Tại sao Trung Quốc trở thành 'kẻ chuyên bắt nạt'?

Thứ năm, 12/06/2014, 15:50
Dù đề cao thể diện nhưng có thể trình độ của những người chịu trách nhiệm xây dựng hình ảnh của Trung Quốc còn kém cỏi nên Bắc Kinh thường hành xử theo lối gây mất uy tín.

Kết quả cuộc khảo sát gần đây của BBC World Service cho thấy hình ảnh Trung Quốc trong mắt bạn bè quốc tế chưa xứng tầm với vị thế của nền kinh thế đứng thứ hai thế giới.

Mặc dù nhìn chung trong năm nay tỷ lệ đang cân bằng (đều 42%) giữa nhóm người đánh giá ảnh hưởng của Trung Quốc là tích cực và tiêu cực, nhưng hình ảnh của Trung Quốc đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia láng giềng quan trọng nhất, đang tệ hơn bao giờ hết.

Tại Hàn Quốc, chỉ 32% người dân có cái nhìn tích cực đối với Bắc Kinh trong khi tới 56% tỏ thái độ tiêu cực. Tại Nhật Bản còn tệ hại hơn khi chỉ 3% (thấp kỷ lục) mở lòng với Bắc Kinh trong khi số người coi Trung Quốc gây ảnh hưởng tiêu cực ở châu Á lên tới 73%.

Ô nhiềm không khí đe dọa Trung Quốc.
Ô nhiễm không khí đe dọa Trung Quốc.

Diện mạo quốc tế của Trung Quốc rất tiêu cực đối với những những nước phát triển, với Anh là 49%, Australia (47%). Đặc biệt, ở Đức chỉ 10% nhìn Trung Quốc với con mắt tích cực, trong khi 76% không ưa Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là “Trung Quốc có quan tâm tới hình ảnh của mình trong mắt thế giới không?” Điều dễ dàng nhận thấy là cách hành xử hung hăng, nguy hiểm của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông và Hoa Đông khiến cộng đồng quốc tế không khỏi nghĩ rằng dường như Bắc Kinh không mảy may quan tâm tới hình ảnh của mình trong mắt các láng giềng ở châu Á. Và dường như Trung Quốc đang mâu thuẫn với chính những nỗ lực trong những năm qua nhằm cải thiện sức mạnh mềm và xây dựng hình ảnh quốc gia trên thế giới.

Diplomat nhận định, khó hiểu nhất là nếu Trung Quốc quan tâm tới hình ảnh quốc tế của mình, tại sao họ lại hành xử theo kiểu dễ gây tổn hại tới hình ảnh nhất như vậy? Tại sao Bắc Kinh để cho nhiều nước châu Á coi họ là một “kẻ bắt nạt bự con” như thế.

Giới phân tích đưa ra ba khả năng giải thích cho sự mâu thuẫn đó. Thứ nhất, có thể Trung Quốc không thông suốt về khái niệm hình ảnh quốc gia hay sức mạnh mềm. Giới lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi quan điểm “Thà để người sợ còn hơn là được yêu”. Lối suy nghĩ đó đã chi phối chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong những năm gần đây, do đó không bất ngờ khi Bắc Kinh không thấy cần thiết phải cải thiện hình ảnh quốc gia.

Thứ hai, có thể Trung Quốc cũng quan tâm về hình ảnh quốc gia nhưng thiếu kinh nghiệm hoặc thậm chí còn quá vụng về trong nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự thiện chí và tinh tế này.

Những năm gần đây Bắc Kinh huy động khá nhiều nguồn lực vào "ngoại giao công chúng", đáng kể nhất là về tài chính. Hãy xem cách Trung Quốc vung tiền tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 để xây dựng hình ảnh tích cực. Rõ ràng đó là cách quốc gia đông dân nhất thế giới thể hiện khát vọng muốn xây dựng hình ảnh hòa bình và tích cực đối với cộng đồng quốc tế.

Theo Diplomat, có thể trình độ của những người chịu trách nhiệm xây dựng hình ảnh của Trung Quốc còn kém cỏi hoặc do sự thiếu hợp tác giữa các bộ, ban, ngành khác nhau dẫn tới kết quả chưa như mong đợi. Thậm chí, trong vụ khắc phục thảm họa siêu bão Haiyan ở Philippines hồi cuối năm ngoái, phải đợi tới khi bị giới truyền thông và chuyên gia quốc tế chỉ trích là keo kiệt, chính phủ Trung Quốc mới quyết định tăng cường viện trợ, nhưng đóng góp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thua xa nhiều nước khác.

Cuối cùng, chỉ có thể giải thích sự thờ ơ đối với hình ảnh quốc gia của Trung Quốc là bởi đó là chiến lược đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả. Hồi đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ông sẽ không bao giờ hy sinh lợi ích quốc gia trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Theo Zing

Các tin cũ hơn