Những góc khuất quyến rũ của Hà Nội

Thứ bảy, 11/10/2014, 12:17
Có một thời, Hà Nội neo đậu trong lòng người chính bởi những góc khuất lặng lẽ, khiêm nhường đằng sau vẻ ồn ào náo nhiệt chốn kinh kỳ. Ngày nay, những gì còn vương vấn lại vẫn gợi lên hồn phách văn hóa thẳm sâu không dễ gì phai nhạt.

Cửa hàng khâu vá bà Hồng

Hơn 30 năm qua, trong nhà số 2B ngõ Thanh Miện yên tĩnh bà Nguyễn Thị Hồng vẫn miệt mài từng đường kim mũi chỉ lưu giữ lại nghề xưa cũ của Hà thành: Nghề khâu vá!

Cái nghề tưởng như đã lỗi thời trong sự phát triển phong phú của thời trang nhưng căn nhà nhỏ của bà luôn tấp nập khách đến xếp hàng.

Bà Hồng là người Hà Nội gốc. Mẹ chồng bà cụ Tạ Huê Diệp - một trong những tay mạng và sang sợi nổi tiếng Hà thành - đã truyền nghề lại cho cô con gái và các con dâu.

Bây giờ, khách tìm đến địa chỉ xưa cũ này chủ yếu chia làm 2 thành phần: Những người lớp trước khâu vá kỷ niệm qua những bộ quần áo đã bạc màu và rất nhiều người trẻ trung hiện đại mang món hàng hiệu đắt tiền chẳng may bị rách đến may mạng.

goc khuat

Dịch vụ khâu vá tay còn sót lại giữa phố thị

Bà tâm sự, có những chiếc áo bà phải kỳ công mất cả tiếng đồng hồ mới hài lòng. Mỗi ngày bà cũng chỉ làm 4,5 chiếc bởi nghề này rất mỏi mắt, mỏi lưng.

Không chỉ người sống ở Hà Nội mà rất nhiều người ngoại quốc cũng biết đến bà, có người còn ngồi cả buổi chiều để xem bà may vá.

Giữa phố phường đông đúc, hối hả người phụ nữ Hà Thành ấy đã dành cả đời cho những đường kim mũi chỉ như muốn lưu giữ nét văn hóa Hà Nội xưa.

Sửa phéc – mơ – tuy vỉa hè

Hơn 60 năm qua, cạnh bức tường loang lổ ở vỉa hè trước nhà số 61 Hàng Đường, ông Nguyễn Hữu Khang vẫn ngồi lặng lẽ chậm rãi lần từng mũi kìm sửa phéc-mơ-tuya…

Ông thuần thục đến nỗi, nhắm mắt lại cũng có thể gắn răng khóa vào đúng vị trí, cầm đồ của khách biết ngay đã qua tay mình sửa chưa.

goc khuat

Ông Khang được mệnh danh "Đệ nhất Hà thành" về sửa phéc - mơ - tuya

“Làm cái nghề này, tôi nhận biết được sự đổi thay cuộc sống, văn hóa xưa và nay qua thái độ của khách, hoặc những bàn tay khéo léo hoặc những bàn tay cẩu thả với chính đồ đạc của mình…”, ông Khang tâm sự.

Những vật dụng quanh ông tất thảy đều cũ kỹ. Từ chiếc tủ nhôm, hộp gỗ, hộp da, quạt con cóc kêu như chú ve sầu đến chiếc kìm mòn bóng vết thời gian… tất cả làm nên hình ảnh của người thợ thủ công tài hoa, mộc mạc.

Quán nước chè của nghệ sỹ Lê Mai

Đó là quán nước nhỏ mở ngay trước ngõ dẫn vào nhà riêng của nghệ sỹ Lê Mai trên con phố Phan Đình Phùng bốn mùa xanh rợp bóng cây.

Những buổi mai sương, khách uống nước chè thường là người đi tập thể dục, buổi trưa, chiều là người già về hưu và khách vãng lai.

Mùa đông, người nghệ sỹ già ấy ủ chè trong lớp vải mền bông sạch sẽ chuyển cách rót chè vào chén sâu thay vì vào bát như mùa hè.

goc khuat

Nghệ sỹ Lê Mai và quán nước chè mộc mạc

Trên chiếc bàn gỗ chỉ bằng tờ báo to, những hộp kẹo bột, thuốc lào, sấu ngâm… được xếp đặt gọn gàng. Và đặc biệt, bà vẫn còn giữ cái đèn dầu ngọn lửa hạt đỗ cháy lập lòe trong bóng thủy tinh để chiều lòng khách hút thuốc lào.

Vào những buổi chiều xe cộ ngược xuôi, cả chủ quán lẫn khách cùng ngồi ngắm vỉa hè cũ mèm với những viên gạch rêu và dưới chân mình bời bời lá rụng.

Hàng cắt tóc nữ phố Hàng Buồm

Ít người biết đến tên bà, nhưng đây có lẽ là người thợ nữ cắt tóc vỉa hè duy nhất còn lại của Hà Nội.

Nghỉ hưu đã gần 20 năm, nhưng người phụ nữ tuổi xế bóng ấy vẫn giữ nếp làm việc có từ thời còn làm cho hiệu cắt tóc quốc doanh trên phố Hàng Khay mở hàng lúc 8 giờ sáng.

goc khuat

Nhiều người đến quán cắt tóc này để tìm ký ức!

“Những người bạn nghề nữ cùng thời chắc là chẳng còn mấy ai, mà nếu còn thì cũng không ra vỉa hè mà cắt tóc thế này”, bà nói trong nỗi ngậm ngùi.

Trên chiếc gương đặt cạnh những đồ nghề quen thuộc, nhiều câu “châm ngôn vỉa hè” của khách cắt tóc được bà lưu lại bằng cách in đậm trên giấy như: "Hãy hôn thật chậm, Cười thật tươi, Tha thứ thật nhanh nhé..."

Quán trà ông Lư

Chỉ với 7m2 nằm khiêm tốn dưới chân cầu thang khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quán trà ông Lư (Lư Trà quán) từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc với người uống trà sành ở Hà Nội.

Khách quen tìm đến quán ông Lư vừa để thưởng trà vừa đàm đạo chuyện đời. Ngoài tám mươi tuổi, ông vẫn trụ lại với quán trà xưa cũ, bầu bạn với những vị khách tới lui đủ mọi lứa tuổi.

goc khuat

Ông Lư nổi tiếng bậc nhất Hà thành

Gặp người tâm huyết ông có thể ngồi suốt buổi trò chuyện, đàm đạo về văn chương, chữ nghĩa rồi khi khách trả tiền lại nhận được cái phẩy tay: miễn phí!

Đã vài chục năm nay, bỏ qua những bộn bề mưu sinh hối hả, người yêu trà lui tới quán ông Lư để hòa mình vào vị trà thơm chát quyện trong những câu chuyện về văn hóa, con người.

Theo Giadinh

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn