Sống sót nhờ ”phép màu”
Như báo Giáo dục Việt Nam đã thông tin, vào khoảng 2h sáng 29/12, chiếc tàu do ngư dân Lê Văn Sen (SN 1974) điều khiển mang số hiệu TH 91174 TS, trên đường chạy ra vùng biển Hải Phòng để khai thác cá, khi qua vùng biển Nam Định thì gặp sóng to, gió lớn khiến thuyền bất ngờ lật úp.
Hậu quả, toàn bộ 5 thuyền viên trên thuyền đều rơi xuống biển, 2 người được cứu sống, số còn lại hiện đang mất tích.
Danh sách các ngư dân mất tích gồm: Nguyễn Ngọc Xuân (SN 1954), Hoàng Văn Thành (SN 1975) và Hoàng Văn Tuấn (SN 1988, cháu ruột nạn nhân Thành), tất cả cùng trú tại thôn Đồng Minh, xã Hải Ninh.
Hai ngư dân gặp nạn may mắn được thuyền bạn cứu sống và đang trên đường trở về gồm anh Lê Văn Sen và Lê Xuân Thành (SN 1993) đều trú tại xã Hải Ninh.
Trở về từ “cõi chết”, Lê Xuân Thành (SN 1993, trú tại thôn Đồng Minh, xã Hải Ninh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) vẫn không tin nổi tại sao anh lại có thể sống sót thần kỳ đến như vậy?: “Khi cả 5 người đều bị hất văng xuống biển, tôi và mọi người gần như có chung suy nghĩ chắc sẽ không còn hy vọng sống sót trở về”, Thành bộc bạch.
Nhớ lại thời khắc mong manh giữa sự sống với cái chết, Thành kể lại: “Khi tàu cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 50km thì bất ngờ tàu chao đảo vì gặp sóng lớn. Tôi nhớ ngọn sóng khi đó cao khoảng chừng 2-3m. Sóng to cộng với gió lớn cứ thế đập mạnh vào mạn tàu. Cứ từng đợt, từng đợt như thế khiến thân tàu dần vỡ thành từng mảng lớn. Đến khi nước từ từ ngập vào boong tàu thì lái tàu không thể điều khiển được hướng đi”.
Lê Xuân Thành kể lại chuyện sống sót thần kỳ sau sự cố trên biển |
Thời điểm phát hiện tàu gặp sự cố, anh Lê Văn Sen (chủ tàu) đã nhanh chóng phát tín hiệu bằng bộ đàm kêu cứu tàu bạn, đồng thời hô hoán 4 thuyền viên ở phía trong boong tàu nhanh chóng tìm cách thoát thân: “Biết tàu đang gặp sự cố nặng, chủ tàu cố gắng hô hoán mọi người chạy ra khỏi boong tàu để chuẩn bị nhảy xuống biển khi tàu chìm dần. Cùng lúc đó, mấy anh em tôi cũng nhanh chóng lấy được mấy chiếc can dự trữ nước ngọt trong boong tàu, vội vàng ôm lấy và nhảy xuống biển”, Thành kể lại.
Tuy nhiên, giữa muôn trùng biển khơi, dù có cố gắng đến mấy họ vẫn không thể chiến thắng được những đợt sóng hung dữ đang táp mạnh vào người. Trong số 5 thuyền viên, đã có người không quay trở lại. Nhớ lại thời khắc hãi hùng, Thành vẫn chưa hết bàng hoàng: “Lúc tàu chìm, 5 anh em chúng tôi đã chủ động cùng nhau nhảy xuống biển. Ban đầu để duy trì liên lạc với nhau, mọi người cố gắng bơi tiến lại gần nắm lấy tay và bám vào nhau và thề rằng, sống thì cùng sống, chết thì cùng chết. Được khoảng 30 phút thì bất ngờ sóng mạnh ập đến liên hồi khiến chúng tôi không còn đủ sức bám trụ”.
Cũng từ thời điểm đó, cả 5 thuyền viên đều bị sóng biển đánh dạt ra xa và trôi theo nhiều hướng khác nhau. Cái mà họ có thể làm cho đồng đội lúc đó chỉ còn là cầu mong điều thần kỳ sẽ đến: “Khi bị sóng đánh dạt mỗi người một phương, tôi phát hiện ra tiếng kêu cứu từ chú Xuân (thuyền viên trên tàu) ở gần đó. Nghe tiếng gọi, tôi cố sức bơi đến và níu chặt chú, đưa lại gần chiếc tủ lạnh đang trôi gần đó để khỏi bị đánh văng ra ngoài. Lúc đó, tôi cũng phát hiện thấy chú Xuân cũng đã kiệt sức. Cái mà tôi có thể làm chỉ là lấy sợi dây thừng buộc trong chiếc can tôi đang giữ, cố hết sức cột chặt chú vào chiếc tủ lạnh phía bên cạnh để cho chú khỏi chìm, dù biết cơ hội sống sót của cả 2 người là rất mong manh”, Thành nhớ lại.
Trong số 5 thuyền viên bị trôi dạt trên biển thì chỉ có Lê Xuân Thành và Lê Văn Sen là 2 người gặp may mắn khi được tàu bạn cứu sống: “Từ khi tàu chìm (2h15 phút) đến khi gặp tàu bạn (khoảng 5h sáng), tôi và 4 thuyền viên còn lại đã hoàn toàn mất liên lạc với nhau. Cũng trong lúc đó, tôi nghĩ có lẽ mình đã hết cơ hội sống và rơi vào tuyệt vọng. Rồi đến khi được cứu, chính tôi cũng không thể tin nổi tại sao mình lại may mắn đến như vậy? Nhưng còn các anh, các chú của tôi vẫn còn đang ngoài biển, cầu mong cho họ cũng được trợ giúp như tôi”, Thành xúc động nói.
Người sống không bằng chết?
Trở về từ chuyến tàu định mệnh, anh Lê Văn Sen (chủ tàu) đã nhanh chóng liên hệ với tàu bạn, tiếp tục ra khơi để tìm kiếm đồng đội vẫn còn mất tích trên biển. Người thân của anh Sen kể lại : “Kể từ khi trở về nhà, Sen cứ như đứa mất hồn, nó sống mà như người đã chết. Nằm ở bệnh xá điều trị được một thời gian ngắn, nó không chịu ăn uống gì chỉ một mực đòi ra biển tìm gặp đồng đội. Nhiều lúc thấy nó dằn vặt bản thân và nói rằng phải bằng mọi cách để tìm bằng được đồng đội mình thì gia đình đã thuận theo tâm nguyện của cháu” anh Việt (anh rể Sen) cho biết.
Cho đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng vẫn chưa có bất cứ thông tin gì từ 3 trong tổng số 5 thuyền viên bị mất tích hôm 29/12 gồm; Nguyễn Ngọc Xuân (SN 1954), Hoàng Văn Thành (SN 1975) và Hoàng Văn Tuấn (SN 1988, cháu ruột nạn nhân Thành), tất cả cùng trú tại thôn Đồng Minh, xã Hải Ninh.
Anh Hoàng Văn Lương (bố cháu Hoàng Văn Tuấn, nạn nhân mất tích trong vụ chìm tàu) dường như không gượng dậy nổi khi đón nhận cú sốc quá lớn đến với gia đình mình |
Nỗi day dứt càng lớn hơn khi trong số 5 ngư dân gặp nạn thì 4 người là anh em trong họ tộc nội, ngoại. Trong sâu thẳm những đôi mắt của những người thân, họ vẫn đau đáu hướng ra trùng khơi như chờ đợi điều thần kỳ sẽ đến với 3 nạn nhân đang mất tích.
Anh Hoàng Văn Lương (bố cháu Hoàng Văn Tuấn, nạn nhân mất tích trong vụ chìm tàu) dường như không gượng dậy nổi khi đón nhận cú sốc quá lớn đến với gia đình mình. Hay tin con trai vẫn mất tích trên biển, anh vẫn hy vọng và chờ đợi một “ phép màu” sẽ đến với cháu Tuấn và gia đình. Anh Lương tâm sự: “Cũng chỉ vì hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, đứa con trai đầu đã phải nghỉ học, theo gia đình phụ giúp đi làm kinh tế. Vì là quê biển nên, ngoài việc đi biển ra, hầu như không có thu nhập gì ổn định hơn. Thấy cháu nó cứ xin đi, tôi cũng đồng ý…ai ngờ được sự tình lại xảy ra như thế?”.
Ông Hoàng Văn Lực (bố anh Lương) đã trở nên tuyệt vọng khi đến thời điểm này, công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn chưa đạt kết quả:“ Không ai muốn tin dữ xảy đến với gia đình. Nhưng cho đến thời điểm này, thì hy vọng sống của cháu tôi và mấy anh em nó là rất ít…Nhưng dù sao đi nữa, tôi vẫn hy vọng và chờ đợi”.
Nỗi tuyệt vọng khi chưa tìm thấy người thân trong vụ chìm tàu vẫn hiện hữu trên từng khuôn mặt, lời nói Chị Trần Thị Phượng (SN 1976) - vợ anh Hoàng Văn Thành (thuyền viên bị mất tích). Không dấu được vẻ đau đớn chị Phượng tâm sự: “gia đình với 3 đứa con chỉ trông chờ vào tiền đi biển của anh Thành để trang trải sinh hoạt cuộc sống hàng ngày. Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh ấy xin đi biển với anh em họ hàng, để kiếm tiền nuôi các con ăn học. bây giờ lỡ có chuyện gì xảy ra không biết các con tôi sẽ như thế nào?”
Được biết, trong số các thuyền viên mất tích trên biển, họ đều xuất phát từ những gia đình nghèo khó. Để khắc phục điều kiện khó khăn, nhiều gia đình đã vay nợ ngân hàng để đóng tàu đi biển với hy vọng đổi đời.
Sau khi sự cố ra, lãnh đạo huyện Tĩnh Gia và đại diện các tổ chức chữ thập đỏ và nhà hảo tâm đã đến động viên, chia sẻ với những gia đình có người thân bị mất tích trên biển.
Hiện tại lực lượng chức năng vẫn tiếp tục phối hợp với gia đình người thân, chóng tìm kiếm những người nạn nhân bị mất tích trên biển.
Theo thống kê, từ năm 2009 đến 2011 toàn huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) xảy ra 26 vụ tai nạn rủi ro trên biển làm 10 người chết, 9 phương tiện tàu cá bị chìm ngoài biển./.
Theo GiaoDuc