Sáng 12/6, Nghiệp đoàn Nghề cá Phổ Quang, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) cho biết, mới đây hai tàu cá của ông Phạm Chính và Trương Năm đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa đã bị tàu Trung Quốc tấn công, phải về bờ sửa chữa. "Không chỉ ngang ngược lao thẳng vào tàu cá của ngư dân, tàu sắt Trung Quốc còn cố tình phá nát lưới của chúng tôi bằng móc sắt", thuyền trưởng Năm nói.
Thuyền viên trên tàu QNg 90205 TS bị người Trung Quốc vô cớ đánh trọng thương ở Hoàng Sa phải về bờ cấp cứu. Ảnh: Trí Tín. |
Vừa từ Hoàng Sa trở về, thuyền trưởng Lê Văn Hường (quê ở huyện đảo Lý Sơn) bức xúc kể đêm 3/6, trong lúc ông cùng 10 ngư dân khác đang đánh bắt thủy sản trên biển thì bất ngờ bị hai tàu sắt cỡ lớn của Trung Quốc ập tới kẹp hai bên mạn tàu. Không kịp thu dọn ngư lưới cụ, thuyền trưởng Hường rồ ga tháo chạy. Từ đêm 3 đến rạng sáng 4/6, tàu Trung Quốc đã ba lần phụt vòi rồng làm vỡ kính cabin, gây thương tích cho thủy thủ đoàn.
Trước đó, tối 16/5, tàu cá của 12 ngư dân (quê ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cũng bị tàu ngư chính của Trung Quốc mang số hiệu 306 cùng hai ca nô bất ngờ ập tới tấn công. Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Hải kể: "Thấy tôi không chịu dừng tàu, nhóm người Trung Quốc tràn sang, dùng dùi cui đánh tới tấp. Sau đó họ dùng búa gỗ (dụng cụ dùng đập đá ướp thủy sản trên tàu cá) đánh mạnh vào mặt khiến tôi ngất xỉu ngay dưới vô lăng. Ngư dân Lê Anh cũng bị chúng đánh trọng thương".
Phía Trung Quốc còn cướp khoảng 8 tấn thủy sản (cá, tôm và hải sâm) cùng máy liên lạc Icom, máy dò, máy định vị, máy quét..., hút hơn 2.000 lít dầu diesel trên tàu, ước tính thiệt hại hơn một tỷ đồng. Theo thống kê, từ đầu năm 2014 đến nay, riêng huyện Lý Sơn có 14 tàu cá bị tàu Trung Quốc tấn công khiến ngư dân bị thương, hư hại tài sản, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (Lý Sơn) cho biết, nghiệp đoàn đang phối hợp với các ngành chức năng, xác minh để thu thập bằng chứng, chứng minh hành vi thô bạo, vi phạm luật biển quốc tế để khởi kiện Trung Quốc.
Tàu cá ĐNa 90152TS của bà Huỳnh Thị Như Hoa bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa, được đưa về bờ làm bằng chứng tố cáo, kiện Trung Quốc ra tòa. Ảnh:Nguyễn Đông. |
Trong chuyến ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản vừa qua, tàu cá ĐNa 90235 của thuyền trưởng Nguyễn Văn Hay (Đà Nẵng) cũng bị tàu Trung Quốc tấn công hai lần vào các ngày 15 và 20/5. "Tôi nhớ rất rõ, tàu sắt giả dạng tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 71075, trên tàu không có ngư cụ, có một phụ nữ và nhiều người đàn ông ăn vận chỉnh tề quay phim chụp ảnh tàu cá của tôi khi bị đâm", ông Hay kể.
Theo ông, tàu sắt Trung Quốc 71075 cố ý đâm vào mạn trái tàu cá Đà Nẵng, khi tàu cách giàn khoan Hải Dương-981 mà nước này hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, khiến con tàu bị sập mái cabin sau, thủng sau lái và phần đuôi tàu, nước tràn vào khoang. 10 ngư dân trên tàu bị nạn thay nhau nhảy xuống biển, phối hợp với những người trên tàu vừa tát nước, vừa dùng các vật dụng vít lỗ thủng để tránh tàu chìm.
"Tôi đã nhờ Hội nghề cá Đà Nẵng làm đơn kiện Trung Quốc. Hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, hung hăng tấn công tàu cá của ngư dân chúng tôi là không thể chấp nhận. Chúng tôi phải kiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi đánh bắt hợp pháp ở ngư trường Hoàng Sa truyền thống", ông Hay khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi tối 12/6, luật sư Đỗ Pháp, trưởng văn phòng luật sự cùng tên ở Đà Nẵng, người đại diện pháp lý của bà Huỳnh Thị Như Hoa - chủ tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa hôm 26/5, cho biết đang hoàn thiện một số hồ sơ và thủ tục để yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp tìm lai lịch tàu 11209 của Trung Quốc - "hung thủ" đâm chìm tàu cá Đà Nẵng.
Luật sư Đỗ Pháp tư vấn cho vợ chồng chủ tàu ĐNa 90152TS hoàn tất thủ tục kiện Trung Quốc ra tòa án thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông |
Chủ tàu cá ĐNa 90152 nộp đơn khởi kiện tàu Trung Quốc tại TAND TP Đà Nẵng. Theo luật sư Đỗ Pháp, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có hiệp định tương trợ tư pháp và hiệp định nghề cá, do đó phía Trung Quốc có trách nhiệm cung cấp thông tin về tàu cá 11209 và đưa bị đơn tới TAND TP Đà Nẵng để tham gia vụ kiện này. Nếu Trung Quốc không hợp tác tức là thể hiện thái độ "đồng lõa" với sự sai phạm của tàu cá nước mình.
Nhận định chưa có tiền lệ, luật sư Pháp khẳng định việc kiện tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Đà Nẵng ở Hoàng Sa, phía ngư dân Việt Nam chắc chắn thắng. "Không chỉ ở tâm thế chính nghĩa, chúng ta còn có đầy đủ bằng chứng và vật chứng xác đáng như lời kể của nhân chứng, xác tàu cá ĐNa bị hư hỏng với vết đâm chí mạng, và cả clip quay lại tàu 11209 của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Đà Nẵng", ông Pháp nói thêm.
Bà Hoa cùng người đại diện pháp lý của mình cho biết ban đầu là kiện dân sự, yêu cầu tàu cá Trung Quốc đền bù thiệt hại, nhưng cũng có thể sẽ khởi kiện hình sự và quyết tâm theo kiện đến cùng. "Chúng tôi cũng tính đến phương án khởi kiện tàu cá Trung Quốc ra tòa án quốc tế, để cho cả thế giới biết hành động bất chấp luật pháp quốc tế, vô nhân đạo của tàu cá Trung Quốc khi đâm chìm tàu cá Việt Nam đang đánh bắt hợp pháp trên biển, bỏ mặc và cản trở các tàu cá Đà Nẵng đến cứu người bị nạn", luật sư Pháp nói.
Theo VNE