Ông Nguyễn Phúc Châu - em ruột liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọc (ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) - chia sẻ trong buổi đón nhận kết quả giám định ADN đúng từ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam cuối tuần vừa qua.
Ông Châu cho biết, anh trai ông tham gia kháng chiến chống Mỹ và đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Ông Châu và gia đình đã 10 lần đi tìm hài cốt của các anh trong suốt mấy chục năm qua, hỏi thăm từ Bắc vào Nam, chỉ cần nghe có chút tung tích gì có liên quan là gia đình ông lại hi vọng.
Một người mẹ quá xúc động khi được đón con trở về bên mình
“Gặp ai cùng đơn vị hoặc biết đơn vị của anh tôi đều hỏi thăm, gia đình tôi đi tìm mãi và may mắn biết được người đồng đội đã chôn cất anh tôi ngày đó hiện vẫn còn sống ở quê Bắc Giang. Từ những thông tin quý báu của ân nhân, gia đình tôi tìm đến Đồn Biên phòng Long An thì bất ngờ thấy tên liệt sỹ là anh tôi được ghi lại và có cả tên của bố mẹ tôi nữa.
Nghĩa trang liệt sỹ Long An lúc đó đang được tu sửa nên các phần mộ của liệt sỹ được nhấc lên cao, được sự đồng ý của cơ quan quản lý, gia đình tôi đã mở phần mộ được cho là của anh trai tôi ra để xem và đã nhận ra đặc điểm riêng là 2 chiếc răng vàng của anh tôi lúc còn sống đã có. Vui mừng khôn xiết, ai cũng khóc! Gia đình tôi được phép đón anh về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ của quê hương” - ông Châu kể lại.
Sau khi đưa hài cốt liệt sỹ Ngọc về an táng tại nghĩa trang Hương Sơn, để chắn chắn 100% đó là người thân của mình, gia đình ông Châu lại tiếp tục đem sinh phẩm của liệt sỹ Ngọc đi xét nghiệm ADN. Đến ngày 21/12 vừa qua, gia đình ông Châu đã được Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam trao lại kết quả xác nhận ADN đúng.
“Gần nửa thế kỷ qua mẹ đã khóc, bữa cơm nào cũng nhắc tên, cái Tết nào cũng buồn nhớ, đêm đêm mẹ lại giở ảnh các con ra xem! Tìm được hài cốt của con và nhận kết quả ADN đúng mà mẹ như vỡ òa, mẹ đã an lòng. Mẹ tôi cứ khóc và nói rằng thật may mắn khi vẫn còn sống để được đón các con trở về nhà sum họp…” - ông Châu trải lòng.
Một trường hợp khác khi nhắc đến ai cũng rưng rưng niềm xúc động bởi họ đã đi tìm, thực hiện xét nghiệm ADN hài cốt người thân của mình và giúp một gia đình khác.
Ông Nguyễn Khắc Lập - con của liệt sỹ Nguyễn Văn Nại (ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) - chia sẻ: “Bố tôi vào Nam đánh Mỹ lúc tôi còn rất nhỏ, sau nhiều năm dài xông pha trên chiến trường bố tôi đã được thưởng 1 lần phép về thăm nhà. Sau khi trở lại chiến trường, trong một trận chiến, bố tôi đã hy sinh ở Tiền Giang. Vậy là lần đầu về phép cũng là lần cuối cùng bố con tôi được gặp nhau, lần cuối cùng bố tôi cùng ăn cơm với gia đình. Năm 2005, mẹ tôi mất. Mẹ tôi ra đi mang theo nỗi buồn mòn mỏi vì sau rất nhiều năm đi tìm hài cốt của chồng không thấy...”.
Theo ông Lập, sau mấy chục năm tìm kiếm, đến tháng 6/2013, nhờ có sơ đồ mộ chí nên gia đình ông Lập đã tìm được địa chỉ nơi chôn cất cha năm xưa. Tuy nhiên, khi quy tập thì lại thấy có 2 bộ hài cốt cùng 1 vị trí, vì thế gia đình ông Lập đưa cả 2 bộ lên và đem mẫu sinh phẩm đi xét nghiệm ADN.
Kết quả cơ quan chức năng báo về cho thấy, một bộ hài cốt đúng là của cha ông Lập - liệt sỹ Nguyễn Văn Nại và bộ còn lại là của liệt sỹ Nguyễn Bá Thông (ở xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Vì rất hiểu nỗi đau xót của những gia đình liệt sỹ đi tìm người thân nên ông Lập đã nhanh chóng tìm mọi cách liên lạc và báo tin về cho gia đình liệt sỹ Thông để họ có thể sớm đưa người thân của mình về quê an táng.
Trong đợt trao kết quả giám định ADN đúng lần thứ 21 của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam hôm 21/12 diễn ra tại Hà Nội, có 21 gia đình ở 15 tỉnh, thành phố được đón nhận mẫu ADN của liệt sỹ. 21 liệt sỹ bao gồm: Liệt sỹ Nguyễn Văn Nại (Thái Bình), Nguyễn Công Khoa (Hà Nội), Vũ Văn Bép (Hải Dương), Nguyễn Công Minh (Biên Hòa), Trần Văn Thi (Thái Nguyên), Nguyễn Sỹ Vinh (Thanh Hóa), Phạm Thiêt Kế (Quảng Nam - Đà Nẵng), Lưu Đức Hạnh (Hưng Yên), Mai Văn Được (Thanh Hóa), Hà Quang Hân (Bắc Kạn), Lâm Quang Lành (Hậu Giang), Đỗ Văn Tám (Ninh Bình), Lưu Thái Hùng (Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Ngọc (Hà Nội), Nguyễn Khắc Ban (Thái Bình), Trần Duy Loan (Thái Bình), Nguyễn Ngọc Khảm (Nam Định), Đỗ Văn Toàn (Yên Bái), Trần Văn Hệ (Thanh Hóa), Nguyễn Bá Thông (Hưng Yên) và Đặng Ngọc Lý (Bắc Giang). Được biết, từ năm 2011 đến nay, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam đã tư vấn, tiếp nhận và gửi đi giám định 378 mẫu sinh phẩm tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho kết quả 359 mẫu, trong đó có 271 mẫu đúng. Hội này đã 20 lần trao kết quả giám định AND đúng cho gia đình các liệt sỹ. |
Theo Dân trí