Ngày định mệnh
Nếu không được giới thiệu trước, tôi sẽ không nghĩ người đàn ông có làn da hồng hào khỏe khoắn, với nụ cười tươi sáng trên môi lại đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV. Gặp bác sỹ N.H.T (SN 1966, ngụ tại Hóc Môn, TP.HCM) trong căn nhà đơn sơ, cây lá đầy vườn. Mặc dù thiếu tiếng cười của con trẻ nhưng nó vẫn đong đầy ấm áp, bởi sự thân thiện của vợ chồng anh T..
Quê của vợ chồng anh đều ở tận ngoài Nam Định. Ngày anh còn thơ bé, số lượng người đi học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh T. là một trong số những người ít ỏi đó. Như lục nhớ lại những kỷ niệm xưa cũ, anh cho biết: “Dân quê chúng tôi lúc đó nghèo, lại ít người biết chữ nên hễ ai học được là cho học hết khả năng, dù phải bán cả cửa nhà. Tôi ham học lại cần cù nên chẳng khó khăn gì khi thi đậu vào đại học Y danh tiếng. Sau tốt nghiệp, tôi được nhận ngay vào bệnh viện A. làm việc. Với kiến thức, kỹ năng, đạo đức của một lương y, tôi đã cố gắng làm việc thật tốt. Tuy nhiên, trong một lần tổ chức hiến máu nhân đạo của bệnh viện, tôi bàng hoàng khi nhận được kết quả xét nghiệm máu dương tính với HIV...”.
“Thời gian trôi qua cũng đã mười mấy năm. Lúc đó, tôi cứ nghĩ là xét nghiệm có gì đó nhầm lẫn vì đời sống, quan hệ của tôi từ trước đến nay đều trong sạch. Vì thế, tôi đã đi xét nghiệm lại nhưng đều cho chung một kết quả. Sau đó, tôi mới biết một trong những bệnh nhân tôi lấy máu trước đó bị HIV. Trong lần lấy máu đó, tôi đã không cẩn thận để máu bắn vào niêm mạc đang bị thương nên mới để lại hậu quả như vậy. Nếu lúc đó tôi dùng thuốc chống phơi nhiễm HIV thì có thể giảm được nguy cơ lây nhiễm, nhưng vì quá chủ quan lại không nghĩ người đó bị HIV nên tôi đã không kiểm tra lại”. Cũng theo anh T., lúc đó, anh còn rất trẻ, mới chỉ 31 tuổi, lại vừa mới cưới vợ. Anh không thể tưởng tượng nổi hạnh phúc gia đình, sự nghiệp của anh, vợ anh sẽ như thế nào? Điều đó làm anh khẽ rùng mình hoảng sợ.
Bồi hồi trong những ngày tháng nghiệt ngã của cuộc đời mình, chị Đ.M.L. (vợ anh T.) tiếp lời: “Kể từ khi biết mình bị nhiễm HIV, mặt mũi anh phờ phạc, tôi thường xuyên bắt gặp anh ngồi thừ người ra, trầm tính và ít nói hơn. Rồi kể từ đây, đời sống sinh hoạt của vợ chồng tôi cũng thay đổi. Cứ mỗi lần tôi muốn gần gũi bên anh thì anh lại tránh xa. Lúc đó, tôi vừa buồn vừa phát cáu lên vì chúng tôi kết hôn với nhau chưa được bao lâu, lại chưa có con nữa. Cuộc sống gia đình của hai vợ chồng khoảng thời gian đó đã rất căng thẳng...”.
Bản thân là một bác sỹ, anh biết hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng nếu vợ anh không biết sự thật. Thế là anh đã quyết định kể toàn bộ sự thật, đưa giấy xét nghiệm cho chị L. xem và mong muốn giải thoát cho chị đi tìm hạnh phúc mới. Chị L. tâm sự: “Tôi quá bất ngờ và dường như không tin vào mắt mình nữa, bởi một bác sỹ như anh lại bị nhiễm HIV. Tôi đã đến bệnh viện để hỏi lại tình trạng của anh,... Lúc đó, anh đã viết giấy ly hôn sẵn và chỉ chờ tôi ký tên. Chúng tôi đã không nói chuyện với nhau mấy ngày liền, bởi tôi cần thời gian suy nghĩ và chấp nhận sự thật này”.
Anh T. cho rằng, không phải ai bị nhiễm HIV đều là xấu xa và có quá khứ tồi tệ.
Tình yêu bất diệt quật ngã HIV
Anh T. nói ra toàn bộ sự thật cũng là muốn giải thoát cho chị L. đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng với tình cảm vun đắp bấy lâu nay, với tình nghĩa của người vợ có chồng bị bệnh, chị đã không bỏ rơi anh mà vẫn tiếp tục bên anh bước tiếp quãng đời còn lại. Bồi hồi trong cảm xúc, chị L. chia sẻ thêm: “Thấy tôi vẫn chưa ký vào giấy ly hôn, anh đã đến tận nhà bố mẹ đẻ của tôi kể toàn bộ sự thật và muốn họ đến rước con gái về đi tìm hạnh phúc khác”. Tuy nhiên, cô gái trẻ lúc đó đã bất chấp lời khuyên bảo của bố mẹ, vẫn quyết theo anh và nguyện chăm sóc cho anh suốt cả cuộc đời. Bởi, cô biết rằng, sẽ không ai yêu cô, chân thành với cô như tình yêu của anh.
Ngày chị L. không nghe lời mẹ, cũng là lúc mọi người có ánh mắt dị nghị, né tránh vợ chồng anh. Cuộc sống của anh chị vô cùng khó khăn khi đi đến đâu cũng bị hắt hủi, lánh xa. Chị L. tâm sự: “Lúc trước nhà tôi ở Bình Thạnh, khi tôi đi ra ngoài, gặp người lạ thì thôi, chứ nếu gặp người quen là y rằng người ta nhìn với ánh mắt kỳ thị, chỉ trỏ cả tôi rồi truyền tai nhau từ người này qua người kia. Có người thông cảm nhưng họ vẫn tỏ một thái độ dè chừng, tránh xa. Bất quá, chúng tôi phải bán nhà ở đó và chuyển đến đây sinh sống. Mặc dù, đời sống không cao nhưng không gian dân dã, bình dị, mọi người nơi đây thân thiện làm chúng tôi thấy thoải mái hơn”.
Tại ngôi nhà nhỏ ở Hóc Môn, họ rau cháo nuôi nhau trong niềm hạnh phúc bình dị. Họ mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ, trồng những cây xanh tỏa mát không gian. Trải qua bao hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời, anh T. bộc bạch: “Tuổi tôi chưa già lắm nhưng cũng không còn trẻ, nhưng những gì đã trải qua trong cuộc đời này cũng đã đủ cho tôi hiểu được rằng, cuộc đời này như một chớp mắt và hạnh phúc là những khoảnh khắc trong đó. Tôi mang trong mình căn bệnh thế kỷ, nhưng nhìn tôi không ai nói là tôi bị bệnh. Bởi, tôi vẫn luôn lạc quan và trân trọng những phút giây đang sống trong cuộc đời này”.
Muốn nhận con nuôi cùng cảnh ngộ
Nhìn người vợ của mình đầy trìu mến, anh T. giãi bày thêm: “Nếu ngày đó vợ tôi rời xa tôi thì chắc có lẽ tôi đã rất tệ hại chứ không có được cuộc sống như ngày hôm nay. Nhưng cô ấy đã chọn ở bên tôi, động viên tôi, cùng tôi bước tiếp trong cuộc đời này”. Câu chuyện tưởng chừng như chỉ có trong phim ảnh, tiểu thuyết nhưng thực sự nó đã hiện hữu giữa cuộc đời thực, như sự kết tinh của tình yêu và nghị lực phi thường trong cuộc đời.
Thời gian thấm thoát cũng đã mười hai năm trôi qua. Thật may là với kiến thức y học, đời sống lành mạnh cũng như anh biết tự bảo vệ mình để cơ thể không bị vi rút HIV quật ngã. Theo anh, điều quan trọng giúp anh có nghị lực đánh bại HIV ngoài đời sống lành mạnh ra, thì quan trọng nhất vẫn là sự ấm áp của tình thương. Nhờ vậy, hiện nay sức khỏe của anh ngày càng tốt hơn.
Hiện nay, vợ chồng anh vẫn chưa có con, anh dự định sẽ đến bệnh viện nhận một, hai đứa trẻ bị bỏ rơi về nuôi. Anh T. bảo: “Sau này lỡ tôi có chết đi thì cô ấy cũng có người con bầu bạn, nương tựa vào nhau đỡ đần tuổi già. Là một bác sỹ nên tôi hiểu cách phòng tránh như thế nào cho an toàn. Nếu được bệnh viện đồng ý, tôi sẽ nhận đứa trẻ lành lặn về nuôi còn không thì sẽ nhận nuôi đứa trẻ vô tình mang căn bệnh như tôi để giúp chúng có được tình thương của một mái ấm gia đình thực sự”.
Không phải ai nhiễm HIV đều có quá khứ tồi tệ
Không chỉ chăm sóc cuộc sống mình thật tốt, vợ chồng anh T. cũng thường xuyên tới thăm mái ấm của những người bị nhiễm HIV bị mọi người kỳ thị nằm trên đường Võ Văn Bích (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) để động viên, an ủi họ. Bởi từ chính câu chuyện của mình, anh thấy rằng, không phải ai bị nhiễm HIV đều là xấu xa và có quá khứ tồi tệ. Cho nên, mọi người hãy mở rộng tấm lòng hơn, đừng nên quá kỳ thị. Bởi điều tốt nhất cho người bị nhiễm HIV chính là sự thân thiện và tình người ấm áp. |
Theo Người Đưa Tin