|
Ngoài vùng phủ sóng
A.M, 20 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, TP.HCM là một người chuyển giới từ nam sang nữ. Trải qua nhiều công việc, hiện A.M vẫn là lao động tự do, năm thì mười họa mới có việc làm. Để có tiền chích hoóc môn nữ và chi tiêu, A.M phải vay nặng lãi triền miên. Thỉnh thoảng, A.M còn đi “làm gái”.
Bộc bạch với chúng tôi, A.M nói: “Nếu có một công việc ổn định, em thích làm nghề trang điểm như Cindy Thái Tài. Nếu được như cô ấy, em sẽ… bỏ hết thói hư tật xấu của mình”. Như nhận ra thực tế bản thân, A.M chùng giọng: “Vốn liếng em không có, nên nếu em đi học nghề trang điểm và làm tóc thì cũng sơ sài. Ước chi xã hội có cái gì hỗ trợ những người chuyển giới cầu tiến, giúp tụi em đứng lên chứ không rụt rè như lâu nay”.
Theo kết quả khảo sát ”Việc làm của người chuyển giới nữ: Thực trạng và thách thức” của nhóm tác giả thuộc Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường công bố vào cuối tháng 10.2013, có đến 35% người chuyển giới cho rằng họ “bị loại” khi đi xin việc làm bởi lý do thể hiện giới ra bên ngoài.
|
Đối với những người đã lọt qua cánh cửa xin việc, đừng vội nghĩ rằng họ may mắn! Bởi lẽ, có trên 28% người chuyển giới phản ánh họ bị ép phải thay đổi thể hiện bên ngoài tại môi trường làm việc. Hơn 23% bị đuổi việc vì bộc lộ hoặc bị phát hiện là người chuyển giới.
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương, đại diện nhóm nghiên cứu của iSEE nhận định về những người chuyển giới nữ: “Đây là nhóm sống ngoài vùng phủ sóng, không được xếp vào bất cứ nhóm xã hội nào. Đây cũng là nhóm sinh kế gặp khó khăn và dễ lâm vào tình trạng đói nghèo“ Bà Phương cho biết, các rào cản đối với cơ hội việc làm của người chuyển giới nữ khá phức tạp, là hệ quả của nhau. Tuy nhiên, chúng chủ yếu bắt nguồn từ sự kỳ thị của xã hội. |
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khẳng định họ bị đối xử không công bằng (như lương thấp hơn, điều kiện lao động tồi tệ hơn so với đồng nghiệp), bị cấp trên cũng như đồng nghiệp quấy rối tình dục, dè bỉu, trêu chọc, xa lánh….
Những trải nghiệm không mấy hay ho đó đã tác động đến người chuyển giới, khiến họ dường như co cụm hơn.
“Nói chung, bây giờ em không muốn tìm công việc gì hết nữa. Công việc nào cũng cần nam ra nam, nữ ra nữ. Em muốn có một số vốn để em tự mướn mặt bằng, tự mở một tiệm tóc nào đó, để em cho những người chung "màu áo", chung giới tính với em vô làm. Có chị có em làm nó đỡ hơn”, một người trong giới lên tiếng.
Vẫn phải sống!
Vào thời điểm quyết liệt thay hình đổi dạng từ nam sang nữ, Jessica (có người còn gọi là "chị Cà", năm nay 27 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đã không chịu nổi áp lực gia đình và dư luận. Cô từng tìm đến cái chết để chối bỏ tuổi 20 xuân sắc mà cũng đầy nghịch cảnh của mình.
Bảy năm trôi qua, Jessica bây giờ là một cô gái năng động, thường xuyên đi đây đi đó biểu diễn thời trang và tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS - an toàn tình dục.
Cô là một chuyên viên trang điểm khá nổi tiếng trong cộng đồng người chuyển giới. Hơn thế nữa, Jessica còn là đồng sở hữu kiêm quản lý một Beauty Salon trên đường Hậu Giang, quận 6, TP.HCM, chuyên về studio, áo cưới và tóc.
Chia sẻ về quãng đường đã qua, Jessica khẳng định: “Thực sự là tôi đã đi lên từ vực sâu. Tôi luôn cố gắng học hỏi ở mọi người và học trên internet rất nhiều điều. Ngày xưa bước ra đời, tôi không có gì. Tất cả do chính bản thân mình gầy dựng nên. Nếu tôi lông bông thì làm sao thuyết phục gia đình chấp nhận mình cho được?”.
Jessica nhắn nhủ: "Hãy sống đúng với chính mình, tự tin vào bản thân và không ngừng vươn lên thì ông trời sẽ không phụ!”.
|
Không ngần ngại dẫn chứng một câu chuyện “vượt qua chính mình“ của bản thân, Jessica kể: “Hồi trước mới công khai, chuyện giấy tờ của tôi rất bế tắc. Tôi không dám làm thẻ ngân hàng, mọi thứ đều nhờ người khác đứng tên. Đến lúc tôi phải trực tiếp ra giao dịch, người ta đọc tên Nguyễn Hữu Toàn, ai cũng nhìn khiến tôi run lắm! Tôi không giấu họ rằng tôi là người chuyển giới. Không biết nhờ sự thẳng thắn như vậy, nhờ ngoại hình đặc biệt so với giấy tờ hay nhờ trời thương mà sau này, người ta luôn ưu tiên cho tôi”.
|
Dẫu vậy, Jessica nhìn nhận những người có cuộc sống và công việc ổn định như cô là còn ít ỏi. “Vẫn còn nhiều người chuyển giới phải làm gái mại dâm và trốn chui trốn nhủi, dù họ không hề muốn như vậy. Có những người học thức cao hơn tôi nhưng do không có việc làm, họ phải bán thân nuôi miệng”, Jessica trăn trở.
Trên thực tế, nhiều người chuyển giới có chung nguyện vọng là được đào tạo những nghề phù hợp, đáp ứng sở thích thể hiện giới của họ (như làm tóc, trang điểm, biểu diễn). Bên cạnh đó, họ mong mỏi được vay vốn học nghề, mở tiệm kinh doanh cũng như có hướng tháo gỡ khó khăn về giấy tờ tùy thân, giấy phép cho họ biểu diễn, chăm sóc sức khỏe...
|
Theo chị Đinh Hồng Hạnh, cán bộ dự án của Tổ chức Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam (Trung tâm ICS), để giải quyết việc làm cho người chuyển giới, cần giải quyết những nguyên nhân gốc rễ, nhất là sự kỳ thị. “Các bạn này mong chờ và hy vọng xã hội cũng như những người tuyển dụng giảm bớt định kiến, phân biệt đối xử và có sự chia sẻ cơ hội việc làm cho họ nhiều hơn”.
Gần đây, cộng đồng chuyển giới tại TP.HCM đã cho ra mắt tập sách ảnh Trong mắt tôi (In my eyes). Ở đó, người trong cuộc thể hiện những lời khích lệ bản thân, những lời tự vấn lẫn những nỗi niềm gửi gắm đến mọi người: “Những khi gặp khó khăn, người chuyển giới chúng tôi thường tự nhắc mình: “Phải sống!”. Rằng mình sẽ vượt qua. Rằng những khó khăn đó là nhỏ nhặt, không là gì so với nhiều chuyện khác. Có người phải dừng lại, gác bỏ khát khao được sống cuộc sống như mình muốn. Có người đi tiếp, để bây giờ nhìn lại, và nhìn rõ hơn làm cách nào mình vượt qua những lúc đó. Ngoài những nỗ lực tự thân, chúng tôi cần xã hội hiểu, tôn trọng người chuyển giới, nhất là tạo cơ hội bình đẳng trong vấn đề việc làm”.
Ma trận rào cản đối với người chuyển giới nữ, theo nhóm nghiên cứu iSEE, thể hiện thành những vòng tròn lẩn quẩn như sau: * Kỳ thị xã hội |