|
Trong ngôi nhà chỉ có "hai ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình” này thì mỗi người mẹ đều cố gắng làm tròn cả hai vai trò vì con.
Hai vai nặng gánh: Vừa là mẹ vừa là cha
Chị Lê Thị Quyên (43 tuổi, ngụ Quảng Trị) là một trong những người mẹ đơn thân đang sống với mẹ già và đã trải qua 20 năm một mình nuôi dạy con trưởng thành. Trên hành trình dài đó, chị đã nếm trải nhiều nỗi niềm, khó khăn, nhiều cung bậc buồn vui, hạnh phúc,…
Hai mươi năm trước, chị yêu một người đàn ông hơn chị vài tuổi cùng quê. Tuy nhiên, hôn nhân đã không đến được do gia đình người yêu phản đối vì chị bị cụt một tay.
Không thể yêu và lấy ai nữa nhưng có con là khát khao bản năng và lớn nhất của người phụ nữ. Chị Quyên đã “xin” một người đàn ông cho mình một đứa con theo cách tự nhiên.Quyết định có con, nuôi con một mình, một mình chị vật lộn đủ thứ chi phí trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con và mẹ già. Từ chuyện ăn ngủ, học hành, rồi trở trời, con trai lại đau ốm, thức đêm chăm con, đem con đi viện… Tất cả chỉ mình chị lo toan.
|
Thế nhưng, cơ cực nhất không phải là mặt vật chất mà là cuộc sống tinh thần, đặc biệt, khi con bước vào tuổi bắt đầu có nhiều thắc mắc, nhìn nhận, suy nghĩ và có sự so sánh với bạn bè. Đầu tiên là sống trong dư luận bà con hàng xóm nói ra nói vào việc không có chồng mà có con.
Chị Quyên tâm sự: "Rồi đến ngày con trai học mẫu giáo, thấy các bạn chung trường có ba đến đón về, thằng bé hỏi tôi rằng ba nó đâu, sao ba không đến đón con. Tôi không biết trả lời sao cả, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Đêm về nằm suy nghĩ, tôi chỉ khóc vì thương con trai phải chịu thiệt thòi so với bạn bè nó. Tôi cũng buồn, nhưng tôi phải cố gắng vượt qua và tự nhủ phải chăm sóc con tôi tốt hơn”.
Ngày con chị 8 tuổi, bạn bè cứ trêu: “Kêu mẹ mi đi nhận ba đi”. Thế là cậu con trai về nhà cứ khóc suốt. “Tôi thương nó mà không biết làm sao”, nói đến đây, người mẹ vẫn còn ngậm ngùi, thắt ruột.
Nhớ lại chặng đường 20 năm qua, chị kể, đôi khi con còn trách mẹ vì sao bạn bè ai cũng có ba, mà mình lại không có, hỏi ba đi đâu mà không về với mẹ con mình. Chị Quyên vẫn còn nhớ không ít lần còn phải đối mặt với cảm xúc hờn giận của con khi “có lần nó còn bảo nó ghét tôi vì tại tôi mà ba nó không ở với nó”.
Cũng có lúc chị ôm con khóc, những lúc đó chị cảm thấy thiếu thốn tình cảm, thực sự rất cần một người đàn ông bên cạnh san sẻ nỗi niềm. Thế nhưng, giờ con chị đã 20 tuổi, dần cũng hiểu được vì sao chỉ có mẹ chứ không có ba như những đứa trẻ khác. Cậu đã không còn trách mẹ, khóc lóc đòi mẹ đem đi gặp ba nữa. Con trai đã lớn và cũng thương mẹ, tôn trọng quyết định của mẹ vì mẹ chịu nhiều thiệt thòi.
“Mẹ ơi, sao con không có cha?”
Còn với chị N.N.H., cô con gái Su 3 tuổi đang bắt đầu tiếp xúc tìm hiểu, khám phá môi trường xung quanh. Thế nên, giờ thỉnh thoảng bé cũng so sánh với người em họ, hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao con không có ba giống như em Ti?”
|
Câu hỏi của bé Su - con gái chị H., cũng là câu hỏi chung của các con mà nhiều mẹ đơn thân sợ nhất, chia sẻ trên những diễn đàn, mạng xã hội, để tìm câu trả lời. "Sợ nhất, mai này con bắt đầu nhận thức, thắc mắc hỏi "bố đâu?", làm sao thốt nên câu trả lời đây? Làm sao mẹ bù đắp nỗi cho con nửa khuyết quan trọng kia bây giờ?", một mẹ đơn thân chia sẻ trên Facebook Hội những bà mẹ đơn thân.
Theo nickname Luuly Luuly Nguyen: "Thật sự đây là điều trăn trở lớn nhất của tất cả chị em chúng mình ở đây. Khi nghe con hỏi về cha là mình rất đau lòng rồi".
Mỗi người chọn một câu trả lời, người thì nói với con ba đi công tác xa, lâu lắm mới về. Người thì nói ba con đã mất...
"Con mình đã được 14 tháng rồi. Mình cũng rất sợ sau này con mình hỏi bố đâu. Mình cũng chưa biết trả lời nó như thế nào. Nhưng mình nghĩ mình phải nói thật cho nó biết thôi vì cứ nói dối nó là bố đang đi làm xa, cứ để nó chờ đợi như vậy thì tội nó lắm", mẹ đơn thân có nickname Lưu Việt Thắng chia sẻ.
Còn với chị H., con còn nhỏ nên chị đã tìm ra câu trả lời để giải thích cho con rằng: “Bất kỳ người lớn nào cũng mong muốn có con nít ở trong nhà để làm con. Thế là con cò ở trên trời đã mang những em bé xuống trần gian ban tặng cho những người lớn muốn có con. Cậu Nam và mợ Thảo ở chung với nhau nên phải cùng làm ba, làm mẹ của em Ti. Còn mẹ chỉ ở một mình nên chỉ có mẹ làm mẹ của con thôi”.
“Giờ tôi chỉ có thể giải thích cho con theo những câu chuyện thần tiên, cổ tích đẹp như thế. Với suy nghĩ của con nít thì bé Su đồng ý và vui với cách giải thích đó. Bé cũng kể cho các bạn như vậy. Tôi hy vọng, với tình yêu thương của mình thì sau này lớn lên, hiểu biết, con sẽ hiểu được sự yêu thương của mẹ dành cho con và thương mẹ. Con sẽ biết con tồn tại ở trên đời này là hạnh phúc và món quà lớn nhất trong cuộc sống của mẹ”, chị H. chia sẻ.
Trả lời thế nào khi con hỏi “cha đâu”? Một trong những câu hỏi đau lòng và tổn thương nhất mà các bà mẹ đơn thân thường phải đối mặt là “Cha của con đâu hả mẹ?”. Câu hỏi này sẽ tiếp diễn từ lần đầu tiên bé hiểu chuyện cho đến lúc trưởng thành. Những ứng xử của mẹ sẽ rất quan trọng với tâm lý và cảm xúc của bé. Một số chuyên gia từ diễn đàn “Single mother by choice” và “Choice Moms” gợi ý cho các mẹ như sau. Jane Mattes, người sáng lập diễn đàn “Single mother by choice” có một đứa con 13 tuổi và không kết hôn chia sẻ: “Bà mẹ phải cố nói cho con về cha của chúng càng trung thực càng tốt, nhưng có thể cần thời gian để bé có thể tiếp nhận được thông tin này.”
Hãy tập nói về chủ đề này nhiều năm Ngay từ khi con còn sơ sinh, bà mẹ đơn thân hãy tự tập nói về sự thật này một cách thoải mái, đơn giản nhất. Thậm chí, một số bà mẹ còn đề ra kịch bản tập nói về các chuyện như “mẹ đã thụ tinh nhân tạo để có con” hay “mẹ đã nhờ một người bạn cho con” theo cách đơn giản nhất. Một mẫu sau đây do một bà mẹ giới thiệu: Hãy giải thích thật đơn giản và thoải mái Nhiều bà mẹ khóc khi con hỏi vậy. Nhưng như thế sẽ khiến con trẻ bị stress và nghĩ mình đã sai lầm, hoặc mình không được yêu thương. Sau khi đã tập luyện nhiều năm với bước ở trên, người mẹ hãy trả lời cho con câu hỏi đó một cách đơn giản nhất, đừng giải thích dài dòng. Các giải thích sẽ nhiều dần khi bé lớn hơn từng tuổi. Ví dụ, năm 4 tuổi bé đi học và bị bạn ghẹo, bé sẽ hỏi: “Cha con đâu?”. Lúc đó đơn giản nhất là mẹ nói: “Ồ, mẹ chưa làm đám cưới con ạ” hoặc “nhà mình không có cha đâu con!” , hoặc “nhà bạn Mèo, bạn Gấu có cha, nhưng có những bạn khác không có cha, như con vậy thôi mà”. Đừng để bé thấy sợ hãi vì bạn khóc hoặc la bé. Tăng cường câu trả lời cho bé Khi bé 12-13 tuổi, mẹ không chỉ đơn giản là trả lời y như lúc 4 tuổi. Lúc này bé đã hiểu chuyện và sẽ bị nhiều thứ bên ngoài tác động hơn. Mẹ hãy thoải mái giải thích cho con rằng con được thụ tinh nhân tạo vì mẹ quá yêu con và muốn có con. Hãy nói rằng người đã cho mẹ tinh trùng để giúp mẹ có con là bạn tốt của gia đình. Hoặc đơn giản nhất, hãy giải thích cho con toàn bộ hành trình mình có con, tốn kém, khó khăn, cực nhọc, yêu thương ra sao. Đừng giấu giếm một tình thương. Một bà mẹ trên diễn đàn “Single mother by choice” kể rằng cách của bà là trong vài năm đầu tiên bé sinh ra, bà đã viết một bức thư dài cho con. Trong thư bà giải thích rõ bà đã làm sao để có con, nhờ ai hiến tinh trùng, và nói rõ bà cảm thấy hoang mang, lo lắng và yêu thương ra sao khi sắp sinh con. Bà cũng ghi rõ những năm đầu tiên vất vả của mình trong thư. Các lá thư sẽ được dành cho con từng năm khi bé lớn lên. Hãy tìm ra vai trò người đàn ông cho con Dù thế nào, bé vẫn cần một vai trò đàn ông để đảm bảo các học hỏi khi lớn lên. Chủ diễn đàn Choicemoms nói bà có một nhóm 5 người bạn thân là đàn ông. Họ làm quen với con cái bà và hướng dẫn bé trai những chuyện riêng tư khi dậy thì, cũng như trò chuyện với con gái bà khi bé cần, như vai trò một người cha. Đồng thời, người đã hiến tinh trùng cho bà sinh con cũng thường đến chơi với các bé, ông và vợ ông là bạn thân của các con bà. Đó cũng là cách bù đắp vai trò người đàn ông bé thiếu. Một cách khác, hãy nhờ đến ông ngoại, cậu, hàng xóm, chú, huấn luyện viên thể thao, thầy giáo... giúp đỡ bé trong vai trò người đàn ông. Quan trọng nhất là mẹ đừng ngại ngùng vì mình là mẹ đơn thân, khi làm người hướng dẫn cho bé, mẹ cần thêm các “đồng sự”. Hãy dạy cho con: Trên đời này có rất nhiều dạng gia đình Nhiều mẹ đơn thân ngại đề cập đến hình thái gia đình, vì họ sợ đau khổ khi con cái hỏi vì sao gia đình mình không giống truyền thống. Tuy nhiên, tốt nhất là hãy cho trẻ thấy trên đời này có rất nhiều dạng gia đình. Ví dụ: “Con xem kìa, nhà bạn A có 2 bé gái và 2 anh chị, có bố mẹ, nhà bạn B chỉ có mình bạn ấy, lại có nhiều nhà như bạn C, chỉ có bố thôi, còn nhà mình thì có mẹ con mình và bà ngoại. Có rất nhiều kiểu gia đình khác nhau vậy đó”. Khi nhận thức được gia đình của mình cũng bình thường như bao gia đình khác, bé sẽ thoải mái hơn. Giúp các cha mẹ khác hiểu về hoàn cảnh của mình Vì tò mò, hoặc không hiểu biết, nhiều cha mẹ khác “xúi” con họ đi hỏi con của mẹ đơn thân những câu hỏi có thể khiến trẻ đau lòng như “làm sao không có cha?”. Có khi họ không có ác ý gì đâu. Nên tốt nhất, khi bé đi học hay chơi với các nhóm bạn mà có sự tham gia của cha mẹ khác, mẹ hãy mở lòng nói về cuộc sống của mình, vì sao chọn làm mẹ đơn thân, làm cách nào quản lý cuộc sống, nuôi dạy bé, khó khăn ra sao. Khi họ hiểu họ sẽ thông cảm và tế nhị hơn với bạn và bé, sẽ bớt dần các câu hỏi vô ý hay thái độ tò mò. |
Theo Thanh Niên