Giáo dục liên tục... gây shock

Thứ ba, 13/05/2014, 08:40
Giải thể trường học, sa thải giáo viên trong hợp đồng... đó là hàng loạt những quyết định gây sốc trong ngành giáo dục thời gian qua.

Giải thể trường học, không được báo trước

Hồi tháng 4, UBND TP.HCM đã chấp thuận về chủ trương của Sở GD-ĐT giải thể Trường THPT Lý Tự Trọng (thuộc Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng) từ năm học 2014 - 2015.

Trước sự việc này, ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Năm 1998 do thiếu chỗ học THPT, UBND TP đã có quyết định thành lập Phân hiệu THPT bán công Lý Tự Trọng trong Trường trung học Kỹ thuật Lý Tự Trọng".

Thế nhưng, theo ông cho đến nay trên địa bàn Q.Tân Bình, Q.Tân Phú đã xây dựng mới nhiều trường THPT, đủ sức đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Trong khi đó, nhiều giáo viên của trường cho rằng, đây là việc làm đi ngược với “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, là phản giáo dục.

Nhiều giáo viên trường THPT Lý Tự Trọng không kìm được nước mắt khi nói về việc giải thể trườn

Nhiều giáo viên trường THPT Lý Tự Trọng không kìm được nước mắt khi nói về việc giải thể trường.

Bà Phạm Thị Thu Thảo, phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, phụ trách Trường THPT Lý Tự Trọng, cho biết: "Là người trực tiếp phụ trách trường THPT, tôi cũng rất bất ngờ và thật sự rất sốc với quyết định giải thể trường".

Bà cho rằng, việc giải thể một ngôi trường với hơn 60 giáo viên, hơn 1.800 học sinh mà không hề có sự bàn bạc, sắp xếp gì. Cảm giác việc tiến hành giải thể quá vội vàng, khiến đội ngũ giáo viên rất bức xúc.

Sa thải giáo viên hàng loạt

Dư luận đang xôn xao và bức xúc về thông tin hơn 300 giáo viên của huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh "thất nghiệp" dù chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, năm học 2013-2014 sẽ kết thúc.

Nguyên nhân ban đầu từ các cơ quan có chức năng cho biết là do các giáo viên này đã thi trượt trong đợt thi xét tuyển viên chức được tổ chức vào cuối năm 2013.

Thực ra vấn đề này đã là mối lo lắng của các giáo viên huyện Yên Phong suốt từ đầu năm học 2013 - 2014 khi mà thông tin tuyển dụng viên chức ngành giáo dục - đào tạo được đưa ra.

Theo đó, huyện Yên Phong sẽ chỉ ưu tiên tuyển thẳng những trường hợp là con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng; hay tuyển thẳng theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh và những trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quy định tại khoản 2, điều 3 Nghị định 29/2012/NĐ-CP.

Và hơn 300 giáo viên không nằm trong diện tuyển dụng và sẽ phải thôi việc. Điều đáng nói hơn cả là trong số hơn 300 giáo viên này, hầu hết đều có thâm niên công tác lâu năm, là giáo viên giỏi.

Theo phản ánh của nhiều giáo viên hợp đồng thì kỳ thi tuyển viên chức vừa qua là một sân chơi không “sòng phẳng” thậm chí có những dấu hiệu tiêu cực bởi phương thức xét tuyển mà huyện Yên Phong đưa ra.

Dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo ĐH

Ngày 25/1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã có công văn thông báo quyết định đến các trường ĐH, học viện, về việc dừng tuyển sinh đối với 207 ngành trình độ ĐH của 71 cơ sở đào tạo từ năm 2014 do không đáp ứng điều kiện quy định về đội ngũ giảng viên.

Trong danh sách 71 cơ sở giáo dục ĐH có ngành đào tạo ĐH bị dừng tuyển sinh năm 2014 xuất hiện tên của nhiều trường ĐH lớn, như ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Y dược TP.HCM...

Thế nhưng, cho đến ngày 19/3, đã có 92 trong số 207 ngành đào tạo đại học bị dừng tuyển sinh lại nhận được thông báo cho phép tuyển sinh trở lại.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), tính đến chiều ngày 4/3, Bộ Giáo dục đã nhận được báo cáo giải trình của gần 30 trường và đề nghị được tuyển sinh trở lại khoảng 100 ngành đào tạo. Qua quá trình xem xét vì đã đáp ứng được yêu cầu nên Bộ cho phép tuyển sinh trở lại. Việc tạm dừng cũng chỉ là hình thức đe dọa ban đầu.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn