Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đắk Lắk phối hợp với cơ quan chức năng địa phương vừa phát hiện đường dây đưa trẻ em đi lao động tại TP.HCM.
Bà Từ Thị Khanh - Trưởng phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) Đắk Lắk cho biết, Sở này vừa tiếp nhận thông tin phản ánh của một số hộ gia đình người Êđê ở huyện Krông Bông về việc con em họ bị dụ dỗ đi lao động tại TP.HCM, bị bóc lột sức lao động nhưng không được trả lương. Ngay khi tiếp nhận thông tin, Sở đã có công văn gửi ngành chức năng huyện Krông Bông tiến hành xác minh, đường dây “cò” lao động dần được lật tẩy.
Lợi dụng cuộc sống kinh tế khó khắn, cò lao động dễ dàng dụ dỗ đưa trẻ em đi lao động.
Theo đó, từ sau Tết Giáp Ngọ 2014, lợi dụng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sự nhẹ dạ cả tin của một số hộ gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số Êđê ở các xã Yang Kang, Yang Reh, Ea Trul (Krông Bông), H’Yu Bdap (tên gọi khác là Amí Hun, trú xã Hòa Hiệp, Cư Kuin, Đắk Lắk) đã móc nối với một số chủ cơ sở may mặc tại TP.HCM, đưa hàng chục trẻ em tới làm việc tại các xưởng may, giày da.
Tại huyện Krông Bông đã có 16 em trong độ tuổi 9-16 được đưa vào TP.HCM làm việc. Trong số này, hầu hết các em bị chủ bắt làm việc từ 7 giờ sáng đến 22 giờ khuya mỗi ngày, không có hợp đồng lao động. Các cơ sở sử dụng lao động thỏa thuận sẽ trả lương 18 triệu đồng/em/năm.
Khi vào TP.HCM làm việc, các em bị vắt kiệt sức, làm việc nhiều tháng liền nhưng không được trả lương, mất liên lạc với gia đình. Mới đây, một em trong số này đã tìm cách liên lạc được với gia đình và sự việc được báo cơ quan chức năng. Vụ việc môi giới vi phạm pháp luật dần lộ rõ.
Các em nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số trở thành đối tượng bị dụ dỗ của "cò" lao động.
Qua mở rộng điều tra, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk nhận định, ngoài huyện Krông Bông, tại các huyện Lắk, Cư Kuin cũng có hàng chục em là học sinh tiểu học, THCS người đồng bào dân tộc thiểu số được “cò” đưa đi lao động tại TP.HCM. Các em này đã mất liên lạc với gia đình, ngành chức năng vẫn chưa xác định được nơi làm việc của các em.
Theo bà Khanh, hiện Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk đã có văn bản gửi các huyện, đề nghị vào cuộc điều tra, thu thập thông tin, nắm bắt tình hình trẻ em bị dụ dỗ, đưa đi lao động bất hợp pháp tại TP.HCM, báo cáo Sở để có hướng xử lý, bảo đảm quyền lợi cho các em, đồng thời nắm bắt hoàn cảnh từng gia đình có con em bị dụ dỗ để sớm có biện pháp hỗ trợ.
Cũng theo bà Khanh, hiện Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk đã có công văn gửi Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đề nghị phối hợp khẩn trương kiểm tra, thanh tra các cơ sở sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật, có biện pháp xử lý để bảo đảm quyền lợi cho các em, đồng thời tạo điều kiện đưa các em trở về địa phương an toàn.
“Phần lớn các cháu đi lao động theo sự dụ dỗ của Amí Hun đều là con gái, tuổi đời còn rất nhỏ, các cháu có thể đang đối mặt với nhiều nguy cơ như bị kẻ xấu lôi kéo vào các hoạt động tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn bán ma túy, hút chích hoặc lôi kéo vào đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, các cháu có thể bị lợi dụng và ép buộc lao động cưỡng bức, hoặc lao động nặng nhọc, độc hại nguy hiểm” - bà Khanh lo lắng.
Theo Dân trí