Chuyện tình cảm động của tướng Thước

Thứ ba, 13/05/2014, 11:10
Cưới nhau 60 năm nhưng chỉ đến khi ở tuổi xế chiều, tướng Thước mới có thời gian gần gũi người bạn đời để cùng nhau ôn lại mối tình được kết nối trong chiến tranh.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (SN 1926, Nghệ An) là một vị tướng tài ba đã từng giữ chức tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên lịch sử, tư lệnh trưởng quân khu 4, là chỉ huy đại đội trong chiến dịch chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ.

Mối tình son sắt giữa bom đạn

chuyen tinh

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bên người vợ thủy chung

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước giác ngộ cách mạng từ sớm rồi tham gia Việt Minh cướp chính quyền năm 1945. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông được phân công chiến đấu trực tiếp tại nhiều điểm nóng, trong đó có chiến trường Bình - Trị - Thiên nổi tiếng khốc liệt.

Năm 1950, lần đầu tiên ông chỉ huy trung đội vào chiến trường Bình - Trị - Thiên. Tài năng của ông bộc lộ, trung đội luôn luôn lập công.

Năm 1953, trong chiến dịch phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, ông được thăng lên cấp chỉ huy đại đội, chiến đấu trên mặt trận Lào để chia lửa cho chiến trường chính. Và, cũng chỉ nửa năm sau, ông được đề bạt lên cấp chỉ huy tiểu đoàn (thuộc Sư đoàn chủ lực 325) bằng những trận đánh tiêu diệt gọn nhiều đơn vị địch có trang bị vũ khí hơn hẳn đơn vị mình.

Ngoài 32 tuổi, ông vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai. Chiến tranh ác liệt, anh em, gia đình sốt ruột giục ông lấy vợ. Năm 1958, nhân cuộc họp ra Bắc, cấp trên tạo điều kiện để ông ghé thăm nhà. Trước khi đi, chỉ huy còn gọi ông đến ra lệnh ông cần lấy vợ gấp. Biết là phải “tuân lệnh”, nhưng ông không khỏi lo ngại: “Tôi thẳng tính, có gì nói nấy, lại suốt ngày xa nhà, sợ người ta không chờ đợi được”.

Lần đó, thấy ông hiền lành, lại có tài thao lược, Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc đã hứa hẹn gả cháu gái Phan Thị Thủy vừa tròn 18 tuổi cho ông. Vừa gặp nhau lần đầu nhưng họ đã có cảm tình với nhau. Một tuần sau, ông xin phép cấp trên về nhà để “cưới vợ”.

Hai vợ chồng vừa ở bên nhau một đêm, ông đã phải trở lại đơn vị. Ngay sau đó, ông lại được điều vào Bình Định làm công tác tham vấn, bắt đầu quãng thời gian đằng đẵng vợ chồng xa cách. Sốt ruột có cháu bế, mẹ chồng đã “chỉ thị” cho con dâu bằng mọi giá phải vào để gặp chồng.

Nghe lời mẹ, bà Thủy vượt đồi núi, đường xa vào chiến trường để gặp ông. Gần 60 năm làm vợ tướng và có với nhau 2 mặt con, số lần bà Thủy được ở bên cạnh chồng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mọi việc nhà, bà đều là người gánh vác.

Năm 1965, vì nhiệm vụ đòi hỏi phải bảo mật, ông vào chiến trường B, cắt đứt liên lạc với vợ và gia đình suốt 10 năm trời. Không có tin tức, mọi người bảo có khi ông đã hy sinh, có người lại nói ông đã có người khác và khuyên bà đi bước nữa. Nhưng bà Thủy vẫn tin và chờ đợi ngày ông trở về.

Vẹn nghĩa, vẹn tình

Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, nhiều đồng đội của ông trở về quê sum họp với gia đình thì bóng dáng chồng vẫn bặt tăm. Một mình bà Thủy lặn lội từ Nghệ An vào tận trong Thủ Dầu Một (Bình Dương) để tìm chồng. Khi ấy ông vẫn phải tiếp tục làm nhiệm vụ gìn giữ an ninh trật tự, vì vẫn còn nhiều nhóm ngụy quân chưa chịu đầu hàng.

Sau 10 năm bặt tin, hai vợ chồng gặp nhau trong một hoàn cảnh chẳng ai ngờ trước. Khi ấy, ông Thước chỉ nói được đúng một câu: "Em và các con có khỏe không?", còn bà Thủy thì không cất nên lời, chỉ ôm chặt lấy ông mà khóc. Mãi đến năm 1997, tướng Thước về hưu, gia đình ông mới được đoàn viên.

Niềm vui đoàn tụ chưa được bao lâu thì cũng năm đó, bà Thủy bị tai biến liệt nửa người. Từ đó, mọi sinh hoạt của bà đều phải trông cậy vào ông. Ngay cả vệ sinh cá nhân, ông đều đảm nhiệm chăm sóc bà.

“Tôi không muốn giao việc chăm sóc bà ấy cho ai. Với tôi, đó là một niềm hạnh phúc. Thời trẻ bà ấy đã hy sinh làm hậu phương vững chắc cho tôi công tác. Giờ là lúc tôi bù đắp cho bà ấy...”.- Ông nói ánh mắt dịu dàng hướng về vợ. Có lần, ông bị ho kéo dài phải nhập viện theo dõi, nhưng ông vẫn không quên gọi điện nhắc nhở và hướng dẫn con cháu chăm sóc cho bà đúng cách.

Gần 60 năm chung sống, trong ngôi nhà ở phường Vĩnh Phúc (Ba Đình, HN) món quà đẹp nhất ông tặng bà là đôi dép cao su trong ngày cưới. Sau này, trong những lá thư, ông cũng làm thêm bài thơ tặng vợ. Dù không còn nói được, nhưng bà Thủy cảm nhận được tình yêu mà ông dành cho bà là son sắc và thủy chung…

Theo PNTD

Các tin cũ hơn