Theo báo South China Morning Post (SCMP, Hong Kong) ngày 10/6, thẩm phán Antonio Carpio đã sử dụng 72 bản đồ cổ - trong đó 15 bản đồ xuất xứ từ Trung Quốc - trong một bài nói chuyện tại Đại học De La Salle (Philippines) để phủ nhận tuyên bố chủ quyền muốn chiếm phần lớn Biển Đông của Trung Quốc.
"Thư viện Quốc hội Mỹ lưu trữ những bản đồ trên và không hạn chế tiếp cận. Tất cả đều cho thấy biên giới phía Nam Trung Quốc kết thúc tại Hải Nam, với các tên cổ xưa như Zhuya, sau đó là Qiongya và Qiongzhou", ông Carpio nhấn mạnh.
Tư liệu đầu tiên ông Carpio giới thiệu là ảnh chụp một bản đồ khắc đá vẽ lãnh thổ Trung Quốc vào thời nhà Tống năm 1136 sau Công nguyên. Bản đồ này cho thấy đảo Hải Nam là cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc.
Ảnh chụp một bản đồ khắc đá cổ do thẩm phán Antonio Carpio giới thiệu để khẳng định đảo Hải Nam là biên giới cực Nam của Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Mười năm trước, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines trích dẫn dòng chữ trên ngôi mộ một vị tướng thời nhà Minh đóng tại Hải Nam, tên Quian Shicai, làm bằng chứng cho tuyên bố của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa. Nội dung trích dẫn như sau: "Quảng Đông tiếp giáp với phần lớn Biển Đông, và các vùng lãnh thổ bên ngoài vùng biển đều thuộc về nhà Minh".
Tuy nhiên, ông Carpio trình ra 5 bản đồ chính thức của triều đại nhà Minh ghi nhận "Hải Nam là cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc".
Chưa dừng lại ở đó, Đại sứ quán Trung Quốc từng rêu rao dưới triều đại nhà Thanh, Trung Quốc đánh dấu quần đảo Nam Sa (tên Bắc Kinh tự đặt với quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trên một bản đồ hợp pháp và đã thực thi quyền tài phán hành chính đối với các quần đảo.
Nhưng ông Carpio tiếp tục viện dẫn những bản đồ chính thức của triều đại nhà Thanh để tiếp tục khẳng định chứng cứ đảo Hải Nam là lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc.
Bản đồ xuất bản năm 1896 tại Trung Quốc dưới triều đại nhà Thanh cũng cho thấy đảo Hải Nam là lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc. Ảnh: Rappler |
Theo ông Carpio, việc kiểm chứng các bản đồ cổ nhằm chỉ rõ Bắc Kinh chưa từng có tuyên bố chủ quyền trong lịch sử là nhiệm vụ quan trọng. Ông Carpio kết luận “đường lưỡi bò” là “trò gian lận lịch sử khổng lồ” của Trung Quốc.
Thẩm phán Philippines nhấn mạnh: "Chúng ta sẵn sàng chấp nhận đề nghị của Trung Quốc về việc kiểm chứng các sự kiện lịch sử trên 3 loại bản đồ". Đó là những bản đồ xuất xứ từ Trung Quốc, bản đồ do người nước ngoài thực hiện và bản đồ cổ của Philippines.
Theo SCMP, Bắc Kinh luôn khẳng định rằng họ sở hữu những bản đồ lịch sử hợp pháp để củng cố tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhưng lại chưa từng công bố bản đồ nào.
Thẩm phán Carpio là một quan chức chuyên nghiên cứu vấn đề tranh chấp. Gần đây ông đã ký quyết định của Tòa án Tối cao để khẳng định tính hợp hiến của Luật đường cơ sở quần đảo, vốn đề cập quyền sở hữu một số quần đảo trên Biển Đông.
Theo Zing