Xuất hiện 34.000 tỷ đồng do “anh em bị khớp”

Thứ năm, 12/06/2014, 08:49
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận  ngày 11/6, con số 34.000 tỷ đồng trong đề án sách giáo khoa làm xôn xao dư luận thời gian qua được đặt ra.

Phong cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét là “thẳng thắn”.  Với phong cách này, Bộ trưởng đã trả lời hết 21 đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (bìa trái) và đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) - Ảnh: V.Dũng

Do “đồng chí cấp vụ”

"Trong tay thứ trưởng thay mặt tôi đi họp không có con số 34.000 tỷ đồng, mà một đồng chí cấp vụ ngồi ghế sau trao lên tờ giấy. Thưa Quốc hội, thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thông cảm cho là anh em dự phiên họp quan trọng như vậy, trang nghiêm như vậy nên bị khớp..."

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) chất vấn về con số 34.000 tỷ đồng: “Dư luận cho rằng Bộ trưởng không kiểm soát được tình hình trong việc Bộ GD-ĐT trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa với chi phí trên 30.000 tỷ đồng. Đây là con số khái toán, do một thứ trưởng được Bộ trưởng ủy quyền trình bày, chắc chắn Bộ trưởng phải biết, phải chỉ đạo cụ thể trước khi trình ra UBTVQH. Không kiểm soát được ở chỗ Bộ trưởng nói rằng đây không phải là ý kiến của Bộ, và trong đề án của Bộ không trình bày con số kinh phí thực hiện thì chưa đầy đủ mà đã trình ra UBTVQH. Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào về việc này?”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời: “Con số 34.000 tỷ đồng xuất hiện lúc nào? Khi UBTVQH họp thì tôi đi công tác nước ngoài, UBTVQH cho phép thứ trưởng đi họp thay. Khi báo cáo chính thức UBTVQH thì không có con số 34.000 tỷ đồng. Đến lúc UBTVQH thảo luận, chất vấn thì Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai có hỏi về khả năng xã hội hóa nguồn kinh phí để triển khai ngoài ngân sách nhà nước là bao nhiêu? Lúc này trong tay thứ trưởng thay mặt tôi đi họp không có con số 34.000 tỷ đồng, mà một đồng chí cấp vụ ngồi ghế sau trao lên tờ giấy. Thưa Quốc hội, thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thông cảm cho là anh em dự phiên họp quan trọng như vậy, trang nghiêm như vậy nên bị khớp. Đây là con số chưa có bàn bạc, chưa có thống nhất”.

“Sau đó tổ chức cuộc họp báo để nói lại rằng 34.000 tỷ đồng là làm nhiều việc, nhưng nói không khéo, không đầy đủ cho nên nhân dân lại thấy con số 34.000 tỷ là đúng. Đây là lỗi kỹ thuật, sai sót. Để xảy ra sai sót như thế, tôi với tư cách là Bộ trưởng xin báo cáo là thực hiện sự ủy quyền của Thủ tướng chưa đầy đủ, gây nên sự lo lắng, băn khoăn trong nhân dân. Mà cái lo lắng nhất là mấy anh này vẽ ra để tiêu tiền, để thất thoát tiền nong của đất nước, của nhân dân. Sự việc là như vậy chứ không có vấn đề gì khác” - ông Luận nói.

Dạy, học ngoại ngữ không giống ai trên thế giới

"Dư luận cho rằng Bộ trưởng không kiểm soát được tình hình trong việc Bộ Giáo dục - đào tạo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa với chi phí trên 30.000 tỷ đồng".

Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận)

Về việc vì sao thi năm nay không đưa ngoại ngữ vào môn bắt buộc mà tự chọn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói chủ trương nhất quán là phải đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ. Tuy nhiên, cách dạy, cách học, cách thi ngoại ngữ hiện nay của chúng ta không giống ai trên thế giới.

Dạy và học chủ yếu là ngữ pháp nên học hết phổ thông cũng không nói được, người ta nói không hiểu. Nhiều cháu ở thành phố lớn đi học ở các trung tâm phát âm rất giỏi về cô lại chê. Cho nên dứt khoát phải chấm dứt tình trạng nhận được bằng, chứng chỉ tốt nghiệp nhưng không sử dụng ngoại ngữ vào công việc thực tiễn.

“Chúng tôi phân tích và đi đến quyết định trước mắt cần chỉnh lại, thay đổi cách dạy, cách học ngoại ngữ để đúng hướng mới tăng tốc, chứ không tăng tốc theo hướng cũ” - ông Luận nói.

Trước đề xuất của đại biểu Quốc hội về việc rút ngắn chương trình giáo dục phổ thông từ 12 năm xuống 11 năm, ông Luận cho biết đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc này, có ý kiến đề nghị rút xuống, nhưng cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên. Lý do giữ nguyên là để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi một số năng lực ở học sinh mà lâu nay còn thiếu như khả năng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm. Vấn đề này trung ương đã thảo luận và quyết định trước mắt giữ ổn định hệ thống 12 năm như hiện nay, đồng thời yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu.

“Trong chuyến tháp tùng Thủ tướng công du Philippines, chúng tôi được biết nước này mới chuyển từ hệ 11 năm sang 12 năm. Cho nên trên thế giới có nhiều xu hướng khác nhau, tăng giảm tùy thuộc vào mục tiêu” - ông Luận cho biết.

Trả lời đại biểu liên quan đến việc thành lập trường đại học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết giai đoạn 2006-2010 thành lập hơn 180 trường, bình quân một năm hơn 30 trường. Từ năm 2011 đến nay số lượng thành lập trường giảm đáng kể, bảy trường/năm. Theo quy hoạch mới Thủ tướng đã phê duyệt, về cơ bản sẽ không thành lập mới thêm các trường, trừ một số trường đã có chủ trương và đặc biệt. Bộ GD-ĐT đã thông báo tạm dừng cho đến năm 2015 không nhận các hồ sơ mới để thành lập, tiếp đến sẽ có rà soát và bổ sung. “UBND các tỉnh luôn trình bày với chúng tôi nguyện vọng cháy bỏng về việc thành lập các trường đại học. Xin các đồng chí chia sẻ lo lắng, quan tâm của Quốc hội để chúng ta xử lý việc này một cách có trách nhiệm” - ông Luận nói.

Bên hành lang Quốc hội

* Đại biểu Hà Minh Huệ: Nói do một chuyên viên mách là chưa thỏa đáng

Trả lời của Bộ trưởng đối với chất vấn của tôi thì cũng chưa thật rõ đâu. Cho đến giờ tôi cũng chưa biết đề án cần bao nhiêu tiền để thực hiện. Không phải là 34.000 tỷ đồng thì cần bao nhiêu? Tôi hy vọng sẽ đưa ra con số thấp hơn nhưng không loại trừ có thể có con số cao hơn. Điều chúng tôi cần là Bộ trưởng giải trình vấn đề này trước Quốc hội vì đây là kiến nghị của cử tri.

Do vậy, tôi hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu (qua vụ việc nói trên), nhưng hình như Bộ trưởng chưa trả lời chất vấn này của tôi. Bộ trưởng nhìn nhận đây là sai sót của Bộ, nhưng với tư cách là “tư lệnh của một ngành”, khi muốn làm việc này (trình đề án, trong đó có nêu thông tin về kinh phí thực hiện) thì phải có ý kiến của Bộ trưởng, thay mặt Chính phủ làm. Còn nói rằng do một chuyên viên mách cho thứ trưởng và thứ trưởng phát ngôn, đồng thời qua các buổi họp báo cũng nói những điều như thế là chưa thỏa đáng.

* Đại biểu Dương Trung Quốc: Vì sao con số vu vơ cũng có thể đưa ra diễn đàn?

Bất kỳ việc nào, Bộ trưởng với tư cách tư lệnh ngành là người chịu trách nhiệm cao nhất về công việc của cán bộ trong ngành, trong đó có cả việc để người dân hiểu nhầm. Lẽ ra nên nhận việc đó là sai sót và sửa đổi, chứ không việc gì phải né tránh.

Trong chiến trận mà vị tướng để súng của lính cướp cò thì việc xử lý nội bộ tính sau, còn trước hết là lãnh đạo phải nhận trách nhiệm. Con số 34.000 tỷ đồng ở đâu ra? Qua trả lời của Bộ trưởng chúng ta thấy phản cảm nhất là vì sao con số vu vơ cũng có thể đưa ra được diễn đàn quan trọng như thế.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích