Nhiều người gọi bệnh viện Nhân Ái là mảnh đất “chết” vì nơi đây chuyên chăm sóc và điều trị miễn phí cho các bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.
"Nhà thương" đúng nghĩa
Chúng tôi đến bệnh viện Nhân Ái vào một buổi chiều cuối năm, trời se lạnh. Cuối năm ai cũng mong sẽ sum họp gia đình; nhưng những bệnh nhân nơi đây, xuân về Tết đến với họ thực sự là buồn nhiều hơn vui…
Bệnh nhân Tô Thị Mai L. (43 tuổi), chia sẻ, Tết này là cái Tết thứ 3 chị L. “ăn chực nằm chờ” ở bệnh viện. “Có về nhà ăn Tết cũng không thấy vui, vì mình mang bệnh tật trong người, lối xóm cũng e dè”, chị L. chực trào nước mắt.
Chị L., sinh ra trong một gia đình nghèo. Lấy chồng khi mới 18 tuổi, vợ chồng suốt ngày cãi vã, L. cay đắng bồng con bỏ về nhà mẹ đẻ khi đứa trẻ mới vừa tròn 4 tháng tuổi. Ít lâu sau, chị “gá nghĩa” với người đàn ông làm nghề thợ xây người Malaysia rồi theo chồng về bên xứ người. Cuộc hôn nhân mới cũng không mang lại hạnh phúc, vài năm sau, chị về lại quê hương. Rồi chị L. cay đắng khi biết mình dính HIV mà không hiểu nguồn cơ lây nhiễm từ đâu.
Giọt nước từ hốc mắt trên khuôn mặt sạm đen vì kháng thuốc, thân hình khòng kheo, Chị L. chia sẻ: “Tháng trước có xin bác sĩ cho về nhà thăm con, nhưng mới được vài ngày là sụt ký, chân đi không vững. Mà ngộ, mỗi lần xin về nhà, lại cảm thấy nhớ bệnh viện lắm. Ở đây quen rồi”.
Chị L. học kết giỏ cườm trong khuôn viên bệnh viện |
Nhắc đến Tết, đôi mắt bác Nguyễn Xuân M. (61 tuổi) cũng nhòa đi. Bác cho biết đã vào Nhân Ái gần chục năm rồi và năm nào cũng đón Tết ở bệnh viện. Nơi đây đã là mái nhà của bác những ngày cuối đời. Ăn Tết trong viện chính là ăn Tết ở nhà.
“Những người bệnh AIDS, bị gia đình và xã hội xa lánh. Tuy nhiên, khi chuyển vào bệnh viện Nhân Ái, được cảm nhận tình người qua sự chăm sóc, động viên, cảm thông từ các bác sĩ, y tá nơi đây lại cảm thấy yêu đời hơn và nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống”, bác M. chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thành Long, Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái, cho biết, mỗi bệnh nhân trước khi nhiễm AIDS được đưa vào bệnh viện đều có hoàn cảnh riêng, nhưng đa phần là bị xã hội, thậm chí gia đình bỏ rơi, không có thân nhân,...Có những bệnh nhân lúc đầu còn có người thân vào thăm, rồi dần thưa hẳn. Có những bệnh nhân đến lúc thiêu xác, người thân mới vào nhận tro, nhưng cũng có những bệnh nhân, tro cũng nằm lại nơi đây mãi…
Hy sinh bản thân mình cho đồng loại
Bệnh viện Nhân Ái thành lập năm 2006, hiện có hơn 300 bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối được các bác sĩ, y tá, điều dưỡng đang từng ngày, từng giờ giành giật lại sự sống trước lưỡi hái của tử thần. Những con người bất hạnh mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS, phải chịu đựng nỗi đau cào xé của sự kỳ thị và thậm chí bị gia đình chối bỏ đã được đôi bàn tay, trái tim của những người thầy thuốc xoa dịu. Các bác sĩ, điều dưỡng phải làm những việc như tắm rửa, vệ sinh, xoa bóp, an ủi, vỗ về khi các bệnh nhân vật vã, đau đớn trên giường bệnh.
Bệnh viện Nhân Ái, nơi điều trị, chăm sóc miễn phí cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối |
Vì điều trị miễn phí nên bệnh viện không có nguồn thu. Nguồn kinh phí của thành phố thì có hạn; nên để khẩu phần ăn của bệnh nhân đủ dinh dưỡng, các y bác sĩ phải tăng gia sản xuất, trồng thêm rau xanh, nuôi gà, nuôi heo,…để cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân.
Phía cuối con đường của bệnh viện Nhân Ái, là nhà tang lễ và nơi lưu cốt của các bệnh nhân xấu số không được người thân đón nhận. Hàng ngày những nén nhang vẫn tỏa hương thơm trên bàn thờ. Bên ngoài nhà lưu cốt, có hàng cây bông sứ hoa đẹp rực rỡ mà theo lời chị Nguyễn Thư Tình, Tư vấn viên của bệnh viện, thì những cây bông sứ này không bao giờ có lá nhưng quanh năm nở ra những bông hoa trắng thật đẹp.
Trên mảnh đất này, không chỉ có những bông hoa nảy nở, những mối tình cảm động giữa bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối cũng nảy nở, họ tìm thấy hạnh phúc, “bén duyên” trong những ngày điều trị bệnh tại đây. Bất chấp “thần chết” có thể mang họ đi bất cứ lúc nào; nhưng họ không bao giờ tỏ thái độ chán nản, mà luôn quan tâm chăm sóc lẫn nhau như những người trong một gia đình.
Bác sĩ Nguyễn Thành Long, Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái, chia sẻ: “Nơi đây không có sự kỳ thị và nỗi đau thể xác thì được xoa dịu bằng trái tim nhân ái. Những ai đang vướng phải căn bệnh HIV/AIDS còn lang thang cơ nhỡ hãy lên đây để được điều trị miễn phí”.
Đó là sự hy sinh cao cả, hy sinh bản thân mình cho đồng loại. Vô vụ lợi.
Chợt nhớ Trịnh Công Sơn có câu hát: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng có bài thơ:
"Tôi hỏi đất:
- Ðất sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước:
- Nước sống với nước như thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ:
- Cỏ sống với cỏ như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?"
Trên mảnh đất Nhân Ái, câu hỏi chua chát: “Người sống với người như thế nào?” sẽ được trả lời rằng: Người với người sống trong Tình và Nghĩa bằng trái tim Nhân Ái.
Bệnh viện Nhân Ái thuộc Sở Y tế TP.HCM, nhưng toạ lạc trên một ngọn đồi cao, hiu quạnh ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước; chuyên chăm sóc và điều trị miễn phí cho các bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Bệnh viện hiện có khoảng hơn 270 cán bộ nhân viên, phần lớn đến từ TP.HCM, chấp nhận “bỏ phố lên rừng”. Đặc biệt, trong số hơn 270 cán bộ nhân viên, có khoảng 70 cặp nên nghĩa vợ chồng với nhau. Chính mảnh đất Nhân Ái đã mang họ đến với nhau. Họ sinh con, đẻ cháu trên mảnh đất Nhân Ái này và hằng ngày làm công việc của người thầy thuốc: điều trị và chăm sóc miễn phí cho những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. |
Theo Đất Việt