Ukraine: "Đình chiến" nhưng được bao lâu?

Thứ năm, 20/02/2014, 17:31
Hai bên xung đột ở Ukraine đã thỏa thuận đình chiến, nhưng xem ra chẳng được bao lâu vì mục tiêu cuối cùng của phe đối lập là hạ bệ Tổng thống Yanukovich.

Ukraine:

Ukraine: "Đình chiến" nhưng được bao lâu?

Trong một thông cáo, Tổng thống Yanukovich cho biết "các cuộc đàm phán" sẽ bắt đầu ngay lập tức để chấm dứt tình trạng đổ máu trong hai ngày qua.

"Đình chiến" nhưng vẫn tiến hành cuộc chiến chống khủng bố

Thông báo ngừng bắn được đưa ra vào cuối ngày 19/2 sau khi ông Yanukovich gặp các thành viên của một nhóm giải quyết khủng hoảng bao gồm ba lãnh đạo đối lập chính (Areseni Yatsenuk, Vitali Klitschko và Oleg Tyagnibok), Chủ tịch Quốc hội và các quan chức cấp cao trong chính quyền.

Ukraine:

Cơ quan An ninh Ukraine cho biết những người biểu tình đã chiếm giữ trên 1.500 khẩu súng.

Theo  BBC, lãnh đạo đối lập Areseni Yatsenuk đã xác nhận điều này và yêu cầu cảnh sát không tiếp tục tấn công  vào trại biểu tình ở Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev. Thỏa thuận đạt được tối 19/2, giữa chính quyền và phe đối lập Ukraine được đánh giá là tích cực giữa lúc bạo lực leo thang tại thủ đô Kiev.

Theo thông báo của Bộ Nội vụ Ukraine, tính đến nay đã có 26 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 10 cảnh sát, và hàng trăm người bị thương trong các vụ đụng độ từ ngày 18/2.

Trong diễn biến khác, Tổng thống Yanukovich đã sa thải Tổng tham mưu trưởng quân đội Volodymyr Zamana và thay thế ông này bằng Tư lệnh Hải quân Yuriy Ilyin, người được cho rằng trung thành với Tổng thống. Có đồn đoán rằng quân đội sẽ được triển khai lần đầu tiên trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Hôm 19/2, cơ quan an ninh Ukraine thông báo họ đang chuẩn bị cho một chiến dịch "chống khủng bố" trên toàn quốc để đối phó với "mối đe dọa khủng bố" ngày càng tăng.

Chủ tịch Cơ quan An ninh Aleksandr Yakimenko tuyên bố: "Hiện nay đang xảy ra hoạt động có ý thức, chủ tâm sử dụng bạo lực bằng con đường đốt phá, giết người, bắt con tin, làm cư dân khiếp sợ nhằm đạt mục tiêu tội phạm. Tất cả điều đó diễn ra với việc sử dụng vũ khí hỏa lực. Đó đã không phải là biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố mà là cuộc tấn công khủng bố cụ thể".

Cơ quan An ninh Ukraine cho biết đã có hơn 1.500 đơn vị vũ khí và 100.000 viên đạn nằm trong tay bọn tội phạm, đe dọa mạng sống của hàng triệu người Ukraine.

Theo RIA Novosti, thủ lĩnh của tổ chức dân tộc cấp tiến “Pravyi Sector” Dmitry Yaros hôm 20/2 tuyên bố rằng tổ chức của ông không ký kết “bất cứ thỏa thuận nào” và không có ý định tuân thủ các thỏa thuận ngừng bắn.

Trên trang Facebook của mình, Dmitry Yaros viết: “Ai đó muốn chặn đứng cuộc nổi dậy của nhân dân bằng việc công bố một thỏa thuận ngừng bắn giả dối. Tôi chính thức tuyên bố rằng Pravyi Sector không ký bất kỳ thỏa thuận nào, không đồng ý với bất cứ ai và về bất cứ điều gì”.

Bị Mỹ chê Châu Âu "vịt què", Đức tức mình nhập cuộc

Quyết tâm của Đức khẳng định vai trò của mình trên chính trường quốc tế được thể hiện rõ rệt qua các nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraina, giữa  lúc các nước Châu Âu chia rẽ và Liên minh Châu Âu bị Hoa Kỳ coi thường.

Theo giới phân tích, những cố gắng trung gian hòa giải của các đại diện Liên minh Châu Âu không mang lại kết quả. Thậm chí, các hoạt động ngoại giao này có nguy cơ làm cho vấn đề thêm phức tạp. Báo Pháp Le Monde dẫn lời Tổng thư ký Hội đồng Châu Âu Thorbjorn Jagland cho rằng "lắm cha con khó lấy chồng" và "chính quyền Kiev có thể chỉ lựa chọn đề xuất nào có lợi nhất cho họ".

Ukraine:

Tạm thời "đình chiến", nhưng bạo lực có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong bối cảnh đó, ngày 18/2 tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiếp hai lãnh đạo chính của phe đối lập Ukraina là Vitali Klitschko và Arseni Yatsenuk. Phải chăng, với tư cách đầu tàu kinh tế trong Liên minh Châu Âu, nước Đức đang muốn đóng vai là trụ cột trong chính sách đối ngoại của khối này?

Ngoại trưởng một thành viên Liên minh Châu Âu cho rằng việc Berlin thay mặt Châu Âu đứng ra giải quyết vấn đề Ukraine có hai cái lợi.

Thứ nhất, điều này cho phép che giấu bất đồng bên trong Liên minh Châu Âu và với Nga, ít ra là tạm thời. Thứ hai, việc Berlin đứng ra đảm trách vấn đề Ukraine còn có một thuận lợi khác là nhiều nhân vật trong chính phủ Đức có quan hệ với Nga. Để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, cần phải phối hợp với Nga.

Trong chuyến công du Nga đầu tiên, từ ngày 13 đến 14/2 vừa qua, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp và cuộc gặp kéo dài 1h20. Đây là sự kiện hiếm thấy vì ông Putin chưa bao giờ tiếp riêng một bộ trưởng nước ngoài. Một phần cuộc trao đổi giữa hai người là bằng tiếng Đức và họ đã quen biết nhau từ trước. Ông Steinmeier nguyên là Ngoại trưởng Đức (2005-2009) trong chính phủ của Thủ tướng Gerhard Schroeder (SPD) và ông Schroeder lại rất thân với ông Putin.

Ukraine:

Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier (trái) đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp riêng và cuộc gặp kéo dài hơn một tiếng đồng hồ.

Qua cử chỉ này, Tổng thống Putin muốn chứng tỏ là ông rất coi trọng quan hệ Nga - Đức và cảm thấy thoải mái khi có người đối thoại biết lắng nghe như ông Steinmeier hơn là Thủ tướng Angela Merkel.

Tuy nhiên, không chỉ các chính khách của đảng SPD có quan hệ tốt với Nga. Các nhà lãnh đạo CDU cũng thừa nhận không thể giải quyết hồ sơ Ukraine mà không có Nga.

Người ta hy vọng các bên ở Ukraine, với sự trung gian hòa giải của Đức, sẽ đạt được một thỏa thuận tránh lặp lại tình trạng đổ máu như ngày 18/2 và không buộc Tổng thống Yanukovich ra lệnh cho quân đội tham gia "chống khủng bố".

Theo Đời sống Pháp luật

Các tin cũ hơn