Phản đối luận điệu của Trung Quốc tại LHQ

Thứ năm, 12/06/2014, 07:43
Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng đại diện thường trực VN tại LHQ, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan phi pháp khỏi vùng biển VN.

Phản đối luận điệu của Trung Quốc tại LHQ

Tàu TQ vây hãm và phun vòi rồng vào tàu Kiểm ngư VN - Ảnh: Đàm Duy Khánh

LHQ ngỏ ý giúp giải quyết căng thẳng

LHQ đã tỏ ý sẵn sàng đứng ra dàn xếp giải quyết căng thẳng hiện nay trên Biển Đông. Đài NHK dẫn lời phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric ngày 10/6 cho biết TTK Ban Ki-moon đã bày tỏ hy vọng tình hình sẽ được dàn xếp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông Dujarric nói thêm người đứng đầu LHQ cũng tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải nếu các bên liên quan có yêu cầu. Trước đó, vào ngày 9/5, tức hơn một tuần lễ sau ngày TQ hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển VN, TTK Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại và kêu gọi “giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại và phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ”.

Ngày 10/6 (giờ địa phương), tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Đại sứ Lê Hoài Trung có buổi làm việc với Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 68 John Ashe về vụ Trung Quốc (TQ) hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển VN.

Trong buổi gặp, Đại sứ Lê Hoài Trung đã nêu rõ sự thật về những gì đang diễn ra, khẳng định chủ quyền hợp pháp của VN đối với quần đảo Hoàng Sa đồng thời bác bỏ những luận điệu sai trái trong các tài liệu do TQ lưu hành tại LHQ, theo TTXVN.

Đáp lại, Chủ tịch Đại hội đồng John Ashe bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, ủng hộ chủ trương của VN và cho rằng các bên liên quan không nên có các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng. Ông Ashe cho biết thêm văn phòng của ông đang theo dõi sát sao diễn biến vụ việc.

Cùng ngày, Đại sứ Lê Hoài Trung đã có buổi trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn AP liên quan tới vụ giàn khoan. Trong cuộc phỏng vấn, ông nhấn mạnh TQ phải rút giàn khoan và hơn 100 tàu ra khỏi vùng biển VN nhằm tạo điều kiện tiến hành đàm phán.

Tuy nhiên, theo Đại sứ, Bắc Kinh đã từ chối tham gia đối thoại, ngang ngược tuyên bố khu vực xung quanh giàn khoan là “thuộc về TQ” và đây là hành động mang tính khiêu khích, gây quan ngại nghiêm trọng.

Cũng như trong buổi làm việc với Chủ tịch Đại hội đồng LHQ John Ashe, Đại sứ Lê Hoài Trung tiếp tục khẳng định VN có cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với khu vực mà TQ đặt giàn khoan. VN cho đến nay vẫn hết sức kiềm chế trong việc xử lý tình hình, nỗ lực giải quyết căng thẳng một cách hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Không chấp nhận vu cáo

Cảnh báo giông lốc ở Hoàng Sa

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết trưa 11/6 một vùng áp thấp mới hình thành trên khu vực Bắc và giữa Biển Đông, gây mưa giông diện rộng. Đến 13 giờ cùng ngày, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,5 - 18,5 độ vĩ Bắc và 113,5 - 114,5 độ kinh Đông. Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 18 - 20 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp vịnh Bắc Bộ nên vùng biển Bắc và giữa Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa, có mưa rào và giông mạnh, cần đề phòng gió giật mạnh, kèm theo hiện tượng sét đánh. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cảnh báo, tàu thuyền hoạt động trong vùng biển có thời tiết xấu chủ động các biện pháp ứng phó đảm bảo an toàn.

Các động thái và phát biểu của Đại sứ Lê Hoài Trung được đưa ra sau khi TQ tiếp tục đẩy căng thẳng tại Biển Đông đi xa hơn bằng “bản tuyên cáo lập trường” về giàn khoan Hải Dương-981 gửi lên LHQ vào ngày 9/6.

Theo tờ South China Morning Post, trong tài liệu do Phó đại sứ TQ tại LHQ Vương Dân gửi Tổng thư ký Ban Ki-moon, TQ tiếp tục ngang ngược cáo buộc VN xâm phạm cái gọi là “chủ quyền của TQ”. Tài liệu ngang nhiên tuyên bố Tổng công ty dầu khí Hải dương TQ (CNOOC) đã tiến hành các hoạt động thăm dò và khảo sát giếng dầu tại khu vực đặt giàn khoan “từ hơn 10 năm qua” và còn đưa ra luận điệu nói hoạt động khoan dầu của CNOOC “là sự tiếp nối quy trình thăm dò và khai thác giếng dầu thường xuyên bên trong vùng chủ quyền và tài phán của TQ”. Bắc Kinh thậm chí còn vu cáo VN cản trở “trái phép” hoạt động của giàn khoan bằng cách “điều động tàu có vũ trang và cho tàu đâm vào tàu TQ”.

Sự “hai mặt”

Liên quan tới tài liệu do phía TQ lưu hành ở LHQ, tờ The Wall Street Journal vừa đăng bài phân tích, theo đó nước này luôn một mực phản đối các nước liên quan nhờ trọng tài quốc tế phân xử công bằng trong tranh chấp ở Biển Đông, Hoa Đông và khăng khăng đòi đàm phán song phương nhằm tận dụng lợi thế nước lớn để chèn ép.

Mặt khác Bắc Kinh lại tìm kiếm sự ủng hộ của LHQ cho hành vi ngang ngược của mình là kéo giàn khoan vào vùng biển VN và còn tự nhận là “nạn nhân” trong cuộc xung đột.

Theo The Wall Street Journal, các động thái tại LHQ của TQ là dấu hiệu cho thấy nước này “bắt đầu nhột nhạt và bị tổn thất trước làn sóng chỉ trích của thế giới”.

Tương tự quan điểm trên, tờ The Diplomat ngày 10/6 nhận định TQ quyết định đưa vấn đề giàn khoan ra LHQ do lo ngại bị VN và các nước trong khu vực làm đơn kiện các tuyên bố chủ quyền phi lý của mình ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, theo The Diplomat, không có luật pháp quốc tế nào công nhận yêu sách “đường lưỡi bò” và trong tình hình cộng đồng quốc tế đã thấy rõ những gì TQ đã và đang làm trên biển thì nước này sẽ không thể che mắt được ai.

Nhật hỗ trợ thiết bị cho tàu Cảnh sát biển VN

Ngày 11/6, Đài NHK dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố nước này sẽ hỗ trợ chi trả việc lắp đặt hệ thống radar, radio và nhiều thiết bị khác cho các tàu đang do Cảnh sát biển VN vận hành. Song song đó, Nhật vẫn sẽ đẩy nhanh khảo sát để cung cấp tàu tuần tra cho VN như thông báo của Thủ tướng Shinzo Abe tại hội nghị Đối thoại Shangri-La vừa qua ở Singapore.

Theo Đài NHK, Ngoại trưởng Nhật Kishida sẽ thăm VN vào ngày 1/7 và ông mong muốn hai bên có thể tái khẳng định về hợp tác trong vấn đề biển và sẽ cùng làm việc để duy trì trật tự trên biển theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn