Hầm giống toàn cầu Svalbard được xây dựng trên một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía Bắc Na Uy. Nơi này hiện đã lưu trữ và bảo quản 825.000 mẫu hạt giống, đại diện cho 13.000 năm lịch sử nông nghiệp của nhân loại.
Hầm Svalbard đang đóng vai trò hỗ trợ mạng lưới các ngân hàng hạt giống khắp thế giới, vốn cũng lưu trữ các hạt giống nhưng có thể bị chiến tranh, các tai nạn và thảm họa tự nhiên đe dọa.
Hầm giống toàn cầu Svalbard tọa lạc trên một hòn đảo thuộc Na Uy. Ảnh: PA
Global Crop Diversity Trust (GCDT), tổ chức độc lập quốc tế quản lý hầm Svalbard, cảnh báo, việc bảo vệ sự đa dạng của các mùa vụ trên thế giới là "cơ bản" đối với sứ mệnh bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu trước sự biến đổi khí hậu. Hàng loạt đợt vận chuyển hạt giống tới hầm Svalbard trong tháng này sẽ giúp thực hiện mục tiêu đó.
Bốn chuyến hàng từ các ngân hàng gen trọng yếu, cắm chốt ở Bulgaria, Colombia, Ấn Độ và Đài Loan đang đưa các hạt giống từ hơn 100 quốc gia trên thế giới tới hầm bảo quản. Các chuyến hàng này bao gồm hạt giống của các loại lúa mì, lúa mạch, ngô, lúa miến, kê, lạc, cà tím châu Á và châu Phi, cũng như hạt giống của các loại rau châu Phi bản địa, kể cả đậu bắp, rau dền, cây nhện và cây đay.
Hầm Svalbard hiện đã bảo quản 825.000 mẫu hạt giống, đại diện cho 13.000 năm lịch sử nông nghiệp của nhân loại. Ảnh: PA |
Theo GCDT, việc bảo tồn sự đa dạng chủng loại cây lương thực và thực phẩm sẽ giúp nhân giống và phát triển các cây trồng có khả năng chống chịu điều kiện khí hậu đang thay đổi, chẳng hạn như có thể kháng hạn tốt hơn và chống chịu được nhiệt độ cao hơn.
Marie Haga, giám đốc điều hành GCDT, tuyên bố: "Hầm hạt giống toàn cầu Svalbard tương trưng cho cách chúng ta có thể tạo ra một giải pháp dài hạn, bền vững và tích cực để nuôi sống thế giới mãi mãi như thế nào. Nạn đói đang là vấn đề toàn cầu và ngày càng khẩn thiết. Nếu chúng ta tiếp tục như hiện nay, sản xuất lượng thực sẽ sụt giảm trong khi giá thực phẩm sẽ leo thang. Thậm chí sẽ ngày càng có nhiều người bị đói hơn.
Sự đa dạng cây trồng là thiết yếu nếu chúng ta muốn cung cấp thêm lương thực, thực phẩm bổ dưỡng và thức ăn có giá cả phải chăng cho người nghèo. Việc duy trì sự đa dạng cây trồng cũng như sự dồi dào về nguồn gen mà điều đó mang lại cho các thế hệ hiện nay và tương lai, có ích không chỉ cho những người sản xuất giống cây trồng, mà còn với cả các nông dân đang nuôi sống tất cả chúng ta trên hành tinh này".
Tổ chức GCDT đang kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể và các cá nhân giàu có đóng góp xây dựng một quỹ trị giá 800 triệu USD, để tài trợ cho việc bảo tồn các giống cây trồng vĩnh viễn.
Theo Khám phá