Dự luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) trở lại bàn nghị sự tại UB Thường vụ ngày 13/1. Vấn đề “thổi bùng” tranh luận lại là độ tuổi kết hôn.
18 tuổi kết hôn, phụ nữ chịu thiệt thòi?
Về độ tuổi kết hôn, đại diện Bộ Tư pháp và một số ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung quy định ngoại lệ đối với trường hợp nữ chưa đủ 18 tuổi.
Bộ Tư pháp cho rằng quy định độ tuổi kết hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình đã không còn phù hợp. Bởi thực tế hiện nay tại nhiều địa phương dù nam nữ không đủ tuổi theo quy định nhưng vẫn kết hôn vì phong tục tập quán. Do đó, các nhà làm luật đề xuất giảm tuổi được kết hôn thêm 2 tuổi đối với cả nam và nữ.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, với thực tế tảo hôn đang diễn ra, nếu không công nhận thì phần thiệt thòi cho phụ nữ và trẻ em là rất lớn.
16 tuổi lấy chồng là luật “giật lùi”?
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu hạ độ tuổi kết hôn thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý, nếu chưa đủ cơ sở thì tuổi kết hôn vẫn giữ nguyên quy định 18 với nữ, 20 với nam như hiện nay. “Ngày xưa 3 tuổi lấy chồng, rồi sau đó 7 tuổi lấy chồng. Tuổi lấy chồng dần dần phải nâng lên, sao lại kéo tụt xuống?”, ông Lý đặt vấn đề.
Một bà mẹ "nhí" có con nhỏ ở Kontum. Ảnh QĐND |
Các ý kiến khác cùng cho rằng độ tuổi kết hôn không nên hạ xuống vì chúng ta đang xây dựng xã hội văn minh, không nên đi ngược lại với xu hướng chung.
Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất hạ tuổi kết hôn xuống 2 tuổi được của các nhà làm luật chỉ để phù hợp với thực trạng… tảo hôn chứ không phải phù hợp với tâm sinh lý của trẻ và cũng là khỏa lấp sự yếu kém trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này cũng như thiếu năng lực trong công tác quản lý, thực thi pháp luật của giới chức.
Lợi thì có lợi mà hại cũng nhiều
Đành rằng việc hạ độ tuổi kết hôn xét trên một khía cạnh nào đó sẽ khiến người phụ nữ ít phải chịu thiệt thòi, nhưng thực tế cho thấy nó làm nảy sinh nhiều vấn đề và không phù hợp với Việt Nam.
Nếu hạ độ tuổi kết hôn sẽ có một số vấn đề nảy sinh như các quy định liên quan đến trẻ vị thành niên, xử lý tội phạm hình sự ở tuổi này, quy định cấm sử dụng lao động vị thành niên trong một số ngành nghề,... Theo pháp luật hiện hành, nhiều giao dịch (bất động sản, tín dụng,…) cũng đòi hỏi chủ thể phải đủ 18 tuổi trở lên,…
Các chuyên gia y tế cũng phản đối đề xuất này với lý do nữ 18 tuổi vẫn chưa đủ chín chắn, chưa có kiến thức về sức khỏe để có thể làm một người mẹ tốt.
Một bác sĩ chuyên khoa sản tại TP.HCM chia sẻ, hạ độ tuổi kết hôn so với quy định hiện hành là phi lý, không phù hợp nếu xét trên phương diện y học. Bởi phụ nữ ở độ tuổi 18 khung xương chậu chưa phát triển hết; đến 22 tuổi, mới đầy đủ và sẵn sàng cho việc sinh con. Nếu kết hôn sớm hơn, số ca đẻ khó, tai biến sản khoa sẽ tăng lên, số trường hợp mổ đẻ cũng tăng cao bởi ở tuổi 16 nữ giới chưa phát triển đầy đủ.
Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, hiện nay, điều kiện sống được nâng cao, ăn uống đầy đủ, trẻ thế hệ 9X đời cuối hoặc sinh những năm 2000 có sự phát triển về thể hình khá nhanh so với các lứa tuổi trước đó (chẳng hạn như trường hợp người mẫu 13 tuổi cao 1,7 m). Tuy nhiên đó chỉ là vấn đề hình thể, còn tâm lý, trí tuệ các em vẫn còn đang ở tuổi vị thành niên.
Bên cạnh đó, các chuyên gia ngành giáo dục cũng cho biết, nếu kết hôn ở tuổi 16 thì các “cô dâu” đều còn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, tức là độ tuổi đang học lớp 10. Không thể nói rằng việc kết hôn, sinh con không ảnh hưởng đến việc học tập của người phụ nữ.
Do đó, theo các chuyên gia, trước khi xem xét đến việc hạ độ tuổi kết hôn, cần có một nghiên cứu khoa học xã hội về mọi mặt của lứa tuổi 16, từ vấn đề tâm sinh lý, khả năng đảm đương vai trò làm mẹ, làm vợ, và sự phát triển về mặt thể chất, trí tuệ, tinh thần của các thế hệ tiếp theo,…. Khảo sát cần phải tiến hành với số lượng mẫu thống kê đủ lớn, bao gồm đủ các vùng miền và kết quả có tính khoa học được một hội đồng khoa học đánh giá chứ không thể chỉ dựa vào cảm tính cho rằng “ngày nay nó thế” rồi đưa ra kết luận.
Theo Đất Việt