Nina Phạm và bệnh viện nơi cô làm việc - Ảnh: New York Daily News |
Cộng đồng người Việt tại Mỹ đặc biệt sốc khi hay tin nạn nhân nhiễm vi rút Ebola đầu tiên trên đất Mỹ là một y tá gốc Việt 26 tuổi. Ban đầu, trong buổi họp báo vào trưa 13/10, Bệnh viện Giáo hội Texas tại Dallas, nơi y tá Nina Phạm làm việc, cũng như phía Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) không tiết lộ danh tính bệnh nhân. Tuy nhiên, tên tuổi của người đầu tiên nhiễm Ebola trên đất Mỹ đã được giới truyền thông phát hiện thông qua cơ sở dữ liệu về y tá, cũng như các nguồn thông tin công khai.
Gia đình bệnh nhân sau đó đã xác nhận danh tính của người thân thông qua Đài truyền hình địa phương WFAA. Cô Phạm là y tá phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Giáo hội Texas tại Dallas và là một trong 50 người tiếp cận ông Thomas Eric Duncan trước khi bệnh nhân xấu số này qua đời vào ngày 8/10. Duncan là người đầu tiên bị phát hiện mang trong mình vi rút Ebola tại Mỹ, song công dân Liberia này đã nhiễm bệnh từ quê nhà trước khi đến Mỹ vào ngày 20/9. Các bệnh nhân người Mỹ trước đó cũng đều nhiễm tại tâm dịch ở Tây Phi trước khi được đưa về nước chữa trị.
Nữ y tá tận tâm
Trong lúc giới truyền thông trong nước lẫn quốc tế tất bật tìm cách liên lạc với người thân và bác sĩ điều trị, y tá Phạm vẫn bình tĩnh trong phòng cách ly của bệnh viện nơi cô từng chăm sóc nạn nhân Duncan cách đây vài tuần.
Theo Đài CNN, cô Phạm sinh ra và lớn lên tại Fort Worth, bang Texas, tốt nghiệp Đại học Cơ đốc giáo Texas với bằng cử nhân khoa học về y tá vào năm 2010. Cô được cấp chứng chỉ hành nghề y tá vào tháng 8/2010 và mới được chứng nhận là y tá đủ tiêu chuẩn chăm sóc các trường hợp hiểm nghèo vào đầu tháng 8.
Trong thời gian bị cách ly, cô đã thảo luận các phương án điều trị với các bác sĩ, theo tờ The New York Times dẫn lời người bạn thân kiêm đồng nghiệp Jennifer Joseph. Cô gái trẻ dành thời gian đọc sách, trò chuyện với gia đình và bạn bè thông qua tin nhắn điện thoại, thư điện tử. “Cô ấy đang hy vọng và đơn giản là dành thời gian nghỉ ngơi”, theo cô Joseph.
Người bạn này cũng cho biết Phạm là một y tá vô cùng cẩn thận, tận tâm với công việc, luôn kiểm tra tỉ mỉ mọi ghi chép và chưa bao giờ mắc lỗi trong công việc. Giới hữu trách cũng đề cập đến chuyện Phạm tự mình lái xe đến bệnh viện kiểm tra sau khi bị sốt nhẹ và cô lập tức bị cách ly sau 90 phút.
Những chi tiết này dường như đi ngược lại với lời kết luận vội vàng trước đó của Giám đốc CDC Thomas Frieden rằng có thể xảy ra sai sót về nghiệp vụ trong lúc chăm sóc bệnh nhân Ebola. Tuy nhiên, ngay sau đó CDC đã hứng chịu làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận và giới y bác sĩ, cho rằng cơ quan này tìm cách đẩy y tá Phạm và bệnh viện tại Dallas làm “vật tế thần”, nhằm lẩn tránh trách nhiệm.
“Ông (Frieden) không được tìm cách đổ lỗi và tìm người khác thế tội mỗi khi có dịch bệnh nổ ra”, Reuters dẫn lời bà Bonnie Castillo thuộc Liên đoàn Y tá quốc gia, hiệp hội y tá có quy mô lớn nhất của Mỹ.
“Chúng ta yếu kém một cách có hệ thống. Đó là điều chúng ta phải sửa chữa”, theo bà Castillo. Bản thân ông Frieden sau đó đã rút lại lời nhận xét trên và xin lỗi y tá Phạm lẫn cộng đồng y bác sĩ tại Bệnh viện Giáo hội Texas.
Chưa rõ nguyên nhân
Sau khi Giám đốc CDC rút lại lời nhận xét gây tranh cãi, Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh phải triển khai rốt ráo cuộc điều tra nhằm xác định nguyên nhân tại sao y tá Phạm lại nhiễm bệnh. Theo thông tin chung, nạn nhân Duncan từ Liberia đến Texas vào ngày 20/9. Ba ngày sau đó, ông bắt đầu thể hiện các triệu chứng mắc bệnh và đến ngày 28/9 được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Giáo hội Texas.
Sau khi nạn nhân qua đời vào ngày 8/10, lãnh đạo bệnh viện là tiến sĩ Dan Varga khẳng định tất cả y bác sĩ đều tuân thủ mọi biện pháp phòng chống của CDC, gồm “đồ phòng hộ, găng tay, khẩu trang và đồ che mặt”, khi điều trị bệnh nhân.
Tuy nhiên, CDC cho rằng vấn đề có thể xảy ra ở một khâu quan trọng khi y tá Phạm tháo đồ bảo hộ. Các nạn nhân Ebola vào thời kỳ cuối có thể tiêu chảy nặng và xuất huyết, trong khi máu và chất thải của bệnh nhân bị liệt vào diện dễ lây nhiễm nhất. Ông Duncan đã hai lần được phẫu thuật trong nỗ lực duy trì sự sống và trong quá trình này hai khâu có nguy cơ lây nhiễm cao nhất là chạy thận và đặt ống thở.
Trong khi đó, ABC News đưa tin bác sĩ Kent Brantly, người khỏi bệnh hồi tháng 8, đã đến Bệnh viện Giáo hội Texas hiến máu và y tá Phạm đã được nhận huyết thanh từ ông này vào ngày 13/10. Đây là lần thứ ba bác sĩ Brantly hiến máu để điều trị sau khi các bác sĩ phát hiện ông có cùng nhóm máu với các bệnh nhân. Người đầu tiên nhận huyết thanh của ông Brantly là bác sĩ Nick Sacra hiện đã khỏi bệnh. May mắn cho Phạm là nhóm máu của cô cũng trùng với bác sĩ Brantly nên các bác sĩ cho rằng cô có cơ may sống sót.
Theo Thanh Niên