Hành động ngang ngược cùng những luận điệu sai trái ngụy biện cho việc làm phi pháp mà Trung Quốc đang thực hiện trên phần biển chủ quyền của Việt Nam trong những ngày qua đã liên tục bị lên án bởi đông đảo cộng đồng thế giới. Thế nhưng, chính quyền Trung Quốc vẫn không dừng lại các hành động gây hấn, tàu thuyền của Trung quốc vẫn tiếp tục va đâm vào các tàu thuyền làm nhiệm vụ chấp pháp của Việt Nam, đồng thời ra sức cản trở, tấn công, đe dọa và phá hoại tài sản của ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên biển.
Về mặt cứ liệu lịch sử, những sai trái của Trung Quốc đã được chỉ ra bởi chính những người Việt gốc Hoa, vốn am hiểu về lịch sử, địa lý của Trung Quốc, như ông Văn Đường, 67 tuổi - một thầy thuốc ở quận 5, nêu dẫn chứng: "Tôi là người Hoa sinh trưởng tại Việt Nam, về việc đảo Hoàng Sa, Trường Sa, từ nhỏ tôi đã được giáo dục cả hai nền văn hóa chữ Hoa và chữ Việt.
Tôi cũng từng biết lịch sử Trung Quốc, các tài liệu sách vở từ địa lý, lịch sử và các tài liệu có liên quan đến đất của Trung Quốc, tôi chưa từng thấy chỗ nào có Hoàng Sa, Trường Sa. Những bản đồ của Trung Quốc in ấn và bán khắp cả thế giới, hồi xưa ba tôi cho tôi coi, tôi cũng không thấy Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong bản đồ hay nằm ở vị trí, vùng nào của Trung Quốc cả.
Mãi đến năm 1970, tôi cũng không thấy ghi phần này. Nhưng bây giờ, đùng một cái Trung Quốc nói là của Trung Quốc. Tôi cũng không hiểu nó ở đâu chạy ra. Tôi là người Hoa, tôi cũng rất ngạc nhiên, và tôi cũng thấy rất là áy náy vì hiện nay Trung Quốc đem tàu, giàn khoan qua Việt Nam. Tại sao Trung Quốc lại đi giành cái không phải là của mình".
Về mặt Luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản quốc tế, cụ thể là Hiến chương Liên Hiệp quốc về Công ước Biển năm 1982, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Chính vì những lẽ đó mà Trung Quốc liên tiếp vấp phải sự phản ứng quyết liệt, không chỉ của người dân Việt Nam mà cả cộng đồng thế giới.
Tàu Trung Quốc hung hăng phun nước vào tàu Việt Nam trên vùng biển nước ta - Ảnh: CSB VN.
Ông Trần Quang Tuấn – cán bộ hưu trí phường Bến Nghé, quận 1 khẳng định: "Quốc tế đã lên tiếng rằng Trung Quốc đã xâm phạm vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Người ta biết rõ điều đó và nói thẳng điều đó trên trường quốc tế. Và tôi ủng hộ đối sách của Chính phủ thời điểm hiện tại, trong tình huống này là bằng phương pháp hòa bình qua con đường ngoại giao. Vì đối sách này phù hợp, thể hiện rằng mình rất chủ động và mình rất tự tin. Người dân nên tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trước các hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của đất nước".
Cũng như các tầng lớp nhân dân Việt Nam, các giới đồng bào người Hoa ở TP.HCM cũng theo dõi sát sao từng diễn biến trên vùng biển của Việt Nam đang bị chính quyền Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép. Họ cho biết rất ngỡ ngàng và bất bình trước việc làm của chính quyền Trung Quốc.
Bà Lý Kim Mai – một người dân gốc Hoa, công tác tại Hội khuyến học quận 5 cho biết: Mấy ngày nay, trước những căng thẳng trên biển Đông, dù vẫn sống chan hòa, gắn bó với cộng đồng Việt Nam, nhưng tâm tư tình cảm của đồng bào người Hoa cũng không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng.
Riêng cá nhân bà, bà cho biết cảm thấy rất bức xúc trước những việc làm sai trái của Trung Quốc: "Người Hoa sinh sống ở đây đã lâu, lúc nào yên ổn thì người cũng thấy yên tâm, nhưng mà tình hình bây giờ như vậy thì bà con cũng thấy rất tâm tư. Việc làm của Trung Quốc là không đúng, dù sao cũng có Luật Biển năm 1982. Rõ ràng là Trung Quốc đang xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Về Luật quốc tế mà nói, bây giờ thế giới người ta cũng lên án Trung Quốc, cho nên, mong là chính quyền Trung Quốc thấy được sự sai trái của mình mà dừng ngay việc xâm phạm vùng biển của Việt Nam".
Người Hoa sinh sống ở TP.HCM tại khu vực quận 5, quận 6, quận 10, quận 11 đã từ lâu, luôn thể hiện truyền thống hiền hòa, tương trợ lẫn nhau với cộng đồng các dân tộc người Việt Nam. Và với họ, những gì mà chính quyền Trung Quốc đang làm trên biển Đông đã làm tổn hại đến tình cảm của những người con xa quê dành cho quê cha đất tổ của mình. Họ chỉ là những người dân, không can thiệp được vào việc làm của Trung Quốc, nhưng những mong muốn của họ đều là những mong muốn chính đáng của các dân tộc yêu chuộng hòa bình.
Ông Trần Huy Chiến – một người Việt gốc Hoa, công tác tại Trung tâm Văn hóa quận 5 nêu chính kiến: "Người Hoa ở TP.HCM luôn xem Việt Nam là quê hương thứ nhất của mình, bên cạnh thì luôn nhớ về quê hương thứ hai ở nơi xa. Tuy nhiên, lần này như vậy bà con rất lo lắng là việc làm của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa nhân dân hai nước, ảnh hưởng đến tình cảm của bà con người Hoa đối với quê hương.
Cá nhân tôi, tôi cũng biết việc làm này nằm trong mưu mô mang tính hệ thống của Trung Quốc, nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng và rất bất bình với hành động này. Rõ ràng là Trung Quốc xem thường và không chấp hành Luật pháp và Công ước quốc tế. Điều tôi mong muốn là Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan ra khỏi lô 143 của Việt Nam. Đây là hành động để giữ vững quan hệ gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Hoa từ trước đến nay, đồng thời cũng tháo gỡ được những băn khoăn lo lắng cho cộng đồng người Hoa".
Những việc làm phi pháp của Trung Quốc đang làm gia tăng nỗi bất bình trong các tầng lớp nhân dân trong nước cũng như nhân dân TP.HCM. Nhiều cuộc mít tinh đã diễn ra ở nhiều nơi để phản đối Trung Quốc.
“Đối với lực lượng tuổi trẻ, Đoàn viên, thanh niên, học sinh luôn mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ bảo vệ quê hương, nhưng cũng cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước các mưu đồ của các thế lực thù địch”. Đó chính là điều mà anh Phan Văn Nam – Bí thư Quận Đoàn quận 12 muốn lưu ý đến các thanh niên: "Khi nghe Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam thì một người dân yêu nước chắc chắn sẽ có phản ứng. Tuy nhiên, phản ứng như thế nào để tránh bị lợi dụng. Hiện nay trên các trang mạng như Facebook có rất nhiều các lời kêu gọi, đằng sau đó là có sự móc nối, câu kết của các tổ chức phản động, thanh niên cần phải bình tĩnh để tránh bị lôi kéo...Mỗi thanh niên đều có thể thái độ của mình với chủ quyền biển đảo quê hương như đóng góp cho Quỹ Vì Trường Sa thân yêu để góp phần xây dựng biển đảo nước ta ngày càng phát triển hơn".
Trước sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc đang muốn chứng tỏ mình trên biển Đông. Nhà nước Việt Nam vẫn kiên trì những đối sách phù hợp, tất cả vì hòa bình, ổn định trên khu vực biển Đông. Đó cũng chính là điều mà các tầng lớp nhân dân Việt Nam rất ủng hộ và hoan nghênh.
Ông Nguyễn Văn Bông – Hội Luật gia TP.HCM, cho biết: "Tôi nhận thấy đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, tìm một biện pháp để giải quyết trên tinh thần hòa bình. Tôi thấy cách giải quyết vấn đề nóng bỏng trên biển Đông của Chính phủ Việt Nam đầy thiện chí để giữ vững hòa bình trong khu vực. Đường lối đó sẽ được tất cả các nước trên thế giới ủng hộ và chân lý nhất định sẽ thắng".
Rõ ràng là với những hành động phi pháp, cùng những động thái thiếu thiện chí xây dựng hòa bình, chính quyền Trung Quốc đang cố tình phớt lờ trước lẽ phải, bất chấp luật pháp quốc tế để bảo vệ cho những việc làm không thể chấp nhận của mình. Nhưng, những cơ sở pháp lý vững chắc vẫn là những vũ khí đáng tin cậy của dân tộc Việt Nam trên con đường bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Việt Nam sẽ không đơn độc, bởi từng động thái đúng đắn, từng đối sách thể hiện thiện chí hòa bình của Chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc đều nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của các tầng lớp nhân dân, đồng bào các giới trong, ngoài nước, cũng như sự ủng hộ ngày càng rộng lớn trong cộng đồng quốc tế.
Mọi việc sẽ được giải quyết trong hòa bình là điều mà các dân tộc đều mong muốn, nhưng việc này chỉ có thể được đảm bảo nếu Trung Quốc dừng ngay các hành động sai trái của mình trên biển Đông.
Theo Trí thức trẻ