Trong số 8 ứng viên công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM (sau đó bình chọn thành 6), cậu bé 12 tuổi Nguyễn Dương Kim Hảo nhỏ tuổi nhất. Sau giờ học ở trường, Hảo lại lên lớp học tiếp với các anh chị sinh viên và còn được phân công làm trưởng nhóm.
Tuổi nhỏ, Hảo đã kịp “sưu tập” kha khá huy chương, giấy khen, từ cấp trường đến quốc gia và các nước châu Á.
Phát minh vì gia đình
Căn hộ tập thể nhỏ ở chung cư Nghĩa Phát (Q.Tân Bình, TP.HCM) xếp đầy hàng, còn lại là đồ điện tử của Hảo. Đó là căn nhà của dì ruột mà Hảo và mẹ ở “ké”, sau khi chuyển từ xã vùng xa Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) lên. Lớp 4, Hảo đạt giải Ba toàn quốc về tin học. Các thành viên ở Thành đoàn TP.HCM mới động viên cho Hảo lên thành phố học. Đắn đo mãi, mẹ mới dìu dắt cậu con trai út lên ở với dì.
Nhà của Hảo đầy các linh kiện điện tử phục vụ cho sở thích của cậu bé. |
“Những phát minh của em nảy sinh ý tưởng từ chính nhu cầu cuộc sống khó khăn của ba mẹ, anh chị trong công việc”, cậu bé nói.
Ở quê, Hảo phải đi hàng chục cây số lên thành phố để ngồi trong thư viện đọc sách tin học, tìm mua các loại linh kiện điện tử. Lên TP.HCM, cậu bé chỉ mất 10 phút ra chợ điện tử Nhật Tảo kiếm linh kiện, mày mò sáng chế.
Kể về sáng tạo đầu tiên, cậu bé rụt rè: “Phát minh ấy không hoàn thiện, giao diện lại xấu”. Đó là một phần mềm giúp giáo viên cộng điểm, tính trung bình cả năm hoặc một học kỳ cho học sinh. Ngày ấy Hảo còn ở quê, đêm nhìn cha vất vả cộng điểm cho học trò nên loay xoay tìm cách giúp. Sau 2 tuần mày mò máy tính, sản phẩm ra đời.
Sáng tạo được giải cao nhất của Hảo là bảng điều khiển thông minh giúp người sử dụng dễ dàng tắt các thiết bị điện khi đã ra ngoài nhà, xí nghiệp, công sở... Sản phẩm này đã được mang đến Triển lãm quốc tế về công nghệ, sáng chế năm 2013 tại Malaysia. Bảng điều khiển độc đáo cũng đã giúp Hảo giành 2 huy chương vàng của Malaysia và Indonesia đồng thời đoạt giải thưởng đặc biệt của Viện Sáng tạo hàn lâm Hàn Quốc.
Sản phẩm này, theo Hảo đến từ tính hay quên của mẹ. Mẹ em hay quên tắt đèn, quạt khi ra khỏi nhà. Thấy mẹ xót ruột với các hóa đơn tiền điện, Hảo nghĩ ngay đến một dụng cụ điều khiển bật, tắt thiết bị điện từ xa. Ý tưởng có từ khi ở quê nhưng phải lên thành phố, lùng mua được các “nguyên liệu” cần thiết thì sản phẩm mới ra đời.
Hảo kể thêm về sản phẩm máy tính hóa học giúp giải bài tập, tìm công thức hiệu quả: “Em thấy chị học hóa khó khăn quá, phải tra từng bảng nguyên tố, dò công thức… nên mới nghiên cứu giúp chị học nhanh hơn. Sau 6 tháng em hoàn thành, đây là công trình mà em thấy ưng ý nhất từ trước giờ. Trước đó thì có nhiều sáng chế nho nhỏ thôi”.
"Hảo có tính nhẫn nại, kiên trì. Khi làm cái gì là phải làm cho bằng được, từ ngày này qua ngày khác đến khi hoàn thành mới thôi. Nhiều lúc nhìn con mình quên ăn quên ngủ, có khi bị phỏng tay vì que hàn điện tử thì thương lắm, nhưng biết tính con nên cứ để cháu làm", chị Dương Trần Thanh Thảo, mẹ bé Hảo kể lại.
“Sinh viên” tuổi 12
Hàng ngày, sau khi học xong chương trình học lớp 7 ở trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình), tối đến Hảo lại cắp sách đi học lập trình. Đó là do từ năm 2012, khi đoạt giải nhất cuộc thi tin học trẻ toàn quốc, Hảo được trao học bổng là hai khóa học làm quen với ngôn ngữ lập trình tại Trung tâm FPT-APTECH.
Hảo nhận được rất nhiều bằng khen, huy chương cho các sáng chế của mình. |
Chị Dương Trần Thanh Thảo vẫn nhớ lời người bảo vệ ở trường nói khi hai mẹ con đến đăng ký học: “Ở nơi đây không có dạy cho con nít”. Lúc đó, cậu bé vẫn khăng khăng đòi vào học. Cuối cùng, chị phải nhờ một thầy giáo kiểm tra kiến thức của Hảo. Cậu bé trả lời các câu hỏi khá dễ dàng. Nhà trường thấy vậy mới chấp nhận cho Hảo vào học.
Vào học, thầy giáo cứ ngỡ Hảo là em của một sinh viên nào đó vào lớp chơi. Một cô giáo lại tưởng cậu bé là người lớn nhưng chậm phát triển ngoại hình. “Mới đầu em cũng hơi ngại, nhưng vài ngày thì hết. Em còn được mấy anh chị cưng chiều, hay mua nước cho uống”, Hảo kể lại.
Cậu bé có nét mặt bầu bĩnh, ngây thơ nhưng đến khi vào lớp của “người lớn” lại hết sức đĩnh đạc. Hảo học đâu hiểu đấy, thảo luận ngang ngửa với các anh chị sinh viên. Ở bài tập nhóm, giáo viên không ngần ngại giao cho Hảo chức vụ trưởng nhóm. Nhiều môn, Hảo được điểm cao tại trung tâm mình học. Học hết 2 khóa học bổng, cậu bé nằng nặc đòi mẹ cho học tiếp, dù khóa học lên đến 12 triệu.
Chị Thảo chia sẻ: “Gia đình giờ chỉ có ba cháu là lao động chính, tôi ở nhà nội trợ nhưng cháu thích nên cũng cố lo, tạo mọi điều kiện cho Hảo học tập, thực hiện đam mê của mình. Tuy nhiên, việc học kiến thức, đạo đức ở trường vẫn là quan trọng nhất. Ngoài ra, gia đình cũng hay dẫn cháu đi chơi, hay động viên cháu dành thời gian vui chơi với bạn bè để Hảo phát triển đúng với lứa tuổi của mình”.
Việc học ở trường, Hảo vẫn dành thời gian chính. Các môn Hảo đều học đều và năm nào cũng là học sinh giỏi. Ở lớp Hảo còn được bầu làm lớp trưởng, thời gian rảnh thì hay đi đá cầu với bạn. Cậu bé từ tốn nói: “Tuy nhiên cách giải trí của em chính là tìm hiểu về tin học nhất là lập trình, láp ráp các đồ điện tử. Mỗi lần được làm việc đó em thấy rất hứng thú. Nhưng giá như có bạn nào cùng đam mê với em để có bạn thì vui hơn”.
Theo Zing