Thêm tin Ukraine bắn MH17: Phương Tây cho chìm xuồng kiểu gì?

Chủ nhật, 12/10/2014, 23:20
Tin tặc tố cáo chính phủ Ukraine là người bắn MH17, quan chức Kiev lỡ mồm vạch áo cho người xem lưng. Mỹ và EU sẽ phải xử trí ra sao?

Thêm nhiều thông tin tố giác

Nhiều ngày nay, sau khi những chiếc hộp đen của máy bay dân sự MH17 bị nổ tung trên bầu trời Ukraine trở về với Malaysia, có rất ít những tuyên bố của các bên liên quan về vấn đề này.

Tuy nhiên, sự việc lại tiếp tục nóng lên khi đầu tháng 10/2014, hàng loạt thông tin về những bằng chứng cho thấy quân đội Ukraine bắn hạ MH17 dồn dập công bố.

Đầu tiên từ lời "nhỡ mồm" của một quan chức quốc phòng Kiev. Chủ tịch Cơ quan an ninh Ukraine (SBU), ông Valentin Nalivaichenko phát biểu đã tìm thấy mảnh vỡ của tên lửa phòng không Buk-M1.

"Quân nhân Nga đã sử dụng tên lửa Buk-M để bắn hạ chiếc máy bay chở khách, dẫn đến cái chết của gần 300 người, trách nhiệm này Moscow phải giải thích", ông Nalivaichenko cho biết.

Tuy nhiên, Bộ Tổng tham mưu của Nga khẳng định lời nói này của ông Chủ tịch SBU đã là "vạch áo cho người xem lưng."

Chủ tịch SBU Valentin Nalivaichenko
Chủ tịch SBU Valentin Nalivaichenko

Phía Moscow phân tích: Buk-M1 được phát triển từ thời Liên Xô, những năm 1980. Nó được phổ biến ở các quốc gia ở biên giới phía Tây Liên Xô, trong đó Ukraine được bố trí nhiều nhất. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã dừng toàn bộ hoạt động triển khai Buk-M1. Thay vào đó là sử dụng khoảng 350 hệ thống Buk M1-2 hoặc Buk-M2. Đây là những phiên bản mới nhất.

Vì thế, việc có mảnh vỡ Buk-M1 tại MH17 chứng tỏ Ukraine mới là người đứng sau vụ tấn công thảm khốc này. Đặc biệt, phía Moscow dẫn ra thông tin, chỉ trước khi MH17 tan tành vài tuần, Ukraine đã công bố hệ thống tên lửa Buk-M đã được họ cải tiến thành công và đưa vào sử dụng rộng rãi vào tháng 6/2014.

Một thông tin bất lợi khác cho Kiev, nhóm tin tặc CyberBerkut đã công khai thông tin họ "trộm" được trong mạng lưới Bộ Quốc phòng Ukraine và có bằng chứng cho thấy Kiev đã nhận những tài liệu tuyệt mật từ các nhân viên điều tra vụ MH17.

Những tài liệu này được đăng tải trên website của nhóm tin tặc CyberBerkut. Nó cho thấy Bộ Quốc phòng Ukraine đã nhận được hôm 7/8 báo cáo về việc tên lửa bắn hạ MH17 chính là tên lửa đất đối không 9M38 thuộc tổ hợp phòng không di động Buk hoặc Buk-M1. Phiên bản rất cũ mà Nga không sử dụng như phân tích của Bộ Tổng tham mưu Nga kể trên.

EU sẽ xử trí ra sao?

Bản thân phía chính quyền Ukraine đã nhiều lần thề thốt về việc sẽ điều tra tới cùng vụ việc này, ngay như trong lời phát biểu của ông Chủ tịch SBU nói trên, đại diện cơ quan này cũng tuyên bố: "Ukraine sẽ làm tròn trách nhiệm và buộc thủ phạm phải đền tội cũng như đền bù cho các nạn nhân trong vụ tấn công này."

Bằng chứng tài liệu của Bộ Quốc phòng Ukraine mà CyberBerkut công bố
Bằng chứng tài liệu của Bộ Quốc phòng Ukraine mà CyberBerkut công bố

Về phía liên minh châu Âu, sau khi nạn nhân của vụ việc hầu hết là những người Hà Lan, người dân quốc gia này đã biểu tình yêu cầu chính phủ phải có những hành động đích đáng. Và để đáp lại người dân, chính phủ Hà Lan đã quyết định chấp thuận việc trừng phạt kinh tế Nga.

Tiếp đến, châu Âu, Mỹ luôn lên tiếng cáo buộc Nga về vấn đề trách nhiệm trong vụ việc này. Bản thân EU nhiều lần phát đi thông điệp khẳng định quân đội Nga đã sử dụng tên lửa Buk để tấn công MH17, thậm chí, họ còn đưa ra nhiều hình ảnh để minh chứng cho cáo buộc của mình.

Đến thời điểm này, có thể điểm nóng Ukraine đã bắt đầu giảm nhiệt, khi cả thế giới, đặc biệt là phương Tây đang hướng mình đến một cuộc chiến khác – Trung Đông và Nhà nước Hồi giáo IS.

Cục diện của Ukraine dường như đang được giao cho Kiev và phe đối lập dàn xếp với nhau. Tuy nhiên, MH17 lại mang một yếu tố khác, nó tác động đến nhiều vấn đề nhân đạo, pháp luật quốc tế, chứ không chỉ là cuộc chơi địa chính trị của các ông lớn.

Và MH17 sẽ nhanh chóng trở thành tâm điểm của dư luận khi những thông tin về kẻ thủ ác chính là chính quyền Kiev được đưa ra. Thân nhân của các nạn nhân cần câu trả lời. Rất có thể sẽ có những cuộc biểu tình khác để yêu cầu chính phủ đòi công bằng cho họ. Không rõ trong hoàn cảnh này, EU sẽ phải xử lý thế nào?

Trong bối cảnh đó, Nga vẫn chưa lên tiếng về trách nhiệm hay bất kỳ điều gì của Ukraine. Moscow có lẽ vẫn chờ những lời bào chữa của Kiev hay EU.

Chưa kể, trước khi hộp đen của MH17 được giao về cho Malaysia, nó được lực lượng ly khai Ukraine cất giữ. Nhiều khả năng Moscow đã chạm được vào hộp đen và đã nắm trong tay nhiều lá bài tẩy, có đủ khả năng phanh phui thủ phạm.

Vụ việc lần này chắc chắn sẽ đẩy EU vào tình thế khó ăn khó nói, và càng thêm vất vả cho Ukraine – vốn đang chật vật níu giữ sự quan tâm của phương Tây.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn