Ăn uống thì vớ phải sữa có melamine, đồ chơi cũng chứa đầy chất độc, đi học trường công thì không được nhận,… Trẻ em bây giờ biết ăn, mặc, chơi gì cho khỏi độc?.
Không đủ tuổi, không hộ khẩu đừng mơ vào trường công
Hàng loạt vụ bạo hành trẻ em trong các nhóm giữ trẻ tư bị phát giác khiến mọi người không khỏi lo lắng về chất lượng nhà trẻ tư nhân hiện nay. Chỉ vì muốn cho trẻ ăn nhiều, tăng cân, các bảo mẫu không ngại tát bôm bốp, dốc ngược trẻ lên để đe dọa. Thương tâm hơn, vì những phút nóng giận nhất thời, bảo mẫu nhẫn tâm đạp chết đứa trẻ mới 18 tháng tuổi.
Vào trường công thì khó, mà vào trường tư thì nơm nớp lo sợ trẻ bị bạo hành |
Nhiều bậc cha mẹ muốn gửi con vào trường công cho an toàn, thế nhưng đâu có dễ. Khi các trường công lập chỉ nhận trẻ từ 16-18 tháng trở lên, các trường tư thục nhận trẻ từ 12 tháng trở lên và phải có hộ khẩu tại địa bàn. Trong khi đó chế độ nghỉ thai sản chỉ dừng lại ở con số 6 tháng tròn trĩnh. Vậy thì 12 tháng còn lại biết gửi con ở đâu để đi làm?.
Khổ nhất là những em bé con công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tại các thành phố lớn. Cha mẹ hầu hết là dân tỉnh lẻ, công việc lại vất vả, tăng ca tối ngày; nhưng đồng lương vô cùng eo hẹp, nên chỉ còn cách “nhắm mắt đưa chân” gửi con ở nhóm trẻ tư để đi làm trong sự nơm nớp lo sợ.
Đồ chơi nhiễm độc
Trẻ em thì biết làm gì ngoài việc chơi; thế nhưng những sản phẩm đồ chơi của con trẻ đang bị đầu độc hàng ngày. Mới đây, hàng loạt búp bê đầu hoa quả được nhiều trẻ em trên thế giới yêu thích đã bị tịch thu ở Anh vì chúng chứa hóa chất phthalates gây ung thư, vô sinh cho trẻ em.
Búp bê hoa quả nhiễm chất gây ung thư |
Trong khi đó, ở Việt Nam, món đồ chơi này vẫn được bày bán tràn lan. Không khó để tìm những búp bê đầu hoa quả đa dạng như: búp bê đầu dứa, táo, dâu tây, nho, ổi,…với màu sắc bắt mắt, hình dáng đáng yêu cộng với tiếng nhạc vui nhộn.
Trước đó, hàng loạt những vụ việc đồ chơi "made in Trung Quốc" bị cơ quan kiểm duyệt các nước trên thế giới tiến hành thu hồi như bóng bơm hơi, thú nhún, xe đồ chơi điều khiển dùng pin. Ngoài ra, đèn lồng nhựa Trung Quốc cũng có hàm lượng cadimi - kim loại độc hại nhất với cơ thể người.
Sữa nhiễm độc
Đáng báo động nhất có lẽ là hiện trạng sữa, nguồn dinh dưỡng quan trọng và thiết yếu của con trẻ đang bị báo động bởi các scandal nhiễm độc.
Các sản phẩm là sữa và các sản phẩm làm từ sữa liên tục bị phát hiện nhiễm chất độc |
Hẳn các ông bố, bà mẹ khó quên vụ sữa Trung Quốc nhiễm chất độc melamine rúng động toàn thế giới năm 2008. Pha loãng sữa để tăng thể tích bán ra, người ta đã cho thêm melamine vào sữa nhằm tạo cảm giác sữa có nhiều protein hơn để vượt qua các cuộc kiểm tra chất lượng. Trẻ uống sữa trộn melamine kéo dài sẽ bị thiếu dinh dưỡng, nhưng tệ hại hơn là chất độc melamine sẽ tích tụ qua từng ngày, lắng cặn lại và gây hại cho cơ thể.
Tại Việt Nam, theo danh sách do Bộ Y tế công bố, có tới gần 30 sản phẩm là sữa và các sản phẩm làm từ sữa như bánh quy, cà phê,... bị phát hiện nhiễm chất độc này do các công ty thực phẩm trong nước nhập sữa bột nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Trong năm 2013, mọi người lại càng thêm hoảng hốt khi hàng loạt các thương hiệu sữa buộc phải thu hồi nhập nguồn sữa nhiễm độc từ nhà cung cấp nguyên liệu Fonterra. Trước khi được phát hiện ra, không biết bao nhiêu trẻ em đã phải hấp thu nguồn dưỡng chất đầy nguy hiểm này.
Quần áo trẻ em mặc vào bị ngớ ngẩn
Ngoài đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc có chất độc, thì quần áo trẻ em do nước này sản xuất cũng bị cáo buộc có độc tố.
Quần áo trẻ em Trung Quốc mặc vào sẽ bị ngớ ngẩn |
Nếu như năm 2009, gần một nửa mặt hàng quần áo và một phần ba số đồ dùng cho trẻ được sản xuất tại Quảng Đông, Trung Quốc bị phát hiện không an toàn vì chứa hóa chất formaldehye, một tác nhân gây ung thư thì tới cuối tháng 2/2013, tại nước này lại phát hiện chất aromatic amine có trong đồng phục học sinh cũng gây ung thư.
Đến tháng 12/2013, một báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh Đông Á công bố cho biết hàng may mặc trẻ em sản xuất tại hai thành phố ở Trung Quốc có chứa chất gây rối loạn hormone và hóa chất độc hại đối với hệ sinh sản, hệ nội tiết, có thể làm trẻ ngớ ngẩn.
Điều đáng nói, quần áo trẻ em mà tổ chức này điều tra được bán tại 98% các thành phố ở Trung Quốc và khắp thế giới. Tại Việt Nam, quần áo trẻ em hầu hết nhập từ nước này.
Từ chuyện ăn chơi, học hành các bé đều dễ bị “dính” những nguy cơ tiềm ẩn, thế mới nói trẻ em giờ đây quá khổ.
Các bậc phụ huynh đang ngày càng hoang mang trước thực trạng con cái họ đang phải đương đầu với vòng vây hàng Tàu nhiễm độc. Chưa kể, còn bao nhiêu loại đồ chơi có chứa chất độc khác mà Việt Nam chưa phát hiện ra. Lâu nay, hàng trẻ em như đồ chơi, sữa, quần áo,...từ Trung Quốc đã khiến cả thế giới phát sợ. Các nước châu Âu và Mỹ đồng loạt nói không với đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc thì tại Việt Nam, chúng vẫn tràn ngập. Với tình hình thị trường đồ chơi, quần áo, sữa,…độc hại dành cho trẻ em tràn vào trong nước như hiện nay, có thể thấy vấn đề nằm ở sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng. |
Theo Đất Việt