Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo dự thảo nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo diễn ra 14/10.
Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, mang thai hộ có ý nghĩa rất lớn đối với những cặp vợ chồng có nhu cầu có con một cách chính đáng mà khả năng của họ không thể mang thai được.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ Y tế sẽ chọn trung tâm có tính pháp lý và chuyên môn để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. |
Ví dụ người vợ vì lý do bệnh tật phải cắt bỏ tử cung hoặc vì bệnh lý mà không được phép mang thai, nhưng 2 buồng trứng vẫn bình thường, người chồng có tinh trùng khỏe. Trường hợp này, hai vợ chồng chỉ có thể có con bằng di truyền của chính họ thông qua kỹ thuật mang thai hộ.
Lợi ích khác từ phía các bác sỹ trong một số trường hợp cấp cứu như: sản phụ đẻ bị băng huyết, hoặc vỡ tử cung, hoặc bị rau tiền đạo...cần phải cắt ngay tử cung để cứu người mẹ.
Trước mắt, Bộ sẽ chọn một vài trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn trên cả nước có độ tin cậy về mặt pháp lý và chuyên môn cao để triển khai thực hiện phương pháp này như: BV Phụ sản Trung ương, BV Đa khoa Trung ương Huế và BV Từ Dũ.
“Bộ Y tế sẽ chọn trung tâm lớn có tính pháp lý và chuyên môn cao (không phân biệt trung tâm tư nhân hay công lập) để thực hiện”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, chi phí cho một ca mang thai hộ ở Mỹ hiện nay khoảng hơn 700 triệu, còn ở Việt Nam dự kiến khoảng 40.000-60.000 triệu đồng.
Hiện các trung tâm hỗ trợ sinh sản đã thực hiện thành thạo các kỹ thuật cấy ghép phôi. Cụ thể, việc lấy tinh trùng của người chồng, noãn của người vợ, sau đó, theo dõi, thụ tinh, theo dõi phát triển của phôi… là những kỹ thuật này nước ta đã thực hiện thành thạo.
Tuy nhiên, đối với trường hợp mang thai hộ, khi phôi phát triển tốt sẽ không chuyển cho người vợ mà chuyển sang cho người mang thai hộ.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, cho phép mang thai hộ trong những trường hợp này rất cần thiết, mang tính nhân văn, nhân đạo. Mang thai hộ giúp các bác sỹ quyết định nhanh hơn để đảm bảo tính mạng của người mẹ (trong trường hợp người nhà sản phụ cũng sẵn sàng để bác sỹ cắt bỏ tử cung để cứu sản phụ), đồng thời cũng tạo cơ hội để gia đình đó tiếp tục có thêm con một cách chính đáng.
Theo Khampha