Máy bay do thám Mỹ sẽ theo dõi động thái quân sự Trung Quốc trên biển Đông

Thứ hai, 12/05/2014, 10:12
Một chiến dịch quân sự toàn diện quy mô lớn sử dụng các máy bay không người lái tối tân của Mỹ sẽ sớm bắt đầu ở Nhật Bản và các vùng không phận lân cận nhằm giám sát các động thái quân sự của Trung Quốc, các hoạt động tàu hải quân Trung Quốc ở biển Đông và chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.


Một máy bay do thám tầm cao RQ-4 Global Hawk của Không quân Mỹ - Ảnh: AFP

Không quân Mỹ lên kế hoạch triển khai hai máy bay do thám tầm cao không người lái RQ-4 Global Hawk đến căn cứ không quân Misawa của Mỹ ở tỉnh Aomori (Nhật Bản) vào cuối tháng 5/2014 và Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (ASDF) lên kế hoạch mua 3 máy bay này trong năm 2015, theo trang tin tức The Japan News (Nhật Bản) ngày 11/5.

RQ-4 Global Hawk có thể bay suốt 30 giờ liền, đạt đến độ cao 20.000m, sẽ có khả năng theo dõi các động thái quân sự trên mặt đất hay ở biển, thu thập các thông tin tình báo và Mỹ từng dùng máy bay này trong các chiến dịch quân sự ở Iraq and Afghanistan.

ASDF lên kế hoạch triển khai 3 chiếc RQ-4 Global Hawk tại căn cứ Misawa của Nhật Bản, nhằm tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo trong các khu vực xung quanh Nhật Bản.

“RQ-4 Global Hawk sẽ hoạt động hiệu quả trong việc theo dõi các động thái quân sự của Triều Tiên và quân đội Trung Quốc”, một quan chức quốc phòng cấp cao Nhật Bản giấu tên tiết lộ.

Các nguồn tin quốc phòng Nhật Bản tiết lộ RQ-4 Global Hawk còn được dùng để theo dõi hoạt động các tàu hải quân Trung Quốc ở khu vực biển Đông,  theo The Japan News.

Căng thẳng ở biển Đông leo thang sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 một cách phi pháp vào vùng biển Việt Nam và tàu Trung Quốc đã đâm vào tàu Việt Nam khu vực Bắc Kinh muốn đặt giàn khoan, điều máy bay quân sự đến khu vực này.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Myanmar ngày 12/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu chi tiết vụ việc: “Từ ngày 1/5/2014 Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương”.

Theo Tuyên bố Naypyitaw ngày 11/5, các lãnh đạo ASEAN đồng lòng kêu gọi bên đang gây căng thẳng trên biển Đông tôn trọng pháp luật và dừng các hành động leo thang.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích