Ngày 7/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ sẽ triệu tập một nhóm các chuyên gia đạo đức y tế vào đầu tuần tới để bàn về vấn đề sử dụng các loại thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm nhằm chống chọi với đại dịch Ebola đang bùng phát ở Tây Phi, cướp đi sinh mạng của gần 1000 người.
Vấn đề này đã nhận được sự chú ý của dư luận thế giới sau khi hai chuyên gia người Mỹ bị nhiễm virus Ebola khi đang điều trị cho bệnh nhân ở Liberia được tiêm một loại thuốc vẫn đang trong quá trình thử nghiệm trên động vật, và nhờ đó họ đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Gần 1000 người ở Tây Phi đã thiệt mạng vì Ebola
WHO cho rằng tình huống của hai chuyên gia trên cũng như nhu cầu được sử dụng rộng rãi hơn loại thuốc chưa được đánh giá này đã làm dấy lên câu hỏi đầy khó khăn với họ rằng một loại thuốc chưa được chứng minh là an toàn và hiệu quả trên người có nên được sử dụng trong trường hợp nổ ra đại dịch giống như dịch Ebola đang hoành hành ở Tây Phi hay không. Thông thường, các loại thuốc mới sẽ phải trải qua thử nghiệm trong nhiều năm trước khi được phép lưu hành rộng rãi.
Ngay cả khi lợi ích của loại thuốc mới này nhiều hơn những nguy cơ mà nó gây ra, câu hỏi về đạo đức y khoa vẫn làm đau đầu các chuyên gia của WHO. Nếu họ cho phép sử dụng một số lượng hạn chế loại thuốc thử nghiệm này, nhà chức trách sẽ căn cứ vào đâu để quyết định ai sẽ được sử dụng thuốc và ai không được? Ai sẽ trả tiền cho số thuốc này? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu loại thuốc này gây hại nhiều hơn là lợi?
Bà Mari-Paule Kieny, trợ lý tổng giám đốc WHO cho hay: “Chúng ta đang lâm vào tình cảnh khác thường trong đại dịch này. Chúng ta đang trải qua đợt dịch với tỉ lệ tử vong cao mà không có bất cứ loại thuốc hay vaccine nào được chứng minh là có hiệu quả. Chúng tôi cần các chuyên gia đạo đức y khoa để đưa ra định hướng cho việc làm có trách nhiệm trong hoàn cảnh này”.
Cho đến nay, ít nhất đã có một quốc gia là Nigeria đã chính thức yêu cầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) cho phép họ được sử dụng loại thuốc đã từng được tiêm cho hai bệnh nhân người Mỹ là Kent Brantly và Nancy Writebol.
Hiện đại dịch Ebola ở Tây Phi vẫn chưa có bất cứ loại thuốc hay vaccine nào có thể đối phó được, mặc dù tỉ lệ tử vong của căn bệnh này là từ 60-90%. Một số loại thuốc và vaccine có triển vọng vẫn đang được phát triển, nhưng chưa loại nào được phép lưu hành rộng rãi. Ngoài ra, các tập đoàn sản xuất thuốc trên thế giới cũng ít mặn mà với loại thuốc mới này vì thị phần của nó quá nhỏ, khiến các nghiên cứu hiện này chủ yếu là do ngân sách chính phủ tài trợ.
Các loại thuốc trị Ebola hiện nay vẫn chưa được chứng minh về tính an toàn và hiệu quả
Sau khi bác sĩ Brantly và y tá Writebol nhiễm virus Ebola ở Liberia và đang trong tình cảnh thập tử nhất sinh, họ đã được tiêm một liều thuốc thử nghiệm có tên là ZMapp được chuyển thẳng từ Mỹ tới trước đó vài giờ. Sau khi được tiêm loại thuốc này, sức khỏe của họ đã tiến triển đáng kể và họ đã được chuyển về Mỹ để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có đánh giá chính thức nào về tác dụng của ZMapp đối với hai ca bệnh trên.
Hiện mới chỉ có một số lượng rất ít ZMapp được sản xuất, và các công ty phát triển loại thuốc này đang hợp tác với chính phủ để tăng năng suất, nhưng cũng mất vài tháng nữa họ mới có thể sản xuất đủ thuốc để phân phối rộng rãi ở Tây Phi.
Ông Larry Zeitlin, đồng sáng lập công ty dược phẩm Mapp, cha đẻ của loại thuốc này nói: “Chúng tôi vẫn chưa thử loại thuốc này trên người cho đến khi hoàn thành các thử nghiệm về an toàn vào năm 2015. Bởi vậy, nhà máy của chúng tôi chỉ mới sản xuất một lượng nhỏ đủ dùng cho các thử nghiệm an toàn và hiệu quả trên động vật. Điều này lý giải cho sự khan hiếm của ZMapp”.
Trong khi đó, công ty dược phẩm Sarepta ở Mỹ tuyên bố họ đã thông báo cho chính phủ về nguồn cung cấp thuốc điều trị Ebola dồi dào mà họ đang sở hữu. Công ty này bắt đầu nghiên cứu thuốc điều trị Ebola từ cách đây 10 năm sau khi một nhà nghiên cứu ở Maryland vô tình bị một kim tiêm nhiễm Ebola chích vào người.
Theo Khám Phá