Những "biện pháp cần thiết" giữ chủ quyền Việt Nam là gì?

Thứ ba, 13/05/2014, 08:32
Tàu CSB 8001 của Việt Nam đã vượt qua vòng bảo vệ, áp sát giàn khoan kêu gọi Trung Quốc rút lui, vô hiệu hóa chiến thuật 'cây bắp cải' Trung Quốc

Trung Quốc hung hãn xâm lược biển Đông

Phải nhận thức đúng rằng, hành động vừa qua của Trung Quốc là đang thực hiện một cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới mà chỉ có Trung Quốc mới nghĩ ra.

Bất kỳ người dân Trung Quốc nào cũng tự hiểu: “Nếu đó là vùng biển của mình thì cớ gì Trung Quốc mang theo tới đó công cụ, phương tiện của kẻ đi cướp như tàu chiến, máy bay tiêm kích, các tàu cải hoán vũ trang với thái độ rất hung hăng, hiếu chiến như vậy? Chẳng lẽ chỉ có Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa giàn khoan ra biển khoan thăm dò dầu khí? Trong khi đó, Việt Nam đã có nhiều giàn khoan thăm dò, khai thác mà đâu có triển khai các công cụ, phương tiện như đi cướp giống Trung Quốc?

Rõ ràng, đây là một cuộc chiến tranh, vì thế, tình hình đã trở nên rất nguy hiểm. Chúng ta không manh động, chủ quan mà phải bình tĩnh, sáng suốt, hành động thận trọng, khôn khéo, cương quyết để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh kiểu mới này.

Hơn 80 tàu cỡ lớn có tàu khu trục tên lửa và tàu tác chiến nhanh, chống lưng cùng với máy bay gầm rú… đã tỏ ra hung hăng phun vòi rồng, húc thẳng vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam… nhưng lực lượng tàu chấp pháp Việt Nam cụ thể là Kiểm Ngư và Cảnh sát biển đã không một chút nao núng. Họ rất bình tĩnh, tự tin với một ý chí kiên cường, tuân thủ nghiêm túc sự chỉ đạo chiến thuật, chiến lược của chỉ huy nhằm mục tiêu chiến thắng toàn cục.

Buộc Trung Quốc phải lộ mặt kẻ xâm lược

Ngang ngược đưa giàn khoan vào hoạt động phi pháp tại thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc đã vấp phải hành động kiên quyết, tự tin của người chủ vùng biển là lực lượng chấp pháp Việt Nam, hành động đàng hoàng đúng công pháp quốc tế đã khiến cho lực lượng phi pháp của Trung Quốc dù có tàu tên lửa đằng sau, máy bay trên trời, không còn cách nào khác là phải giở thói côn đồ, hung hãn.

Bằng chứng tố cáo hành động hung hăng, cậy mạnh của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam

Bằng chứng tố cáo hành động hung hãn, kẻ cướp của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam.

Theo UNCLOS thì Trung Quốc đã vi phạm là rõ ràng, không phải bàn cãi, nhưng cùng với hình ảnh tàu Trung Quốc phun vòi rồng, húc vào tàu chấp pháp Việt Nam được phát lên toàn thế giới thì bộ mặt hung hăng, ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế, lấy sức côn đồ để bành trướng… đã lộ rõ nguyên hình. Dã tâm, tham vọng của Trung Quốc với Biển Đông cũng đã không còn được che đậy được nữa.

Kết quả đầu tiên, từ Biển Đông, những “đợt sóng” phản đối dữ dội của dư luận, cộng đồng quốc tế đang liên tiếp dồn dập giáng thẳng vào Trung Quốc đến mức rát mặt chịu không nổi. Với dư luận trong nước Trung Quốc, Tân Hoa xã đổ tội cho Việt Nam là “cố tình làm xấu hình ảnh Trung Quốc trước khu vực và thế giới”.

Đến đây, việc có kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không đặt ra suy nghĩ cho rất nhiều người. Có cần thiết không khi Trung Quốc hoàn toàn lộ mặt, bị các cường quốc như Mỹ, Anh, Nhật Bản…phản đối quyết liệt? Có cần thiết không khi Trung Quốc là nước vốn quen bất chấp, và ngang ngược? Có cần thiết không khi người “thi hành án” không ai khác chính là dân tộc Việt Nam?...

Có thể nói, đối đầu với 80 tàu chiến và tàu chấp pháp của Trung Quốc, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tuy nhỏ và ít đã bị chúng phun vòi rồng, đâm vào tàu gây thương tích nhưng với bản lĩnh và trí tuệ, họ đã thắng. Chiến thắng này mang tầm chiến lược.

Đòn đáp trả tương xứng...

Do chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh chỉ huy thực hiện mưu kế, đối sách trên biển, lực lượng chấp pháp Việt Nam đã kiềm chế hết mức trước việc bị tàu Trung Quốc cố tình đâm va, phun vòi rồng. Tàu chấp pháp Trung Quốc phần lớn là tàu quân sự cải hoán nên chúng có tốc độ nhanh và độ bền cao nên luôn chiếm ưu thế khi chủ động đâm va vào tàu Việt Nam.

Giờ đây, sự kiềm chế của Việt Nam đã không còn cần thiết, đã đến lúc Việt Nam tung lực lượng để sẵn sàng đâm va với tàu Trung Quốc khi cần thiết. Tàu phóng lôi “mũi khoằm” của Nga cải hoán thành tàu CSB đã lên đường tới điểm nóng. Đây là loại tàu có tốc độ nhanh và quay trở rất nhanh, có khung thép chắc, bền, sẽ là những mũi tên thép để đáp trả khi cần thiết.

Trung Quốc đã cậy tàu lớn, khỏe, tạo ra một tiền lệ phi hàng hải là chủ động đâm va thì họ phải gánh chịu hậu quả bất lợi khi tàu nhỏ, rắn chắc, chủ động đâm va vào tàu lớn cơ động chậm. Chỉ cần một cú đâm va nhẹ, không cần mạnh và không nên mạnh để hạn chế xây xát cho ta, của một con tàu nhỏ vào 1/3 thân tàu tính từ đuôi của con tàu lớn thì ai là kẻ phải ôm phao cứu sinh?

Chiến thuật “cây cải bắp” mà Trung Quốc áp dụng thành công với Philipines tại bãi cạn Scarborough đã không có tác dụng với Việt Nam ngay từ đầu.

Hôm qua (12/5), tàu CSB 8001 đã khéo léo vượt qua vòng bảo vệ, áp sát giàn khoan kêu gọi Trung Quốc rút lui đã chứng tỏ hoạt động của HD-981 sẽ gặp khó khăn khi tiến hành một cuộc xâm lược mang nặng “bản sắc Trung Quốc” mà từ cổ chí kim thế giới chưa xuất hiện kiểu xâm lược này.

Hợp tác cùng Nhật Bản chống kẻ thù chung

Đã đến nước này thì Việt Nam buộc phải chơi bài ngửa với Trung Quốc. Việt Nam không bao giờ chống Trung Quốc khi hai bên tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Nguyên tắc quốc phòng “Ba không” đã chứng tỏ thiện chí của Việt Nam với Trung Quốc về vấn đề đó. Nhưng Trung Quốc đã giẫm lên thiện chí của Việt Nam, họ biến Việt Nam thành kẻ thù khi trắng trợn xâm lược chủ quyền Việt Nam. Không còn con đường nào khác, Việt Nam phải chống lại Trung Quốc bằng tất cả mọi sức mạnh, trong đó có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế gồm có Nhật Bản.

Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản phải phát triển hết công suất vì mục tiêu chung là an toàn hàng hải trên Biển Đông, vì sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Chưa đến mức phải xây dựng liên minh phòng thủ với Nhật Bản chống Trung Quốc xâm lược, nhưng đó không phải là điều không thể.

Thời điểm này Trung Quốc đã không còn dùng hành động đâm va tàu Việt Nam mà sử dụng chiến thuật khác là cậy đông vây chặt không cho tàu chấp pháp Việt Nam tiếp cận giàn khoan. Để tạo ra khoảng trống nhất định, Việt Nam cần phải có lực lượng mạnh tương đương với Trung Quốc tại hướng đó. Vì thế xúc tiến nhanh sự viện trợ các tàu tuần tiễu cho Cảnh sát biển với Nhật Bản khi mà Nhật Bản đã không còn bị hạn chế bởi nguyên tắc xuất khẩu vũ khí là thích hợp nhất trong tình hình hiện nay.

Giờ đây, sự phản đối của Trung Quốc cũng không có ý nghĩa gì với Việt Nam vì mối quan hệ này lòng tin đã cạn tận đáy, Việt Nam không có lý do gì để bảo vệ hay tôn trọng.

Đường sinh mạng của Trung Quốc

Còn nhớ, ngay tại thời điểm tháng 6/2013, Thủ tướng Việt Nam tại Shangri-La cảnh báo: “Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ trên biển này, thì nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường”.

Và ngày 11/5/2014 tại hội nghị cấp cao ASEAN ở Myanmar, Thủ tướng Việt Nam lại thông báo khẩn: “Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển  Đông - mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng”.

Tư lệnh CSB Việt Nam cho biết, mặc dù trong khu vực đang căng thẳng bởi sự hung hãn của các tàu phi pháp Trung Quốc với lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam nhưng vẫn xuất hiện “dòng hàng hóa” đi qua là những tàu thương mại, tàu container”.

Rõ ràng, kẻ gây lộn trên biển Đông chính là Trung Quốc khi ngang ngược xâm lược chủ quyền vùng biển của Việt Nam được UNCLOS công nhận; và đương nhiên Việt Nam sẽ kiên quyết bằng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền trước sự xâm lược này.

Chắc chắn sẽ là nguy hiểm, không an toàn khi căng thẳng ngày càng leo thang trên tuyến hàng hải quan trọng này. Nếu như, có một lúc nào đó, tuyến hàng hải bị ngừng hoạt động vì giàn khoan phi pháp của Trung Quốc chưa rút khỏi vùng biển Việt Nam thì Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả do dòng hàng hóa bị gián đoạn và áp lực mạnh mẽ của cộng đồng hàng hải quốc tế.

Triệu người như một.

Triệu người dân Việt Nam đồng lòng như một.

Có ai hiểu Trung Quốc bằng Việt Nam? Trong lịch sử có ai đánh Trung Quốc nhiều lần như Việt Nam? Với một đất nước có truyền thống chống giặc ngoại xâm như Việt Nam, Trung Quốc chắc chắn sẽ không cần “nắn gân” hay thử lòng yêu nước của dân ta làm gì.

Trung Quốc cần phải nghiên cứu để hiểu rõ điều này: Pháp đã từng tấn công xâm lược Việt Nam, Mỹ cũng vậy và ngay bọn Khmer đỏ cũng đã từng tấn công biên giới Tây-Nam hay đặc biệt là mỗi lần Trung Quốc gây hấn là hào khí Đại Việt lại ngút trời. Bất cứ ai, bất cứ thành phần nào, ở trong nước cũng như ở nước ngoài... đều hừng hừng khí thế sẵn sàng lên tuyến đầu chống quân xâm lược.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn