Trong khi đó, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) cho rằng: "Phải có sự thống nhất giữa cơ quan chứ không thể có chuyện mạnh ai nấy làm, ai nhanh hơn thì được phạt".
Theo GS Thuyết, nếu thanh tra các ngành khác phát hiện báo chí vi phạm thì có quyền đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông xem xét và xử phạt "chứ không thể nào nhảy vào xử phạt ngay".
"Ở các nước phát triển thì các cơ quan hành chính chỉ có quyền đề xuất, còn việc phạt hay không là thẩm quyền của tòa án, quy về một đầu mối. Điều này tạo ra sự thống nhất, không giẫm chân lên nhau", GS Thuyết dẫn chứng.
Nói rộng ra, GS Thuyết bày tỏ: "Trước đây, chúng ta làm luật Sở hữu trí tuệ, các chuyên gia của Anh, Mỹ rất sửng sốt ngạc nhiên hỏi làm sao mà Bộ Khoa học - Công nghệ cũng có thể ra quyết định xử phạt".
Theo GS Thuyết, bên cạnh việc chồng chéo về thẩm quyền của các cơ quan chức năng, thì trong các quy định xử phạt báo chí cũng có sự vênh nhau khi điều chỉnh cùng một hành vi.
Trong khi đó, Thạc sĩ, luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng ý kiến của ông Đặng Thanh Sơn - Tổ trưởng Tổ triển khai đề án về xử lý vi phạm hành chính (được đăng tại bài viết Ai 'nhanh chân' hơn thì được... xử phạt báo chí, ngày 1.1.2014, trên Thanh Niên Mobile) là thiếu hợp lý.
Theo ông Phất, không thể lấy lý do rút số lượng nghị định từ 130 xuống 50 hay do có quá nhiều hành vi để buộc các đối tượng điều chỉnh của các quy định này phải chịu đựng sự mâu thuẫn, chồng chéo, giải thích tùy tiện của quan chức nhà nước.
Ông Phất cho rằng, nguyên tắc “trong trường hợp có nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền xử phạt thì cơ quan nào thụ lý đầu tiên, cơ quan đó có quyền xử phạt” được ông Sơn trích dẫn đã không đúng hoàn cảnh.
"Trường hợp có nhiều cơ quan cùng có thẩm quyền xử phạt nêu tại điều 52 luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ áp dụng đối với một vi phạm hành chính được quy định tại một nghị định cụ thể chứ không phải nguyên tắc này được đưa ra để giải quyết cho sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật (nghị định) khác nhau", ông Sơn lý giải.
Còn luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) thì cho rằng ý kiến của ông Sơn cho thấy sự “bất lực” và là giải pháp tình thế để tránh việc vi phạm nguyên tắc xử phạt hành chính.
"Không có quy định nào về việc cơ quan nào “nhanh chân hơn” thì được xử phạt, còn cơ quan nào “chậm chân hơn” thì không có quyền, dù đó là cơ quan chuyên môn như Bộ Thông tin - Truyền thông", luật sư Chánh khẳng định.
Trong khi đó, luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ: "Nghe trả lời phỏng vấn trước báo giới của ông Đặng Thanh Sơn mà không khỏi giật mình vì sự tùy tiện trong cách giải thích pháp luật".
Luật sư Út cho rằng nếu có trách nhiệm hơn thì phải tạm dừng việc xử phạt vô tội vạ và nhanh chóng sửa chữa hoặc bãi bỏ những quy định chồng chéo của các văn bản xử phạt báo chí.
Theo Thanhnien