Nước mắt của người chuyển giới - Kỳ 1: Ngậm đắng nuốt cay để 'lộ diện'

Thứ ba, 24/12/2013, 08:41
Hành trình mưu sinh của những người chuyển giới vẫn còn lắm gian truân, tủi cực. Cho dù trải qua nhiều công việc, không ít người vẫn thấy mình đang đứng chênh vênh bên lề cuộc đời, bởi sự kỳ thị và những rào cản vô hình hoặc hữu hình…


Một người chuyển giới có tên là Yuki phụ bán báo với mẹ

Đối với người chuyển giới, hạnh phúc lớn lao là được “come out” (lộ diện) - "Được là chính mình". Nhưng, đi kèm với niềm sung sướng ngất ngây ấy thường là sự thử thách và thiệt thòi đeo đẳng.

Mặc cảm ngay trong nhà mình

Trong ngôi nhà cất tạm trên mảnh đất thuê ở quận 7, TP.HCM, Cát Thy - 22 tuổi, một người chuyển giới từ nam sang nữ (male to female- MTF) sống cùng đại gia đình với hơn 20 nhân khẩu. Cha Cát Thy buôn bán phế liệu, còn mẹ ở nhà nội trợ. Từ khi hoàn toàn lộ diện (cách đây hơn 5 năm) cho đến nay, Cát Thy và nhóm bạn chuyển giới lập một nhóm hát - xiếc, phục vụ cho những đám ma, đám tiệc tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác.


Người chuyển giới gặp nhiều khó khăn về việc làm - Ảnh: N.L

Cát Thy nhớ lại: “Khoảng năm học lớp 1, lớp 2, tôi đã cảm nhận giới tính thật sự của mình. Năm lên 9 - 10 tuổi, tôi thích mặc đồ con gái, chơi với con gái và có cảm tình với con trai. Lúc đó, gia đình tôi phản ứng rất gay gắt. Mẹ tôi hăm he, giận dỗi: “Nếu mày cứ như vậy, tao sẽ bỏ mày luôn!”.

Dẫu vậy, đến năm 15 tuổi, Cát Thy quyết định “lột xác” hoàn toàn để trở thành một cô gái bằng việc mặc đồ, trang điểm cho đến việc can thiệp từ một số loại thuốc. Để được trở thành con người như mình mong muốn, Cát Thy phải trốn nhà đi theo đoàn hát lô tô xuống tận Đồng Tháp, rồi phiêu dạt qua nhiều tỉnh miền Tây.

Sau 5 tháng thấy con mình biệt tích, ba mẹ của Cát Thy ruột gan rối bời. Qua thăm dò người quen, Cát Thy mới dám gọi điện thoại về nhà trình bày. Trong hoàn cảnh đó, người mẹ đành chấp nhận sự thực về đứa con trai của mình.

Thế nhưng, theo Cát Thy, một số người chị của cô đến bây giờ vẫn còn gay gắt, miệt thị Cát Thy cùng nhóm bạn. Họ hay mỉa mai: “Cái thứ bóng của tụi bây!”, “Cuộc sống của tụi bây không có con, tuyệt dòng tuyệt giống”... Vậy nên, dù thường xuyên đi đây đi đó biểu diễn, song ngay tại ngôi nhà mình, Cát Thy vẫn mang nặng mặc cảm. Cô cho hay, mỗi khi trong nhà có khách lạ đến thăm, cô thường trốn biệt trong phòng.

“Vì khao khát, mơ ước làm con gái nên bao nhiêu đau đớn tôi đều chịu, ngay cả khi chết cũng muốn chết trong thân phận là người phụ nữ”, Cát Thy tâm sự.

Từng tự tử, đi tu…

"Vì khao khát, mơ ước làm con gái nên bao nhiêu đau đớn tôi đều chịu, ngay cả khi chết cũng muốn chết trong thân phận là người phụ nữ".

Cát Thy, một người chuyển giới

Cũng như Cát Thy, Jessica (27 tuổi, tên thật là Nguyễn Hữu Toàn, chuyên viên trang điểm tại quận 6, TP.HCM) không nhận được sự thấu cảm trong gia đình thuở mới lộ diện.

Jessica kể: “Khi ba mẹ biết tôi có ý định chuyển giới đã gọi tôi là quái dị, biến thái. Mẹ bắt tôi phải vào bệnh viện kiểm tra hoóc môn. Bác sĩ hỏi mắc bệnh gì sao phải kiểm tra thì mẹ bảo: “Nó mắc bệnh pê đê”. Cha tôi thì thì mê tín, kêu thầy bùa, thầy ngãi về chữa trị cho tôi. Tôi chịu không nổi áp lực, đã phải dọn ra ngoài sống”.

Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên Online, Jessica cho biết, ở lứa tuổi 20 là lúc cô cảm thấy bế tắc nhất, với nhiều âu lo hội tụ: cảm thấy cuộc sống tự lập đầy khó khăn; khó kiếm công ăn việc làm; gia đình không chấp nhận và bạn bè tẩy chay.

Cô từng tìm đến cái chết với ý định kết liễu cuộc đời “thân sâu, hồn bướm” đầy nghiệt ngã, nhưng đã được cứu sống kịp thời. “Tỉnh dậy, tôi cạo đầu xin đi tu nhưng nhà chùa không chấp nhận. Nhớ những lời sư cô khuyên nhủ, tôi ra đời và bắt đầu gầy dựng lại từ từ”, Jessica nói.


Một người chuyển giới có tên là Yuki đang bán báo cho khách

Trong khi đó, Yuki (20 tuổi, tên thật là Thanh Tùng, ngụ tại quận Phú Nhuận TP.HCM) tự nhận mình may mắn hơn những người khác vì có được sự cảm thông từ mẹ. Một buổi sáng cuối năm, chúng tôi gặp Yuki đang phụ mẹ bán báo trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Phú Nhuận. Mái tóc vàng rực rỡ, đôi môi đỏ tươi, chiếc áo thun xanh càng khiến Yuki nổi bật bên quầy báo.

“Ở khu này, ai cũng biết em chuyển giới. Chỉ ngại những người chưa biết thì hay kỳ thị. Ban đầu họ tò mò nhìn em, rồi góp ý với mẹ rằng sao lại để pê đê ra chỗ buôn bán như vậy!”, Yuki bộc bạch.

A.M, 20 tuổi, làm nghề tự do tại TP.HCM cho biết, khá nhiều người chuyển giới trong nhóm của cô không muốn ra đường ban ngày vì né tránh những ánh mắt kỳ thị, dòm ngó. Ngày qua ngày, họ thường lặp đi lặp lại một chu trình khép kín, cô lập: Ban ngày ngủ trong nhà, tối đến mới trang điểm ra ngoài, tụ tập nhau ở công viên, bờ kè để chơi, khi có khách thì đi “làm gái”.

Hầu hết người chuyển giới càng nếm trải cảm giác phân biệt đối xử rõ rệt hơn khi bước vào hành trình đi xin việc làm “trần ai khoai củ”.

Tử vong do tự tiêm hoóc môn nữ

Theo một số người trong cuộc, chi phí họ tốn cho những ca giải phẫu chuyển giới ở nước ngoài bình quân là khoảng 10.000 - 12.000 USD, mức thấp hơn là 4.000 - 6.000 USD. Trong khi đó, chi phí chích hoóc môn (nhập từ Thái Lan) có giá từ 120.000- 200.000 đồng/2 ống/tuần.

Việc người chuyển giới thường xuyên tự mua và chích hoóc môn, bơm silicon mà không có sự quan tâm, tư vấn của chuyên gia y tế đã dẫn đến những hệ lụy khó lường. Giữa tháng 10/2013, một người chuyển giới từ nam sang nữ tên là B.H (53 tuổi, ngụ tại TP.HCM) trong khi tự tiêm hoóc môn đã bị nghẽn mạch máu, đột quỵ và tử vong sau đó, để lại người mẹ già trên 90 tuổi không ai chăm sóc.

Trích kết quả khảo sát ”Việc làm của người chuyển giới nữ: Thực trạng và thách thức”, do nhóm tác giả thuộc Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện

(còn tiếp)

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn