Thầy tát trò, cả xã hội "tát" ngành giáo dục

Thứ sáu, 21/02/2014, 08:59
Những cái tát bôm bốp mà thầy giáo dành cho học sinh chính là một bài học dành cho người thầy để tỉnh táo và ứng xử đúng đắn trong công việc của mình. Hành động phi sư phạm ấy cũng là cái tát của xã hội dành cho ngành giáo dục Việt Nam.

Cái "tát" của cả xã hội dành cho ngành giáo dục

Mấy ngày gần đây dư luận cả nước đã vô cùng xôn xao trước clip thầy giáo trẻ tát học trò bôm bốp, trò lên gối đánh lại thầy ngay trên bục giảng tại Trường THPT Nguyễn Huệ (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định).

Những cái tát mạnh và liên tục từ cánh tay người thầy giáng xuống mặt em học sinh quả thực có sức ám ảnh ghê gớm với bất kỳ ai. Nếu không được chứng kiến có lẽ chẳng ai dám tưởng tượng trong môi trường sư phạm, nơi "trồng người" của cả xã hội lại có thể xảy ra một vụ "hỗn chiến" như giang hồ đến vậy.

Thầy giáo quát mắng và đánh mạnh nhiều lần vào mặt một học sinh và cảnh nam sinh xông vào tấn công đáp trả thầy giáo. (Ảnh cắt từ clip)

Những cái tát của thầy giáo rất đau, nhưng có lẽ không ghê gớm bằng nỗi đau vì sự nhục nhã trước mặt bạn bè, trong đó có các bạn nữ. Tuổi dậy thì là cái tuổi dễ bị tổn thương nhất, cho nên, khi thầy giáo tiếp tục đánh, cậu học trò nhẫn nhục cúi đầu trước đó đã bất ngờ phản kháng bằng cách tấn công lại thầy.

Điều tồi tệ nhất, thảm hại nhất đã xảy ra. Và ai cũng thấy rõ, nguyên nhân trước tiên là do hành động phi sư phạm của người thầy!

Không chỉ riêng bản thân người viết mà rất nhiều người hoàn toàn không đồng ý với cách hành xử của thầy giáo. Dạy cho một con người khác với huấn luyện một con thú. Vì vậy những hành vi chửi bới, xúc phạm, đánh đập chẳng bao giờ có thể được chấp nhận trong các kỹ năng sư phạm.

Có thể mọi người cho rằng trẻ em bây giờ được nuông chiều quá nên thường sinh hư, cứng đầu nên nếu không cứng rắn với chúng, giáo viên hoàn toàn có thể bị "leo lên đầu".

Phải công nhận việc dạy một con người không hề dễ. Nhưng chính vì không dễ nên các thầy cô mới cần phải đi học nghiệp vụ để được trang bị những kỹ năng sư phạm , để ứng xử đúng như một người thầy trước những tình huống khó xử thường diễn ra trong môi trường giáo dục.

Có thể đi dạy nhiều, một bộ phận thầy cô giáo đã quên mất là mình còn phải học, và kết quả là hàng loạt nhưng vụ bê bối trong ngành giáo dục như "lấy tình đổi điểm" trong các giảng đường; những cô giáo, bảo mẫu hành hạ trẻ em trong cơ sở mầm non...

Những cái tát bôm bốp thầy giáo dành cho học sinh chính là một bài học dành cho người thầy để tỉnh táo và ứng xử đúng đắn trong công việc của mình. Và hành động phi sư phạm ấy cũng là cái tát của xã hội dành cho ngành giáo dục Việt Nam.

Nóng tính thì đừng làm giáo viên

Vụ việc này có lẽ cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đã, đang và sẽ gắn bó với nghề giáo viên. Nếu không học được cách kiềm chế cơn giận thì tốt nhất là nên chuyển nghề.

Hãy nhớ rằng không phải cứ học sư phạm ra là có thể làm giáo viên! Bởi, giáo viên không chỉ là người truyền đạt cho các em học sinh tri thức mà còn cả đạo đức, cách sống, cách làm người. Trên hết, giáo viên phải là những người yêu học sinh như con, phải kiên nhẫn, phải công bằng.

Thế nhưng các hành xử của thầy giáo trong clip không hề cho thấy sự yêu thương các học sinh của mình. Dù lũ trẻ có gây ra lỗi lầm gì cũng không thể tát cật lực vào mặt em trước mặt các bạn như thế.

Hành xử của thầy giáo trong clip chỉ giúp thầy phát tiết những bực bội trong lòng mà không giúp ích gì cho học sinh. Chưa nói có thể gây ra tác dụng ngược bởi ở độ tuổi dậy thì, sự tổn thương này thật quá sức chịu đựng của các em.

Cho nên mới nói nghề giáo không hề là nghề dễ dàng và không dành cho tất cả mọi người, nhất là những người hay nóng giận và thiếu kiềm chế. Bởi là những người có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của học sinh, cách ứng xử không khéo léo, đúng mực của các thầy cô có thể gây ra những vết thương tâm lý nghiêm trọng cho các em.

Theo Phunutoday

Các tin cũ hơn