói sẽ trả theo năm, nếu ai nghỉ ngang sẽ không được trả lương”.
Xử lý không triệt để sẽ gia tăng nạn bóc lột lao động trẻ em
Nếu như năm 2010, thống kê của Cục Bảo vệ - chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cả nước có tới 28.910 trẻ em làm việc trong điều kiện độc hại, 21.230 trẻ em đường phố. Thì đến tháng 9/2014, số lao động trẻ em đã lên gần hai triệu người. Số lao động trẻ em đang tăng lên từng ngày và hình thức sử dụng lao động trẻ em cũng rất tinh vi để qua mặt các cơ quan chức năng.
Tại TP.HCM, người dân có thể chứng kiến nhan nhản hình ảnh những đứa trẻ còn chỉ mới độ tuổi tiểu học đã phải bán vé số, kẹo bánh, hoa tươi, xin ăn... Thậm chí, những đứa trẻ trong độ tuổi từ 1-10 tuổi đã bị những tên “cai ăn mày” đánh đập, dọa nạt, bắt phải đi ăn xin rồi mang tiền về cống nạp cho chúng.
Ngoài việc trẻ em phải lao động cực nhọc, có sự quản lý và dọa nạt của người lớn, thì nhiều trẻ tại thành thị đang phải sống lang thang, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân và nuôi sống người khác.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, công tác thanh kiểm tra được các phòng liên quan của Sở phối hợp kiểm tra xử phạt nên tình trạng lao động trẻ em có phần giảm so với thời gian trước. Tuy nhiên, có nhiều cơ sở khi bị kiểm tra phát hiện lao động trẻ em lại chống chế rằng đó là người nhà, người đến học việc. Những trẻ em lang thang hoặc nhà nghèo bị cha mẹ đưa ra đường để mưu sinh thì rất khó xử lý. Chỉ dừng lại ở việc động viên, tuyên truyền cho các bậc cha mẹ hạn chế bắt trẻ phải lao động chứ không thể theo dõi thường xuyên được.
Hiện, Việt Nam chưa có khái niệm rõ ràng về lao động trẻ em và trẻ em làm việc. Theo quy định, nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi thì thời gian làm việc khoảng 1 giờ/ngày được gọi là trẻ em làm việc chứ không phải là lao động trẻ em.
Tương tự với nhóm tuổi 12-14 thì thời gian làm việc phải dưới 4 giờ/ngày, độ tuổi 15-17 không được làm việc quá 7 giờ/ngày được gọi là trẻ em làm việc. Nếu trẻ em làm quá số giờ trên hoặc làm các công việc nguy hiểm, độc hại, công việc cấm trẻ em tham gia thì sẽ trở thành lao động trẻ em. Chính sự nhập nhằng trong việc phân biệt này nên nhiều vụ việc sau khi bị phát hiện đã không thể xử lý một cách triệt để.
Ví dụ đường dây chăn dắt ăn xin của vợ chồng Nguyễn Trọng Quế (SN 1964, quê tại thôn 6, Quảng Lộc, Quảng Xương, Thanh Hóa) cùng vợ là Nguyễn Thị Hồng (SN 1966, cùng quê như trên, tạm trú quận 12, TP.HCM) đã từng được báo chí phanh phui và báo với chính quyền địa phương nơi họ tạm trú để xử lý.
Tuy nhiên, sau khi bị xử phạt, vợ chồng Hồng – Quế lại chuyển chỗ trọ của những người trong đường dây này và hoạt động một cách tinh vi hơn. Gần đây, PV lại được bạn đọc phản ánh đường dây ăn xin sử dụng trẻ em này tái hoạt động tại quận 12.
Việc xử phạt hành chính hay yêu cầu cặp vợ chồng này về quê lại không mang lại hiệu quả. Những đứa trẻ trong đường dây này lại phải nai lưng kiếm tiền cho chúng. Xử phạt không nghiêm, lại ít có kiểm tra sau khi xử phạt, nên tình trạng các cơ sở lao động trẻ em, các đường dây chăn dắt trẻ em ăn xin vẫn ngang nhiên, tìm chỗ mới tiếp tục hoạt động.
Nhiều chủ cơ sở sử dụng lao động trẻ em tiết lộ rằng, trẻ em có thể tăng năng suất và làm việc hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm hơn người trong độ tuổi lao động, nhưng các chủ cơ sở chỉ phải trả tiền lương ít hơn. Chính sự mất cân bằng đó, đang khiến “thị trường lao động” là trẻ em hấp dẫn hơn với các chủ cơ sở sản xuất, đặc biệt là trong ngành may mặc.
Bà Nguyễn Lý Ngọc Thu, Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động –Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết: “Trẻ em thường ít kháng cự và hầu như không có yêu sách cụ thể nên dễ sai khiến, ép buộc, bắt nạt. Chúng tôi kiểm tra và xử lý nhiều cơ sở có sử dụng lao động trẻ em, nhưng các chủ cơ sở chống chế rằng đó là người nhà, anh em họ hàng của họ. Bắt trẻ em phải làm việc mưu sinh là điều đáng lên án. Để hạn chế được tình trạng bắt trẻ em phải làm việc nhiều giờ trong ngày, ngoài việc kiểm tra của các cơ quan Nhà nước, thì những người dân sống gần các cơ sở nghi có sử dụng lao động trẻ em cần mạnh dạn trình báo với chính quyền địa phương để phối hợp xử phạt".
Những con số biết nói
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về thực trạng lao động trẻ em từ kết quả cuộc điều tra quốc gia được thực hiện từ năm 2012, Việt Nam có 1,75 triệu trẻ em thuộc nhóm lao động trẻ em, chiếm 9,6% số trẻ em trên cả nước. Trong số đó, 55% số lao động trẻ em không được đi học, tỉ lệ các em phải làm việc bình quân trên 42 giờ/tuần (6 tiếng/ngày) chiếm tới hơn 32% số lao động trẻ em với tỉ lệ trên 96% không được đến trường. Trẻ em cũng có độ tuổi bắt đầu làm việc khá sớm, phổ biến từ 12 tuổi trở lên.
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố tỷ lệ thất nghiệp quý II năm 2014 ở Việt Nam hiện nay chỉ có 1,84%. ở các nước phát triển tỷ lệ thất nghiệp 7-8%. Dó đó tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam khiến nhiều chuyên gia cho rằng quá phi lý, phản ánh thiếu chính xác và không thực tế. Bản tin cập nhật thị trường lao động số 2, quý II do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 1/7 cả nước có hơn 1,045 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, đặc biệt, trong đó có tới 162.400 người có trình độ đại học trở lên.
Một số vụ việc liên quan đến sử dụng lao động trẻ em, trẻ em bị bóc lột sức lao động được các cơ quan chức năng phát hiện gần đây khiến dư luận rất bức xúc như vụ giải cứu 21 lao động trẻ em từ 12 – 16 tuổi đến từ các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Giang... làm việc tại hai xưởng may (quận Tân Phú, TP.HCM).
Gần đây, hai lao động trẻ em ở Thanh Hóa bị bóc lột sức lao động tại bãi vàng Phước Sơn (Quảng Nam). Đầu năm nay tỉnh Đắk Lắk cũng phát hiện 85 trẻ em (từ 9-17 tuổi) tại các huyện Lăk, Krông Bông, Krông Păk. Với thủ đoạn tinh vi “cò” lao động về tận quê, các vùng sâu vùng xa rao tìm lao động lương cao để dụ dỗ trẻ em đưa vào TP.HCM để làm việc tại các xưởng may hoặc cơ sở kinh doanh.
Theo ĐS&PL