Năm 2020, báo điện tử sẽ là chủ lực

Thứ tư, 15/01/2014, 10:48
Đây là hướng quy hoạch báo chí đến năm 2020 được lãnh đạo Bộ Thông tin - truyền thông chia sẻ tại hội nghị báo chí toàn quốc - Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 - được tổ chức tại Hà Nội ngày 14-1.

Theo đó, đến năm 2020 báo điện tử trở thành loại hình báo chí chủ lực của cơ quan truyền thông. Quy hoạch cũng đưa đến sự sắp xếp lại các cơ quan báo in đang theo mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm.

Riêng các đài phát thanh, truyền hình sẽ bảo đảm chương trình tự sản xuất đạt 60%, tỉ lệ chương trình khai thác trên một kênh truyền hình không vượt quá 30%.

Báo chí đang gặp khó khăn

Nhìn lại năm 2013, ông Nguyễn Thành Hưng, thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, cho hay năm vừa qua đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về doanh thu của các cơ quan báo chí in. Số bản báo phát hành trên thị trường giảm 14 triệu bản so với năm 2012, chỉ còn 836 triệu bản.

Sự khó khăn của các cơ quan báo chí in không chỉ thể hiện ở sự sụt giảm lượng phát hành mà còn khiến cơ quan chủ quản của hai tạp chí Thế Giới Mới, Khoa Học Tổ Quốc xin phép tự giải thể vì không đủ điều kiện hoạt động.

Tổng doanh thu quảng cáo của tất cả cơ quan báo in năm 2013 đạt 1.650 tỉ đồng, giảm 0,9% so với năm 2012.

Câu chuyện nghiệp vụ và đạo đức nhà báo, đưa tin thiếu chuyên nghiệp, giật gân, câu khách cũng được nhấn mạnh trong nhiều tham luận tại hội nghị.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, tình trạng đưa tin quá nhiều các vụ án, miêu tả quá tỉ mỉ, chi tiết các hành vi tội ác gây cảm giác nặng nề, tạo sự hoang mang trong xã hội xảy ra khá phổ biến ở các trang báo mạng, trang tin điện tử, các ấn phẩm phụ của các cơ quan báo chí.

Chia sẻ về “thông tin ban đầu, định hướng” một cách phù hợp, ông Nguyễn Hoài Dương - phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - cho rằng với những vấn đề không nhạy cảm và không phải là bí mật quốc gia thì cần tăng cường hàm lượng thông tin trong các thông cáo báo chí.

“Trong năm qua, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn về các vấn đề quan trọng của đất nước, các trang tin điện tử và mạng xã hội đăng tải rất nhanh diễn biến cũng như kết quả hội nghị. Trong khi đó, các cơ quan thông tin chính thức “im lặng” và khi hội nghị kết thúc, các cơ quan báo chí chính thức đưa tin không khác mấy các trang mạng xã hội đã đưa trước đó”.

Tuy nhiên cũng theo ông, ở hội nghị Ban Chấp hành trung ương sau đó, vấn đề thông tin đã được cải tiến, các nội dung thảo luận đã gần như được công bố hằng ngày.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước

Tham gia hội nghị bằng tham luận “Xây dựng niềm tin, tập hợp lớp trẻ thông qua truyền thông”, ông Phạm Đức Hải - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM - khẳng định báo Tuổi Trẻ đã luôn nỗ lực để tăng hàm lượng thông tin về những tấm gương người tốt, việc tốt, tạo dựng niềm tin, tập hợp lớp trẻ.

Ba nhóm giải pháp được Tuổi Trẻ thực hiện đồng thời là duy trì, tăng trang mục về người tốt, việc tốt; chủ động tổ chức các cuộc thi, diễn đàn có sức lan tỏa rộng khắp “Tuổi trẻ làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Tự hào sử Việt”, “Thầy tôi”... và tổ chức các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ “Góp đá xây Trường Sa”, “Tiếp sức đến trường” trao học bổng cho tân sinh viên nghèo vượt khó...

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Đinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - yêu cầu các cơ quan báo chí phải chủ động đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong tư tưởng, thống nhất trong hành động, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới đất nước.

Ông Huynh cũng đề nghị ban tổ chức hội nghị tiếp thu nghiêm túc những ý kiến của các đại biểu về các vấn đề liên quan phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí năm 2014 và những năm tiếp theo.

Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn