Tháng Bảy là mùa báo hiếu Vu Lan, đúng vào lúc mùa thu vừa chớm. Ven đường những cánh phượng vỹ cuối cùng, đã mất đi màu hoa rực rỡ, tơi tả rơi rụng trên đôi bờ vai khô héo của đời. Ở một góc nhỏ của chùa Bồ Đề, nơi hướng ra sông Hồng, Phật tử Nguyễn Thị Tú nhìn vào hư không khẽ thở dài, trên tay vẫn cầm hai túi quần áo cũ cho bọn trẻ: “Mọi năm, giờ này, nhà chùa lúc nào cũng nhộn nhịp người vào ra. Phật tử thập phương và nhà hảo tâm tìm đến rất nhiều. Thế mà năm nay...”.
Cửa khu chăm sóc trẻ đóng chặt.
Vụ án chấn động
Thông tin một bảo mẫu chùa Bồ Đề (Long Biên - Hà Nội) bị công an bắt vì tội buôn bán trẻ em đang khiến dư luận thấy sốc, thấy phẫn nộ. Đâu đâu cũng thấy người ta nói đến chùa Bồ Đề, nhắc đến những vị sư gây dựng nên ngôi chùa này với những lời lẽ nặng nề nhất.
Chùa Bồ Đề nơi từng được mệnh danh là nẻo về của những mầm sống bị bỏ rơi, những mảnh đời bất hạnh đang chao đảo trước việc bảo mẫu của chùa này bị bắt vì tội buôn bán trẻ em. Trắng – đen, sáng – tối rồi sẽ được cơ quan chức năng làm rõ, kẻ có tội rồi sẽ phải đền tội đúng như luật nhân quả trong sách Phật đã dạy.
Những ngày này, nhiều người tìm đến chùa Bồ Đề với ánh mắt soi mói, với cái nhìn cay nghiệt. Nhiều người lạnh lùng khẳng định, chùa Bồ Đề đích thị là “kênh trung gian buôn bán trẻ mồ côi”.
Trên nhiều diễn đàn mạng, người ta truyền tay nhau đường link những tin bài về vụ việc, rồi người ta mặc sức kết án thay quan tòa và đua nhau kể tội những lần đến thiện nguyện ở đây. Điều đó cũng không có gì lạ khi chùa Bồ Đề đang ở trong vòng xoáy “tâm bão” nhưng tuyệt nhiên, rất ít ai nhắc đến số phận của hàng trăm đứa bé, nhiều người già không nơi nương tựa đang sinh sống ở chùa Bồ Đề rồi sẽ đi về đâu sau cơn bão này?
Những cảnh đời bất hạnh sẽ đi về đâu?
Chùa Bồ Đề - ngôi chùa nổi tiếng đã lâu - vì đã có quá nhiều bài báo viết về nó, như một thiên đường của tình thương, nơi che chở cho những đứa trẻ bị bỏ rơi khi cuống rốn còn tươi dòng máu mẹ, nơi những cha mẹ bị con cái đuổi ra khỏi nhà. Cũng là nơi chứa đựng mọi bi kịch của thế gian.
Thế nhưng, ngôi chùa được mệnh danh là “thiên đường nhân ái” ấy đang trở thành tâm điểm của dư luận, bởi những hành vi không thể dung thứ của một bộ phận người của nhà chùa. Mấy năm trở lại đây, đã có không ít điều tiếng về thái độ ứng xử của nhà chùa cũng như dấy lên những nghi ngờ về sự “biến mất” khó hiểu của vài đứa trẻ ở đây.
Mới đây, khi Nguyễn Thị Thanh Trang, một bảo mẫu trong chùa bị bắt về tội buôn bán trẻ em với giá 35 triệu đồng, dư luận và những người đã đến đây thiện nguyện phẫn nộ với hành vi này. Một câu chuyện buồn đang bao trùm lên mái ấm tình thương, nơi có hàng trăm con người bất hạnh đang được ăn, ở và được sống.
Ánh mắt thẫn thờ...
Trò chuyện với PV, sư cô Diệu Vân cho biết, bảo mẫu Nguyễn Thị Thanh Trang đã tốt nghiệp đại học, có hoàn cảnh rất khó khăn. Bản thân Trang và các con cũng được nhà chùa cưu mang cách đây vài năm. Bình thường Trang khá hòa đồng với mọi người, nhưng trong công việc đôi khi hơi khó tính và có thái độ không được nhã nhặn với khách thập phương. Khi nương nhờ cửa Phật, Trang mang theo hai cậu con trai.
“Gia đình Trang rất có duyên cơ với Phật, hiện cậu con trai lớn đang tu ở chùa gần Bát Tràng. Cậu con trai thứ hai đang học lớp 1 tại một trường tiểu học trên địa bàn”, sư cô Diệu Vân cho biết.
Cũng theo sư cô này, cách đây một thời gian, Trang bén duyên với một thợ xây dựng sống gần chùa, hai người đã có với nhau một bé gái. Sau khi Trang bị bắt, người này đã đến xin phép nhà chùa đưa hai cháu nhỏ này về quê ở Phú Thọ để nuôi nấng, tránh những ảnh hưởng từ sự việc mà mẹ cháu đã gây ra.
Có duyên với cửa Phật nhưng Trang đã sa vào lao lý vì những tham – sân – si để rồi phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật.
Bà Tạ Thị Vân đau buồn vì vụ việc vừa xảy ra.
Nỗi buồn giữa “tâm bão”
Chỉ còn ít ngày nữa là chính lễ Vu Lan báo hiếu, lẽ ra ngôi chùa này sẽ tấp nập người vào ra, nhà chùa đón Phật tử thập phương về hành hương, vãn cảnh chùa. Nhưng khi chúng tôi có mặt, cảnh tượng vắng vẻ, đìu hiu và có phần lạnh lẽo đang bao trùm ngôi chùa.
Từ người giúp việc trong chùa đến những đứa trẻ đang được cưu mang ở đây đều tránh tiếp xúc với người lạ. Loáng thoáng trên vài chiếc ghế đá dưới những gốc cây bồ đề, vài Phật tử đang ngồi thẫn thờ, giấu nỗi buồn rười rượi. Có người cầm theo vài bịch sữa, có người mang đến túi quần áo cũ, có người mang theo vài đồ chơi trẻ con…Tất cả để dành cho bọn trẻ. “Bây giờ đến thấy đìu hiu và buồn quá. Dù có chuyện gì xảy ra với nhà chùa thì chúng tôi cũng không thể bỏ các cháu được…”, Phật tử Nguyễn Thị Tú (Quán Thánh – Hà Nội) thở dài.
Quần áo do bà Vân và các Phật tử quyên góp mang đến cho các cháu ngày 4/8.
Khi chúng tôi ngồi trò chuyện với sư cô Diệu Vân, bà Tạ Thị Vân (số 41 Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) lật đật bê vào ba túi quần áo cũ mà bà vừa quyên góp được. Vừa gặp sư cô, bà Vân đã òa lên khóc: “Buồn quá, sao lại có chuyện này được? Lũ trẻ sẽ ra sao đây…”. Tôi động viên bà rằng, còn quá nhiều tấm lòng tốt trên cõi đời này, họ sẽ đến để giang rộng vòng tay ôm ấp, che chở cho các cháu…
Trên đường đến với chùa Bồ Đề, chúng tôi đã đi qua khá nhiều ngôi chùa khác của Hà Nội, ngôi chùa nào cũng đang rộng cửa đón tiếp Phật tử thập phương đến trong tháng lễ trọng này. Thế nhưng, một khung cảnh hoàn toàn vắng lặng, trầm mặc đang phủ lên ngôi chùa từng đón không hết khách này. Chợt thấy chạnh lòng…
Chiều hôm đó, có khá nhiều phóng viên báo chí đến tác nghiệp, và cũng có không ít người hiếu kỳ tìm đến để muốn biết thực hư câu chuyện động trời ấy. Thấp thoáng trong số đó là hình ảnh của một vài chiến sỹ công an đang làm nhiệm vụ. Những đứa trẻ mới lên 3 lên 4 nấp mình sau cánh cửa sắt đã được khóa chặt lấm lét nhìn với ánh mắt sợ hãi lẫn tò mò. Có lẽ, các cháu chưa đủ lớn để hiểu được những chuyện tày đình vừa xảy ra nơi cửa chùa. Và chắc rằng, các cháu chưa đủ lớn để hiểu được “hậu bảo mẫu Trang”, tương lai của các cháu sẽ như thế nào? Và có lẽ, các cháu càng không thể hiểu được những “con sâu” như bảo mẫu Trang sẽ chính là vật ngăn cản những tấm lòng hảo tâm, những bước chân thiện nguyện mang sự sống và hơi ấm đến cho các cháu.
PV ngoài cửa trò chuyện cùng các bé ở chùa Bồ Đề.
Cửa Phật, từ lâu là nơi mà những bước chân lầm lạc tìm về, là nơi những trái tim đau khổ tìm đến, là nơi bao nỗi buồn phiền của trần thế sẽ được giải thoát. Người ta tìm đến cửa Phật để mong được những giây phút thanh tịnh, bỏ xa những bon chen của trần thế. Vì thế, vụ việc xảy ra ở chùa Bồ Đề như một nỗi đau gieo vào lòng các Phật tử.
Rời khỏi ngôi chùa từng được mệnh danh là “thiên đường nhân ái” của những mảnh đời côi cút bất hạnh, tôi bị ám ảnh bởi những ánh mắt chất chứa nỗi buồn của những đứa trẻ hắt qua cánh cửa bị khóa chặt.
Rồi đây, tương lai của hàng trăm mảnh đời bất hạnh ấy sẽ đi đâu, về đâu?...
Trong cuộc sống không nên nói điều giá như. Nhưng nếu giá như chúng ta quan tâm hơn đến phúc lợi xã hội; giá như những bà mẹ trót dại không nhẫn tâm bỏ rơi con mình nơi cửa chùa khi còn đỏ hỏn; giá như những người con hiếu đạo hơn để không đuổi bố mẹ già ra ngoài đường; giá như ai cũng có trách nhiệm hơn với chính mình và với cuộc sống thì có lẽ sẽ không có những mảnh đời bất hạnh kia phải bấu víu nơi cửa Phật. Giá như bảo mẫu Thanh Trang và những người làm điều ác đấy biết “đi với Bụt mặc áo cà sa”… thì có lẽ sẽ không có những nỗi buồn quặn thắt trong mùa lễ Vu Lan báo hiếu, giữa “cơn bão” ở chùa Bồ Đề như vậy. |
Theo Người Đưa Tin