Vạch trần những tổ chức lợi dụng từ thiện để trục lợi

Thứ năm, 26/12/2013, 09:44
Nhiều kẻ xấu đã tự thành lập hội thiện nguyện để kêu gọi ủng hộ từ thiện, sau đó “ẵm” luôn số tiền của những người ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn vì lòng nhân ái. Những hình thức từ thiện núp bóng lừa đảo đang gia tăng vào dịp Tết.

Loạn “tổ chức từ thiện”

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, tại các thành phố lớn đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội và TP. HCM tình trạng giả danh hội viên hội Chữ thập đỏ để xin tiền ủng hộ ngày càng nhiều và khiến dư luận bức xúc. Các đối tượng này đã dựa vào lòng tốt của người khác, lừa đảo để trục lợi.

Tại Hà Nội, cơ quan công an cũng đã tiến hành điều tra và xử lý nhiều trường hợp giả nhà chùa, giả các tổ chức từ thiện để lừa đảo người dân góp tiền ủng hộ. Cách đây không lâu, Công an phường Điện Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) đã tạm giữ hai vợ chồng Đặng Văn Đang và Nguyễn Thị Thủy (ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) để điều tra, làm rõ về hành vi lợi dụng hoạt động từ thiện để lừa đảo.

Theo cơ quan công an, vợ chồng Thủy cùng một số người bạn khác đã làm giả thẻ hội viên hội Chữ thập đỏ và nhờ soạn thảo đoạn văn bản kêu gọi “lòng thương” của khách nước ngoài. Đoạn văn bản này được dịch sang 6 thứ tiếng, mỗi khi gặp du khách, Thủy đưa tờ giấy này cùng gói tăm để mời chào, xin tiền ủng hộ.

Hàng ngày, Thủy cùng chồng và một số người bạn đi từ Hải Dương ra Hà Nội rồi tối lại quay về quê. Mỗi ngày thu nhập khoảng 300.000 - 400.000 đồng từ việc xin tiền ủng hộ. “Tổ chức từ thiện” của vợ chồng Thủy và những người bạn hoạt động xung quanh các địa danh nổi tiếng ở Hà Nội, những nơi có nhiều người nước ngoài qua lại như vườn hoa Lê Nin, Hồ Gươm, cổng bảo tàng Lịch sử, Quân sự Việt Nam...

Tuy nhiên, kiểm tra túi xách của Thủy, công an phát hiện quyển sổ ghi chép số tiền khách du lịch ủng hộ lên tới cả chục triệu đồng, trong số đó trên 10 trang ghi kín tên du khách, có người ủng hộ 500.000 đồng, thậm chí có người đưa 100 USD.

Nhận diện chiêu thức lừa đảo từ hoạt động từ thiện:Những “mạnh thường quân” thích... yêu sách và biến “của người thành phúc ta”

Một nhóm thanh niên tình nguyện đi làm từ thiện tại Thái Nguyên.

Đây không phải vụ việc hy hữu mà theo các cơ quan chức năng rất nhiều cá nhân lợi dụng “mác” hội viên hội Chữ thập đỏ để làm giàu trên sự hảo tâm của nhiều người.

Bùng nổ lừa đảo kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội

Thời gian gần đây, nhiều người tố cáo hành vi lừa đảo của các admin trên mạng xã hội Facebook để chiếm đoạt tiền ủng hộ cho những bệnh nhân, người nghèo. Cụ thể như một nick name trên mạng xã hội Facebook có tên là Ruby Trịnh, tự đứng ra thành lập nhóm thiện nguyện “Các ông bố và bà mẹ Nhân ái ở Hà Nội”, sau đó kêu gọi giúp đỡ cho trường hợp bé Nguyễn Thị Ngọc Ánh (10 tháng tuổi, bị dị dạng bộ phận sinh dục).

Cùng với việc đăng tải thông tin về trường hợp đáng thương của bé Ánh, Ruby Trịnh khẳng định là đang cùng với một chuyên gia nước ngoài giúp đỡ bé Ánh được phẫu thuật tại bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec (Hà Nội), nên nhiều người đã tin tưởng mà chuyển tiền cho Ruby Trịnh thông qua tài khoản được thông báo trên.

Theo đó, tổng số tiền mà Ruby Trịnh nhận được từ mọi người là hơn 24 triệu đồng, nhưng thay vì chuyển cho gia đình bé Ánh, người này đã “ôm” luôn số tiền, đồng thời cắt đứt liên lạc của mọi người trên mạng xã hội. Những nạn nhân của Ruby Trịnh đã bức xúc và lập tức tố cáo hành vi của Ruby Trịnh đến mọi người, tuy nhiên số tiền “giao trứng cho ác” thì hiện vẫn chưa có cách gì để đòi lại được.

Theo nhận định của Trung ương hội Chữ thập đỏ, thời gian qua, thông qua chuyên mục “Tấm lòng Nhân ái”, nhiều kẻ xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của những hoàn cảnh nhân ái để lừa đảo, như thông báo đến các hoàn cảnh khó khăn là họ trúng thưởng số tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng muốn nhận được số tiền trên thì họ phải ứng trước một số tiền cho chúng để làm thủ tục chuyển tiền, hoặc đưa cho chúng thẻ cào điện thoại có mệnh giá lớn.

Các đối tượng lừa đảo đã chọn “địa bàn” và phương thức hoạt động lừa đảo mới thông qua mạng xã hội để lợi dụng lòng tốt và sự nhẹ dạ của mọi người. Các địa chỉ, số điện thoại mà chúng cung cấp cũng “bốc hơi” theo số tiền của các nhà hảo tâm dành cho những hoàn cảnh khó khăn.

Làm từ thiện chỉ để đánh bóng tên tuổi?

Đối với nhiều người, từ thiện là một hoạt động tích cực, được xã hội trân trọng. Thế nhưng giữa thời buổi "đồng tiền đi trước”, sự chia sẻ vì tấm lòng với cộng đồng không biết tự bao giờ đã trở thành công cụ quảng bá, đánh bóng bản thân - không chỉ cho người nổi tiếng mà còn với cả một số đơn vị doanh nghiệp, cá nhân.

Còn nhớ, vụ lùm xùm chuyện các hoa hậu làm từ thiện 1,5 triệu đồng cũng khiến dư luận phải bức xúc vì “tiền trao” thì ít, mà “cháo múc” nhiều. Không chỉ vậy, vật phẩm mang đi từ thiện cũng có những chuyện cười ra nước mắt. Quà là những thùng mì, bánh ngọt, sữa đã hết hạn sử dụng, những hộp trứng ung, thậm chí là những bộ quần áo đã cũ như giẻ rách.

Làm từ thiện để nhường cơm sẻ áo là trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng khi mình có điều kiện sống tốt hơn, là tấm lòng, là kết nối một sức lan tỏa bền vững trong xã hội. Thế nhưng, không phải lúc nào hoạt động từ thiện cũng đẹp đẽ, nhân ái như chính ngôn từ xây nên nó, khi con người xem đó là đòn bẩy cho mục đích riêng.

Anh Nguyễn Đức Tiến- Chủ nhiệm chương trình từ thiện Khát Vọng sống cho biết: “Có trường hợp "mạnh thường quân” khi đăng ký tham gia chương trình còn đặt ra yêu sách Ban tổ chức phải bố trí nơi ăn ngon, mặc đẹp tham gia làm từ thiện. Trong những lần tham gia các chương trình từ thiện ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ trước đây, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều tấm lòng từ thiện giúp đỡ người nghèo rất đáng trân trọng, trái ngược hoàn toàn với những kiểu từ thiện vì mục đích thương mại hay đánh bóng tên tuổi.

Điển hình, có ba cá nhân cùng nhau góp 25.000 USD cho mô hình hỗ trợ vốn giúp phụ nữ nghèo đơn thân, độc thân trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Dù vậy, họ không hề đòi hỏi Ban tổ chức công bố "lòng tốt của mình lên báo chí” như một số người nổi tiếng đã làm. Thiết nghĩ, hoạt động từ thiện là nghĩa cử từ tâm của mỗi người. Hãy để cho các hoạt động này giữ lại hình ảnh nhân văn như tên gọi của nó”.

Bà Bùi Thị An, ĐBQH đoàn Hà Nội cho rằng, những mặt trái đã khiến cho công chúng dần dần bị đánh mất niềm tin vào cái gọi là từ thiện của một số người mẫu, ca sỹ, doanh nghiệp. Một dạo, từ thiện còn được xem là “mốt” để những gương mặt mới nổi tranh thủ tiếp thị hình ảnh bản thân, đến mức có trường hợp những người trong giới phải gọi là “con sâu làm rầu nồi canh”.

Nhiều “sao” mỗi lần làm từ thiện là phải tiếp thị ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông nhưng những hành trình ý nghĩa đích thực lại là những hành trình thầm lặng nhất. Bên cạnh đó, một ca sỹ nổi đình nổi đám với hoạt động thiện nguyện đã phát biểu rằng: "Thà trong xã hội có nhiều người đánh bóng tên tuổi mà mang lại lợi ích thực sự cho những người kém may mắn, còn hơn những người cứ nhắc đến thiện nguyện là “chạy mất dép”?!

Nhận diện 4 chiêu thức lừa đảo từ thiện

Nhận định về các hình thức lừa đảo từ thiện,  ông Trần Quốc Hùng, Chánh văn phòng Trung ương hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: “Các đối tượng hiện nay có nhiều thủ đoạn rất tinh vi, nhưng tôi cho rằng có 4 dạng chính. Thứ nhất có thể gọi là nhóm những kẻ siêu lừa với số tiền lừa đảo mỗi vụ rất lớn. Những đối tượng này thường giả danh một tổ chức nước ngoài, muốn ủng hộ nhân đạo bằng các dự án lớn như xây bệnh viện, trường học, viện dưỡng lão... với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu đơn vị nào muốn tiếp nhận thì phải bỏ ra một khoản tiền đặt cọc hoặc lót tay. Nhiều người vì ham lợi mà mắc lừa chúng.

Nhóm thứ hai là những người giả danh đi xin tiền ngoài đường. Những đối tượng này xin tiền trực tiếp hoặc xin tiền dưới dạng bán hàng. Nhóm thứ ba là những kẻ mạo danh hội Chữ thập đỏ đi quyên tiền từ thiện của những du khách nước ngoài. Những kẻ này mặc áo giống áo chữ thập, làm giả thẻ hội viên... để lấy lòng tin của khách. Nhóm thứ tư là những kẻ lợi dụng việc làm từ thiện để bán hàng hết hạn sử dụng. Nhóm này bao gồm cả tổ chức trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng đã từ chối nhiều trường hợp như vậy, dù cho giá trị lô hàng lên tới mấy trăm tỷ đồng”.

Thực tế thời gian qua, không ít người lợi dụng danh nghĩa làm từ thiện để kiếm lợi cho cá nhân mình, nhất là khi họ mạo danh hội Chữ thập đỏ. Biểu tượng Chữ thập đỏ là một biểu tượng mạnh nên khi nhiều người mạo danh nó đến quyên tiền ủng hộ thì nhiều người dễ dàng mắc lừa. Mấy năm trước, chúng tôi cũng đã xử lý nhiều trường hợp giả danh là cán bộ hội Chữ thập đỏ, đi quanh khu vực Bờ Hồ (Hà Nội) để quyên tiền. Những người này có thể làm giả giấy tờ, mặc áo chữ thập để đánh lừa người dân. Tuy nhiên, một đặc điểm dễ nhận ra là những đối tượng này thường không có hóa đơn, chứng từ, thoắt ẩn, thoắt hiện.

Tình trạng lợi dụng việc đi làm từ thiện để tranh thủ làm việc này việc kia cũng có, tuy nhiên không nhiều. Tất nhiên, nếu người nào vi phạm, tùy vào mức độ và tính chất vi phạm mà chúng tôi sẽ có những biện pháp cụ thể để xử lý theo luật hoạt động Chữ thập đỏ.

Thực tế, có những buổi đấu giá mà người ta hứa đóng góp một khoản tiền thông qua đấu giá từ thiện nhưng mãi không thấy họ chuyển tiền. Bản thân hội Chữ thập đỏ cũng đứng ra tổ chức những chương trình truyền hình và các doanh nghiệp cũng hứa là sẽ quyên góp từ thiện (tất nhiên với điều kiện là họ sẽ có cơ hội xuất hiện trên truyền hình). Thế nhưng, khi mọi chuyện kết thúc thì họ lại “xù”. Khi xảy ra những trường hợp như thế, chúng tôi cũng chỉ còn biết cách gọi điện thúc giục chứ không còn giải pháp nào hơn. Vì thế mới nói, dù Luật đã có nhưng vẫn có những điểm chưa hợp lý, chưa chặt chẽ và có nhiều lỗ hổng để nhiều doanh nghiệp lấy cớ “xù”.

Theo Người Đưa Tin

Các tin cũ hơn