Mùa tựu trường: Trên 1 triệu trẻ em Việt Nam không đi học

Thứ năm, 11/09/2014, 14:19
Theo số liệu vừa được công bố, có tới 1,1 triệu trẻ em Việt Nam độ tuổi từ 5-14 tuổi chưa từng được đến trường học hoặc đã bỏ học.

Vẫn còn trên một triệu học sinh trên cả nước chưa được tới trường. (Ảnh: TTXVN)

Trong số này,  tỷ lệ trẻ em 5 tuổi ngoài nhà trường chiếm 12,19% tổng số trẻ cùng độ tuổi, tỷ lệ trẻ ngoài nhà trường ở độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi là 3,97%; từ 11 đến 14 tuổi là 11,17%.

Số liệu này vừa được công bố tại Hội thảo Báo cáo "Trẻ em ngoài nhà trường: Nghiên cứu của Việt Nam” do Bộ Giáo dục và Đào tạo và UNICEF phối hợp tổ chức sáng nay, ngày 11/9, tại Hà Nội.

Cũng theo báo cáo này, tỷ lệ trẻ em chưa bao giờ đi học khá cao. Cả nước có 2,57% trẻ em từ 5 đến 17 tuổi chưa bao giờ đi học. Trẻ em chưa từng đi học, bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học gồm những trẻ em nghèo, sống ở các khu vực xa xôi hẻo lánh, trẻ em dân tộc thiểu số, khuyết tật, phải lao động, trẻ em di cư.

Dân tộc Mông có tỷ lệ trẻ em từ 5 đến 17 tuổi chưa bao giờ đi học cao nhất trong các nhóm dân tộc thiểu số chính, chiếm 23,02% tổng số trẻ trong độ tuổi. Điều này có nghĩa gần 1/4 số trẻ em dân tộc Mông ở độ tuổi đi học nhưng chưa từng đi học bất cứ một loại trường lớp nào.

Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị. Sự chênh lệch giữa hai khu vực tăng khi độ tuổi tăng. Tỷ lệ này ở nông thôn cao hơn ở thành thị không đáng kể ở 5 tuổi nhưng cao hơn gấp 2 lần ở độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở.

Có sự khác biệt giữa nhóm trẻ di cư và không di cư. Trẻ em trong các gia đình di cư có tỷ lệ ngoài trường học cao hơn các gia đình không di cư 1,3 lần ở độ tuổi 5 tuổi, 1,8 lần ở độ tuổi tiểu học và 2,4 lần ở độ tuổi trung học cơ sở.

Tỷ lệ trẻ em khuyết tật chưa từng đi học hoặc thôi học luôn cao hơn 80% ở mọi độ tuổi, đặc biệt tỷ lệ này lên tới 91,4% ở trẻ em khuyết tật từ 11 đến 14 tuổi.

Tỷ lệ trẻ em đã đi học nhưng sau đó thôi học tăng mạnh theo độ tuổi. Ở 14 tuổi, độ tuổi cuối bậc trung học cơ sở có gần 16% học sinh thôi học. Ở tuổi 17, độ tuổi cuối bậc trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh thôi học tăng lên 39%.

Tình trạng đi học quá độ tuổi ở các lớp tiểu học và trung học cơ sở chiếm gần 6%.

Báo cáo nghiên cứu cũng phân tích một số các rào cản và vướng mắc từ bản thân trẻ em, cha mẹ, phía cung cấp dịch vụ giáo dục và các bên khác như các cơ quan quản lý quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp.

Nổi bật về rào cản liên quan đến phía cầu là gia đình nghèo, chi phí đắt đỏ cho các khoản liên quan đến học tập của trẻ. Rào cản về phía cung gồm sự tác động từ cơ sở vật chất, giáo viên, quản lý giáo dục và một số vấn đề mang tính hệ thống như chương trình, hệ thống thông tin số liệu, quản trị xã hội, năng lực và cơ chế tài chính. Báo cáo đã đề ra các khuyến nghị để dỡ bỏ các rào cản này.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, qua nghiên cứu, lần đầu tiên thấy rõ và toàn diện vấn đề trẻ em ngoài nhà trường ở Việt Nam về số lượng, đặc điểm, các rào cản và vướng mắc, các gợi ý cho lập kế hoạch phát triển giáo dục, quản lý và xây dựng chính sách.

"Quá trình nghiên cứu cũng tạo nhiều cơ hội đối thoại, tranh luận rất hữu ích ở các cấp. Nghiên cứu góp phần giúp ngành giáo dục thúc đẩy phương pháp tiếp cận mới trong xây dựng chính sách giáo dục, từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống số liệu để nắm thực trạng một cách kịp thời, toàn diện", ông Hiển nói.

Báo cáo “Trẻ em ngoài nhà trường: Nghiên cứu của Việt Nam” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của UNICEF Việt Nam.

Báo cáo phân tích thực trạng của trẻ em ngoài nhà trường ở độ tuổi 5-14 tuổi và trẻ em đang đi học tiểu học và trung học cơ sở nhưng có nguy cơ bỏ học.

Báo cáo sử dụng số liệu của Tổng Điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 2009 làm nguồn số liệu duy nhất.

Trẻ em ngoài nhà trường trong Báo cáo này được phân tích theo các đặc điểm gồm: độ tuổi, giới tính, dân tộc, thành thị, nông thôn, tình trạng khuyết tật và tình trạng di cư.

Báo cáo phân tích chung cả nước và 8 tỉnh, thành phố được chọn để phân tích cụ thể, gồm Lào Cai, Điện Biên, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp và An Giang.

Ngoài ra, khảo sát thực tế được thực hiện ở 6 trong số 8 tỉnh này để tăng cường phân tích rào cản và đề ra khuyến nghị của nghiên cứu.

Theo Vietnam+

Các tin cũ hơn