Không được cấm cản công dân cư trú

Thứ tư, 27/02/2013, 07:52
Nhiều nội dung trong 5 vấn đề sửa đổi luật Cư trú mà Chính phủ vừa trình tại phiên họp TVQH sáng qua không nhận được sự tán thành cao của các thành viên dự họp, khi các điều khoản còn nặng về quy định cấm đoán.

Siết điều kiện nhập cư vào thành phố lớn

Theo các nội dung sửa đổi của luật do Chính phủ trình, các điều kiện để công dân được nhập cư vào nội đô các TP lớn trực thuộc T.Ư được quy định theo hướng chặt chẽ hơn, như tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm.

Đồng thời, bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại TP trực thuộc T.Ư khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức phải bảo đảm cả điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

"Đáng ra anh phải khuyến khích tôi đến đăng ký cho anh quản lý thì anh lại cấm đoán tôi đủ thứ quyền này quyền kia. Không được dùng quy định quản lý cư trú để làm căn cứ cấm công dân đi học, đi chữa bệnh chỗ này chỗ kia".

Chủ tịch QHNguyễn Sinh Hùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung về điều kiện diện tích bình quân đối với trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, song về thẩm quyền quy định diện tích thì ngoài một số ý kiến đồng ý, nhóm ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ quy định, thay vì giao HĐND TP trực thuộc T.Ư để bảo đảm thống nhất trên cả nước.

Với điều kiện “phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng”, cơ quan thẩm tra khẳng định quy định này “chưa rõ ràng, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau”.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cho rằng việc quy định “nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú” có thể dẫn đến những hạn chế quyền của người dân, bởi nếu quy định chỉ được đăng ký thường trú vào nơi đang tạm trú sẽ có khả năng nhiều người mặc dù đã tạm trú tại TP trực thuộc T.Ư rất nhiều năm nhưng vẫn không đủ điều kiện đăng ký thường trú tại TP đó do phải thay đổi chỗ ở nhiều lần mà không có nơi nào tạm trú tới 2 năm.

Dễ cho quản lý, khó cho dân

Điều 22 của dự luật Sửa đổi quy định xóa đăng ký thường trú đối với một số trường hợp cụ thể, trong đó có trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài 2 năm trở lên, người bị đi tù, hoặc công dân nhập ngũ.

Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định xóa hộ khẩu thường trú của các trường hợp nêu trên, vì cho rằng không phù hợp, không bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân đã được Hiến định.

Luật cư trú
Người dân làm thủ tục xin cấp CMND tại TP.HCM - Ảnh: D.Đ.M

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ ra nhiều phi lý liên quan đến các quy định “cấm, cắt, xóa” tại dự thảo luật và nhấn mạnh việc sửa luật lần này phải tạo điều kiện tối đa cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú theo hướng cải tiến quy định thủ tục thông thoáng hơn.

"Can cớ gì mà tôi đi ra nước ngoài anh xóa đăng ký thường trú. Tôi đi nước ngoài nhưng quốc tịch VN vẫn đó thì xóa thế nào được? Tôi là dân VN thì tôi muốn ở đâu trên đất VN thì tôi ở, tôi không đăng ký hộ khẩu tôi vẫn ở thì anh có cấm được tôi không.

Đáng ra anh phải khuyến khích tôi đến đăng ký cho anh quản lý thì anh lại cấm đoán tôi đủ thứ quyền này quyền kia. Không được dùng quy định quản lý cư trú để làm căn cứ cấm công dân đi học, đi chữa bệnh chỗ này chỗ kia”, Chủ tịch QH nói.

Đồng tình với ý kiến này, ông Phan Trung Lý nhận xét nhiều quy định tại dự luật tạo thuận lợi cho quản lý, gây khó khăn cho dân và nhiều vấn đề rất là nặng nề.Một số ý kiến phát biểu sau đó cũng đồng tình với quan điểm của Chủ tịch QH.

“Không nên chỉ nghĩ theo hướng tạo thuận lợi cho mình trong quản lý mà phải tư duy là ban hành luật để đảm bảo quyền lợi cho người dân”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, QH sẽ cho ý kiến và thông qua luật Cư trú sửa đổi tại kỳ họp thứ 5, dự kiến có hiệu lực từ 1/10/2013.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn