Mẹ bị bệnh hiểm nghèo rồi qua đời, bố đi lấy vợ khác... từ 3 tuổi, cuộc đời chị bắt đầu rơi vào những ngày bất hạnh... Đó là những dòng tâm sự của chị Trịnh Thị Hải (sinh năm 1981) – thôn 2, xã Hợp Thắng, Triệu Sơn (Thanh Hóa) khi nhớ lại quá khứ đầy nước mắt của mình.
Số phận nghiệt ngã
Chị sinh ra và lớn lên ở xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Là đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng trong một trận sốt, rồi lên cơn co giật, đôi chân của chị đã trở thành vô giác rồi teo dần. Cứ tưởng tình yêu thương của cha mẹ và những người thân trong gia đình sẽ xoa dịu được phần nào nỗi bất hạnh, nhưng số phận nghiệp ngã lại tìm đến với cô bé tật nguyền. Mẹ bị bệnh hiểm nghèo rồi qua đời, bố đi lấy vợ khác... cuộc sống của chị bắt đầu rơi vào những chuỗi ngày đầy nước mắt. Lúc ấy, chị mới tròn 3 tuổi.
Tâm sự với chúng tôi, chị Hải nghẹn ngào: “Không còn đôi chân để bước thì phải bò, mọi việc trong nhà tôi đều tự làm: từ việc trông em (con riêng của bố), rửa bát cho đến chăn nuôi lợn, gà... Tôi còn nhớ như in những lần phơi lúa, không còn cách nào khác là ngậm bì lúa vào miệng vừa bò, vừa kéo ra sân mà nước mắt lưng chòng. Nhiều lúc nghĩ quẩn, chỉ muốn chết cho xong”.
Không chịu ngồi đếm thời gian trong bốn bức tường chật hẹp, chị quyết tâm vươn lên thoát khỏi số phận với khát khao được sống có ích, sống đúng nghĩa là một con người chứ không phải một phế nhân trong chị đã chiến thắng.
Không đầu hàng số phận
Muốn làm được điều gì đó, ít nhất cũng phải biết được cái chữ. Năm 11 tuổi, chị xin bố và dì được đi học. Nhưng cũng chỉ một thời gian thì bố bắt chị ở nhà, vì theo ông: “Đến người lành còn chẳng học được nữa là một đứa tàn phế như mày thì học để làm gì”. Xin thế nào bố cũng không cho, chị chỉ còn biết khóc.
Nhờ biết được ít chữ, chị viết thư gửi cô giáo Nguyễn Thị Thanh, giáo viên của trường Tiểu học Dân Lý, nói hết nỗi lòng của mình. Cảm mến trước tấm lòng ham học của cô học trò giàu nghị lực, cô Thanh tình nguyện đưa đón chị đi học hàng ngày. Để đền đáp công ơn trời biển ấy, 5 năm liền chị luôn là học sinh giỏi của lớp, của trường. Nhưng rồi, học hết lớp 5, chị lại phải nghỉ học vì chẳng còn ai đưa đón chị hàng ngày.
|
Vợ chồng Hải hạnh phúc bên đứa con thơ. |
Những khó khăn ấy càng thổi bùng ngọn lửa khao khát sống trong cô bé tật nguyền, phải làm một điều gì đó có ích, có ý nghĩa để mọi người không thể xem thường mình? 16 tuổi, chị xin bố được vài trăm nghìn để mở một cửa hàng tạp hóa. Nói là cửa hàng chứ thực chất cũng chỉ vài mặt hàng cần thiết để phục vụ bà con lối xóm như: chè, thuốc, dầu, mì, mắm, muối...
Mặc dù cũng kiếm được đồng ra, đồng vào nhưng chị muốn có một nghề gì đó ổn định. Vậy là bao nhiêu tiền dành dụm được chị đi học nghề may. Có được nghề trong tay, chị mở hiệu chuyên may comple, áo dài. Được một thời gian, chị nghĩ: “Chỉ làm như thế này thì lúc nào mới giàu được?”.
Sau khi nghiên cứu thị trường, chị lại quyết tâm mở cửa hàng tạp hóa với quy mô lớn. Người đồng hành cùng chị quanh năm suốt tháng là chiếc xe 3 bánh dành cho người khuyết tật. Hàng ngày, chị rong ruổi khắp các đường làng, ngõ xóm để tìm các mối đổ hàng. Ban đầu chỉ là một vài xã lân cận, nhưng dần dần chị đi khắp các huyện trong tỉnh như Ngọc Lặc, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thủy...
Không ai nghĩ rằng, trong con người tưởng như phế nhân ấy lại có một sức sống mãnh liệt đến lạ kỳ. Nhiều hôm mưa gió, để không lỡ hẹn với khách hàng, chị vẫn một mình đội mưa gió đi làm. Gần còn đỡ, những hôm ở xa, chị phải dậy đi từ 1 - 2 giờ sáng để cho kịp thời gian.
Chị tâm sự: “Hình như họ thấy mình là người khuyết tật nên dành sự ưu ái hơn hay sao ấy. Mình bán đắt hàng lắm nhé! Nhớ nhất làm năm 2005, khi đi giao hàng trên Cẩm Thủy thì xe bị hỏng ở dọc đường từ 2h chiều, trời mùa đông lại mưa phùn, đường vắng vẻ, vừa đói, vừa rét chẳng biết làm thế nào đành ngồi chờ may rủi... Và khi tỉnh dậy, thì đã thấy mình nằm trong Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Thủy”.
Bình minh cuộc đời
Công việc của chị ngày càng thuận buồm, xuôi gió. Hàng tháng, trừ các khoản chi phí chị thu về ít nhất cũng được 5 – 7 triệu đồng. Không bi quan, chán nản như những người cùng hoàn cảnh. Chị luôn khao khát có một gia đình đúng nghĩa và bình thường như bao người khác. Nhưng những suy nghĩ ấy thoáng qua rồi vụt tắt, chị không dám mơ, không dám nghĩ tới.
Năm 2008, chị gặp anh như một định mệnh, anh là Lê Duy Chung (sinh năm 1982), xã Đông Quang, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Vốn là một bộ đội xuất ngũ, sau một lần bị tai nạn đôi chân của anh teo tóp, di chuyển vô cùng khó khăn. Sau 2 năm, hàng trăm cánh thư qua lại với bao tâm sự, sẻ chia được gửi gắm, và chẳng hiểu, anh chị đã yêu nhau tự lúc nào.
Bất chấp những lời gièm pha, sự ngăn cản quyết liệt của gia đình nhưng anh vẫn quyết tâm lấy chị cho bằng được. Lễ cưới được diễn ra trong sự ngỡ ngàng của mọi người. “Đám cưới của vợ chồng mình đông lắm, ngoài anh em, bà con trong xã, các xã lân cận đến cũng rất đông. Một phần họ mừng cho mình, nhưng phần lớn là do sự hiếu kỳ mà đến”. Chị nhớ lại trong niềm hạnh phúc.
Cuộc sống mới đầy rẫy những khó khăn, với những người bình thường cũng đã vất vả rồi chứ đừng nói đến những người tật nguyền như anh chị. Gia đình anh cũng nghèo, bố mẹ anh ốm đau liên miên, đôi vợ chồng tật nguyền phải cáng đáng mọi việc.
Dành dụm được ít vốn, anh chị mua đất, làm nhà ở xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, giấc mơ về một tổ ấm của chị đã thành hiện thực. Hàng ngày, anh ở nhà cắt tóc, nhận hàng may giúp vợ, còn chị buổi sáng đi giao hàng, buổi chiều về lại ngồi nhà may, vá cho khách.
Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với họ, nhưng hai lần mang thai thì cả hai lần đều thất bại. Nhưng không vì thế đôi vợ chồng trẻ trở nên chán nản. Họ quyết tâm xóa hết mọi lời gièm pha, độc địa của người đời. Hiện nay, cái thai của chị đã được 7 tháng tuổi, anh chị đã chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để đón con chào đời.
Bên cạnh đó, chị vẫn thường xuyên tham gia vào các hoạt động xã hội như: công tác tuyển sinh dành cho người khuyết tật; giúp họ thoát khỏi những tự ti, mặc cảm... Những lúc rảnh rỗi, chị lại đi quyên góp quần áo cũ, nếu có điều kiện chị còn bỏ tiền ra mua để tìm đến với những mảnh đời bất hạnh. “Mình đã khổ lắm rồi, nhưng hiện đang có rất nhiều người khổ gấp trăm, gấp ngàn lần nữa”. Chị Hải tâm sự.
Chị còn được mệnh danh là “đệ nhất mai mối”, hiện chị đã làm mối thành công cho 17 cặp vợ chồng người khuyết tật.