Đài NHK sáng 11/6 đưa tin, Chính phủ Trung quốc hôm 10/6 đã công bố Sách trắng về Hong Kong như một nhấn mạnh về chủ quyền lãnh thổ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố Sách trắng về Hong Kong kể từ khi vùng đất này trở về tay họ.
Tài liệu này khẳng định Hong Kong có một mức độ tự chủ cao theo chính sách “Một quốc gia hai hệ thống chính trị”. Tuy nhiên thông điệp chính mà nó muốn đề cập đến là sự “cảnh báo” đối với các nhà hoạt động chính trị tại Hong Kong. Sách trắng nói đại ý rằng, có một số người Hong Kong đang nhầm lẫn hoặc cố tình hiểu sai lệch về chính sách.
Chính phủ Trung Quốc cũng cho Sách trắng này là một tham chiếu cho các nhà hoạt động tại Hong Kong – những người đang có các hoạt động quan trọng kêu gọi sự tự chủ lớn hơn cho đặc khu này. Tài liệu nhấn mạnh rằng Quốc hội nhân dân toàn quốc có sức mạnh để áp đặt lên các quyết định của cơ quan lập pháp Hong Kong.
Đài NHK bình luận thêm: “Trong thời gian qua, một số cư dân Hong Kong ngày càng thất vọng với sự ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc đối với cuộc sống của họ. Các nhà hoạt động thì chỉ trích động thái công bố Sách trắng là đặt áp lực cho họ”.
Người dân Hong Kong biểu tình phản đối Sách trắng của chính quyền trung ương Bắc Kinh.
Trong ngày hôm nay, báo South China morning Post – tờ báo uy tín hàng đầu Hong Kong đã đăng bài phản ánh về cuộc biểu tình phản đối của người dân Hong Kong đối với Sách trắng. Tờ báo này viết: “Những người biểu tình đốt cháy các bản sao của Sách trắng của Bắc Kinh về “Một quốc gia, hai chế độ” để phản đối bên ngoài các văn phòng liên lạc tại Sai Wan”.
Tờ này cũng trích dẫn lời phát biểu của một số nhà hoạt động Hong Kong. Trong đó lãnh đạo Đảng Công dân - Alan Leong cho rằng “thẩm quyền toàn diện” mà Sách trắng nói có nghĩa là sẽ “chỉ có một quốc gia và không phải là hai hệ thống” và đó là điều không thể chấp nhận đối với người Hong Kong.
Cũng theo tờ báo hàng đầu Hong Kong này, cuộc biểu tình phản đối Sách trắng của Bắc Kinh đã diễn ra trong cả ngày 11/6 do các thành viên Đảng Lao Động và Liên đoàn Dân chủ Xã hội tổ chức.
Để phản đối, một số người đã đốt một bản sao của Sách trắng. Cũng trên tờ báo này, chiều 11/6 đã đăng một bài nêu quan điểm của các luật sư Hong Kong quở trách nghiêm khắc Sách trắng của Bắc Kinh.
Một bản sao Sách trắng bị đốt.
Hiệp hội Luật sư đã phản bác lại quan điểm của Sách trắng nói rằng chính quyền trung ương có thẩm quyền toàn diện đối với Hong Kong và có quyền áp đặt lên hệ thống chính quyền Hong Kong.
Hiệp hội này khẳng định Hong Kong sẽ vẫn độc lập cả về hành pháp, lập pháp, tư pháp đối với chính quyền Bắc Kinh như một chính quyền mini và cảnh báo mọi sự can thiệp thô bạo của chính quyền Bắc Kinh có thể làm thay đổi nền tư pháp của Hong Kong hiện tại.
Động thái này của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa gặp phải hàng loạt bất ổn ở khu tự trị Tân Cương cho thấy có thể đây là một sự siết chặt quản lý của chính quyền trung ương đối với các đặc khu. Riêng ở Hong Kong, một phong trào đòi cải tổ chính trị, mở rộng dân chủ đã thu hút đông đảo người ủng hộ và ngày 20 đến 22/6 tới đây một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề cải tổ chính trị sẽ được tiến hành.
Một vài nhà hoạt động chính trị Hong Kong nhận định với South China Morning Post rằng, việc ban hành Sách trắng là nhằm ngăn chặn người dân tham gia hoạt động trưng cầu dân ý.
Hong Kong hiện nay là một trong những thành phố phát triển nhất của Trung Quốc. Xưa kia đây là thuộc địa của Anh và chỉ mới được trả lại Trung Quốc vào năm 1997. Tuy nhiên về mặt chính trị Hong Kong vẫn có một hệ thống chính quyền với đầy đủ cơ cấu giống như một chính phủ mini.
Những năm gần đây người dân Hong Kong cảm thấy bị áp lực ngày càng nặng nề từ Bắc Kinh làm giảm sự tự do dân chủ của họ và đang xuất hiện một phong trào vận động đòi cải tổ chính trị để mở rộng tự do dân chủ ở đặc khu này.
Theo Người đưa tin