Từ Trung Lương đến nút giao Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TP.HCM) theo đường Quốc lộ 1, thời gian thấp nhất phải di chuyển là hai giờ đồng hồ. Nay chỉ cần rẽ vào nút giao Tân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) lên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương) mất khoảng 30 phút là đến. Từ nút giao Chợ Đệm đi theo đường quốc lộ 1, quốc lộ 51 đến Vũng Tàu mất bốn giờ. Nếu chọn đi đường cao tốc TP.HCM – Long Thành chỉ mất khoảng hai giờ. (Khi đến trạm thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương (thuộc địa bàn TP.HCM), có thể rẽ phải vào đường Nguyễn Văn Linh hoặc chạy thẳng ra quốc lộ 1 rồi rẽ vào đại lộ Đông Tây, nay là đường Võ Văn Kiệt). |
Giảm được 1/2 thời gian di chuyển
“Có thêm đoạn cao tốc này, từ TP.HCM đi Vũng Tàu giảm được gần nửa thời gian so với hiện tại”, anh Lê Thanh Hùng, nhà ở TP.HCM nhưng làm việc ở Vũng Tàu, thường xuyên di chuyển bằng ôtô nói.
Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một vựa cá ở Kiên Giang nhưng thường xuyên điều xe lên Vũng Tàu lấy hàng hồ hởi: “Nhờ có cầu Mỹ Thuận, cao tốc TP.HCM, rồi nay thêm đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành, lưu thông từ Rạch Giá đến Vũng Tàu chúng tôi tiết kiệm được hơn bốn giờ đồng hồ”.
Di chuyển từ miền Tây lên TP.HCM nếu tính từ nút giao Thân Cửu Nghĩa (điểm cuối của cao tốc TP.HCM – Trung Lương) đến nút giao giữa cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn thuộc quốc lộ 51 (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) so với đi theo hướng quốc lộ 1 ra quốc lộ 51 đến Vũng Tàu thì người lưu thông tiết kiệm được hơn bốn giờ.
Tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được chia làm 2 đoạn. Đoạn đầu tiên từ nút giao An Phú đến Long Thành (Đồng Nai) dài 23,9 km đi qua quận 2, 9 (TP HCM), huyện Nhơn Trạch và Long Thành. Đoạn còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây, dài hơn 30km đi qua các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ và Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 930 triệu USD được thiết kế cho xe lưu thông với tốc độ lên đến 120km/h với 6 làn xe. |
Dù phải đóng phí vẫn có lợi
Hai tuyến đường cao tốc nối liền từ đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ được đưa vào sử dụng thực sự là tin vui cho cả hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, với mức phí qua cao tốc, trong đó, TP.HCM – Trung Lương trung bình 1.000 đồng/km, còn TP.HCM – Long Thành trung bình 2.000 đồng/km là khá cao. Như vậy sẽ đẩy chi phí đường bộ lên cao, đồng nghĩa với giá cả hàng hoá tăng cao. Vì thế, nhiều người đặt vấn đề sao không tính toán mức phí qua cao tốc như ở các trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội hay Bình Triệu?!
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, từ khi đưa đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương vào sử dụng đến nay, lượng xe ngày càng tăng cao và gần như các loại xe khách, xe cá nhân và xe chở hàng hoá đã chọn phương án qua đường cao tốc làm hướng lưu thông.
“Chọn hướng đi qua cao tốc TP.HCM – Trung Lương chỉ có 40km, trong khi đi từ Trung Lương đến TP.HCM theo đường quốc lộ 1 dài đến hơn 60km. Rút gắn hơn 20km, tương đương với khoảng 2 lít xăng, nếu là xe bảy chỗ. Vị chi tiết kiệm được gần 50.000 đồng nhiên liệu, trong khi mức phí chỉ có khoảng 40.000 đồng. Như vậy vẫn còn rẻ hơn”, anh Trần Văn Hiến, tài xế taxi hãng Mai Linh, tính.