Nguyên nhân hỏa hoạn được nhận định là do chập điện.
Sau vụ hỏa hoạn làm 5 người chết xảy ra ở Đồng Nai, giám đốc Sở cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai cho rằng do tin báo đến muộn nhưng nhiều người chứng kiến cho rằng, xe chữa cháy đến chậm, lại thiếu nước nên thảm họa mới xảy ra.
Như đã đưa tin, khoảng 19h30 ngày 22/12 tại tiệm may, bọc yên xe Phong Phú trên đường Phan Đình Phùng, phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã xảy ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng khiến 5 người thiệt mạng.
Nhiều người chứng kiến đám cháy cho biết, sau khi phát hiện đám cháy họ đã lập tức gọi điện thoại cho lực lượng cứu hỏa.
Và mặc dù trung tâm chữa cháy của công an tỉnh Đồng Nai chỉ cách hiện trường khoảng 4 cây số, thế nhưng gần 1 tiếng đồng hồ sau xe chữa cháy mới đến hiện trường.
Người dân khẳng định, nếu lực lượng này đến sớm hơn, có thể sẽ cứu được 5 người ra khỏi biển lửa.
Không chỉ đến chậm, xe chữa cháy của lực lượng này còn vướng phải một lỗi chết người khác trong công tác chữa cháy, đó là …thiếu nước.
Một người dân bức xúc cho biết thêm: “Lửa cháy to thế mà vòi rồng của họ chỉ tưới được một lúc thì hết…nước.”
Trong khi đó, Đại tá Võ Văn Sáng, Giám đốc Sở PCCC tỉnh Đồng Nai khẳng định: "Cảnh sát đã điều động lực lượng tiếp cận hiện trường chỉ trong vòng 9-10 phút".
Theo đại tá Sáng, lúc 19h21 ngày 22/12, Sở nhận tin báo của người dân về việc căn nhà của ông Trần Văn Bê trên đường Phan Đình Phùng đang xảy ra hoả hoạn. Lập tức hai xe chữa cháy đã được lệnh đến hiện trường. Khoảng 10 phút sau, hai xe chữa cháy đã có mặt ở khu vực nhà ông Bê, triển khai dập lửa.
"Do đám cháy bộc phát từ trước nên khi chúng tôi có mặt lửa đã bao trùm lên nhà. Lúc này chúng tôi mới nhận được tin có người kẹt bên trong, căn nhà bình thường có rất đông người ở. Số lượng người mắc kẹt khi được báo là 3, người lại bảo là 5", ông Sáng cho hay.
Sở tiếp tục điều động thêm một xe cứu nạn, một xe cứu thương và 3 xe chữa cháy khác đến hiện trường. Tuy nhiên, do sức nóng của lửa nên cảnh sát phải tiến hành làm lạnh, sang nhà kế bên đục tường cho khói thoát ra ngoài.
Có mặt sau 10 phút, cảnh sát đã dập tắt đám cháy và tìm thấy 4 người chết tại chỗ, một người khác đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
"Tôi cho rằng việc thực hiện chữa cháy là đúng quy trình. Việc chết người là do căn nhà chứa nhiều chất dễ cháy khiến lửa bùng phát nhanh. Trong khi đó việc báo tin cháy về chúng tôi quá chậm", ông Sáng khẳng định.
Nhận định ban đầu, Sở Cảnh sát PCCC Đồng Nai cho rằng nguyên nhân cháy là do chập điện tại khu vực kinh doanh nệm mút xốp (phòng ngoài của tầng trệt).
Theo đại tá Sáng, phương tiện chữa cháy của Sở hiện không thua kém các tỉnh khác và vụ cháy này cũng là tai nạn cháy nổ gây hậu quả thương tâm nhất trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
"Chúng tôi đã tiếp cận nhanh, cố gắng làm hết sức mình nhưng không thể cứu người", đại tá Sáng nói.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên khiến cho người dân bức xúc về cách làm việc của cảnh sát PCCC. Vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương rạng sáng 15/9 gây thiệt hại 500 tỷ đồng là một điển hình, nhiều hộ kinh doanh đã yêu cầu làm rõ sự tắc trách của lực lượng cảnh sát PCCC.
Ông Tăng Thế Viễn - hộ kinh doanh trong TTTM Hải Dương cho biết: “Đám cháy được chúng tôi phát hiện, báo cho cảnh sát PCCC từ lúc hơn 1h sáng, nhưng gần 2 tiếng sau cảnh sát PCCC mới có mặt. Chỉ có 2 xe chữa cháy đến (trong đó có 1 xe hỏng, không phun được giọt nước nào).
Suốt thời gian sau đó, các máy bơm nước nhỏ giọt chẳng thể ngăn chặn được đám cháy. Chỉ khoảng 1 giờ sau, khi lực lượng chữa cháy của tỉnh Hưng Yên và một số doanh nghiệp tới hiện trường, họ phun nước đến đâu là dập tắt lửa được ở đó. Giá mà lực lượng PCCC ở Hải Dương được như ở Hưng Yên thì có lẽ hậu quả không nghiêm trọng đến thế này.”
Ông Nguyễn Tuấn Độ, chủ kinh doanh đồ lễ, 77 tuổi, đặt câu hỏi: “Trung tâm thương mại nằm tách biệt với khu dân cư, có nhiều đường vào thông thoáng, có sông trước mặt, có hồ bên cạnh, tại sao lại cứu hỏa không thể cứu được? Chúng tôi đề nghị được biết rõ thời điểm bắt đầu cháy, tổ bảo vệ đang làm gì, tại sao lực lượng cứu hỏa vừa mỏng, vừa thiếu trang bị như vậy?”.
Nhưng Công an PCCC Hải Dương lại cho rằng, Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Hải Dương nhận được tin báo về vụ cháy vào lúc 3h25. Trực ban Phòng Cảnh sát PCCC không nhận được một thông tin nào báo cháy như người dân đã nói, bởi trên thực tế các cuộc điện thoại gọi đến đều được lưu trong hệ thống của lực lượng phòng cháy.
Đại tá Phạm Văn Loan, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cho biết thêm, vào thời điểm lực lượng Công an tỉnh Hải Dương có mặt tại hiện trường thì ngọn lửa đã bắt đầu bén lên tầng hai của Trung tâm thương mại.
Vì thế, Công an tỉnh Hải Dương đã phải trưng dụng thêm xe chữa cháy của Công ty nhiệt điện Phả Lại; Công ty xi măng Hoàng Thạch và Công ty xăng dầu 132… sau đó thì huy động thêm 5 xe chữa cháy của Công an tỉnh Hưng Yên.
Tổng số xe phương tiện tham gia là 16 xe ôtô cùng gần 300 cán bộ, chiến sỹ đã có mặt tại nơi xảy ra vụ cháy vừa làm công tác chữa cháy, vừa bảo vệ hiện trường và đảm bảo an toàn cho tính mạng của người dân.
Theo Baodatviet.vn