“... Tôi lại càng phản đối việc tìm kiếm bằng tâm linh. Nhưng đến bây giờ, khi em tôi được đưa về, được xác nhận kết quả xét nghiệm ADN trùng khớp, thì tôi không tin cũng phải tin”, ông Tình bắt đầu câu chuyện với tôi ở đền thờ của dòng họ Cung của mình.
Tiếp chúng tôi trong nhà thờ họ, ông Cung Xuân Tình, năm nay đã bước sang tuổi 74, tóc đã bạc trắng nhưng vẫn ánh lên vẻ cường tráng, mạnh khỏe của một người chiến sĩ cách mạng vào sinh ra tử một thời rồi trở thành một lão nông chân chất kể từ sau thời bình, ông quả quyết, nếu không có bản xét nghiệm ADN có lẽ ông sẽ không tin hài cốt của đứa em trai cùng cha khác mẹ với mình đã được tìm thấy.
Cũng nhờ giấy báo tử mà gia đình biết là liệt sỹ Cung Văn Chiến nhập ngũ vào tháng 4/1966, chức vụ hạ sĩ, đơn vị chiến đấu C1D1-KT, hy sinh ngày 07/3/1969. Hỏi tên đơn vị C1D1-KT thì không một ai biết, và lại càng không ai biết liệt sỹ Cung Văn Chiến hy sinh ở đâu, trong trận đánh nào, được chôn cất ở đâu.
“Mà ngay cái chuyện em trai tôi hy sinh cũng là một nhầm lẫn hy hữu, bởi giấy báo tử người ta gửi về cho gia đình không phải là Cung Văn Chiến mà là Cung Văn Toán, anh trai của liệt sỹ Cung Văn Chiến, tức là con đầu của cụ Nguyễn Thị Gái. Thằng Chiến với thằng Toán lúc đấy đều đang tham gia chiến đấu ngoài chiến trường. Lúc nhận giấy báo tử ghi tên thằng Toán nên chúng tôi ngỡ là thằng Toán hy sinh chứ không phải Chiến, gia đình và địa phương đã làm lễ truy điệu thằng Toán hẳn hoi, mà sau này mới biết là nó vẫn còn sống”, ông Tình kể với tôi.
Câu chuyện của ông Cung Xuân Tính kể cho chúng tôi mỗi lúc một… kỳ lạ, nên tôi mới xin ông Tình sang gặp trực tiếp ông Cung Văn Toán, ở cùng thôn Yên Lâm, cách nhà ông Tình vài trăm bước chân. Tại nhà ông Toán, chúng tôi gặp cả cụ Nguyễn Thị Gái, tính năm nay là ngót nghét 90 tuổi, nhưng mắt vẫn tinh, tay chân vẫn cứng cáp, đi lại bình thường. Chỉ có điều cụ đã hơi lẫn, nên khi tôi thử hỏi cụ có mấy người con thì cụ cũng không nhớ. Nhưng khi gặp cậu con trai út Cung Văn Tám, lập tức bà trả lời: "8 đứa, thằng Tám của mẹ đây nè".
Ông Cung Văn Toán, năm nay đã 67 tuổi, lần giở ký ức của mình bằng những kỷ vật chiến công: đó là huân chương chiến sĩ giải phóng hạng nhì do cố đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao tặng ngày 1 tháng 12 năm 1975 và Huân chương kháng chiến hạng ba cấp ngày 15 tháng 8 năm 1985 do cố chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký.
“Hồi đó bị trúng pháo của địch, sức ép của pháo làm tôi ngất lịm, khiến đồng đội tưởng tôi chết rồi. Khi người ta hạ xuống huyệt chôn thì tôi mới tỉnh lại và được cứu sống. Sau đó vẫn tiếp tục tham gia chiến đấu, mãi đến năm 1974 mới xuất ngũ trở về quê hương”, ông Toán bồi hồi nhớ lại. Mãi đến năm 1982, ông Toán mới lập gia đình, đến nay có 3 người con trai, hiện đều đã đi làm.
Lại nói, câu chuyện ông Toán từ cõi chết trở về khiến gia đình, dòng họ vui mừng bao nhiêu thì sự trăn trở, tìm kiếm hài cốt của liệt sỹ Cung Văn Chiến cũng nhiều bấy nhiêu. Có điều, tìm ở đâu khi một thông tin về nơi hy sinh, nơi chôn cất của liệt sỹ đều không có. Không một bức ảnh, không một dòng thư liên lạc của liệt sỹ còn lại để gia đình tìm kiếm.
Ông Tình bảo ông là người phản đối cực kỳ chuyện anh con trai út Cung Văn Tám đề nghị tìm hài cốt của liệt sỹ Cung Văn Chiến bằng cách nhờ đến nhà ngoại cảm. “Nếu em tôi đang nằm ở đâu đó trên mảnh đất quê hương Việt Nam này, dù là vô danh nhưng được an táng đàng hoàng, còn tốt hơn là đưa một hài cốt về bằng tâm linh, mà chính mình cũng không biết có thực là em trai mình không thì còn có tội hơn. Thà cứ để em ở yên nơi nào đó, để trong kỷ niệm, ký ức của em mình vẫn tốt đẹp, hơn là đưa em về chỉ bằng niềm tin”, ông Tình bảo.
“Tôi nhớ năm 2006, phải hên lắm thì Bích Hằng mới đồng ý tìm giúp hài cốt của anh tôi, bởi nguyên tắc của Bích Hằng, muốn tìm liệt sỹ thì phải có di ảnh của liệt sỹ, trong khi trong tay tôi không có bất kỳ thứ gì. Tôi nhờ Bích Hằng vậy thôi, chứ trong đầu cũng không tin sẽ có một ngày tìm được. Vậy mà tháng 6/2008, chị Hằng gọi cho tôi, thông báo đã tìm thấy, chỉ đích danh là anh tôi đang nằm ở khu mộ chưa có tên, vị trí số 10, hàng 11, khu B, nghĩa trang liệt sĩ huyện Mộc Hóa (nay là thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An”, anh út Tám, hiện là Chi cục trưởng thi hành án huyện Quế Võ, nói về câu chuyện tìm kiếm hài cốt của anh mình với tôi, bằng một sự hồ hởi về một câu chuyện “thần bí nói không ai tin”.
PV Dân trí đã tìm gặp bà Phan Thị Bích Hằng, cán bộ Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người để xác thực câu chuyện về liệt sỹ Cung Văn Chiến vừa được gia đình họ Cung ở xã Bằng An, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh tìm thấy sau 44 năm thất lạc. Bà Bích Hằng xác nhận, năm 2006 bà nhận được đề nghị tìm hài cốt của anh trai mình của ông Cung Văn Tám. “Hồi đó, thương anh Tám 12h đêm vẫn ngồi đợi tôi ở cổng nhà đề nghị tôi tìm giúp hài cốt của anh trai nên tôi mới nhận, dù anh Tám không có di ảnh của anh trai. Tôi bảo anh phải đưa ảnh của bố là cụ Cung Văn Tính để làm cầu nối tìm giúp cho anh”, bà Bích Hằng nhớ lại.
“Chính xác là tháng 3/2008, liệt sỹ Cung Văn Chiến đã “liên lạc” với tôi và chỉ nơi mà liệt sỹ đang nằm là ở nghĩa trang Mộc Hóa, nay là thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An nhưng do lúc đó nhiều hồ sơ quá nên tôi trả kết quả chậm cho gia đình mất 3 tháng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà gia đình chưa tin về kết quả đó. Đối với tôi việc tìm kiếm bằng tâm linh giúp các thân nhân gia đình liệt sỹ là hoàn toàn thiện nguyện, khi có kết quả thì tôi trả kết quả, còn gia đình có tin kết quả hay không thì tùy họ. Tôi đặc biệt khuyến khích các gia đình nên xét nghiệm ADN vì bất cứ lĩnh vực khoa học nào cũng có sai số, không chính xác. Giờ tôi cũng vừa biết là sau 5 năm kể từ khi tôi trả kết quả, gia đình đã tìm thấy, và mừng nhất là giám định ADN đã chuẩn xác. Niềm vui của gia đình cũng chính là niềm vui của tôi đối với lĩnh vực khoa học tâm linh mà hoàn toàn thiện nguyện này”, bà Bích Hằng khẳng định. |