Vì sao cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo thất bại?

Thứ hai, 13/10/2014, 08:36
Máy bay của liên minh đã tấn công Nhà nước Hồi giáo suốt một tháng rưỡi qua ở Syria. Trước đó, từ ngày 8/8, máy bay cũng đã không kích các cơ sở trọng yếu của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq.

Khói bốc lên sau một cuộc không kích của Mỹ ở Kobani hôm 9/10 - Ảnh: Reuter

Dù vậy, chúng chẳng có vẻ gì suy yếu. TP Kobane giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ đang có nguy cơ thất thủ bất cứ lúc nào.

Trả lời kênh truyền hình Pháp France 24, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thừa nhận chiến dịch không kích của liên minh đã thất bại. Báo Nouvel Observateur (Pháp) ghi nhận tại Syria, máy bay chỉ phá hủy kho tàng, nhà cửa và các đoàn xe quá lộ liễu trong khi các tay súng Nhà nước Hồi giáo rất biết cách trà trộn trong dân.

Tại Iraq, gần 30% số phi vụ đánh vào các khu ở Erbil, Kirkuk, Amerli và Baghdad đều là các địa bàn phiến quân chưa chiếm được. Trong khi đó, máy bay Mỹ không thể chặn đứng phiến quân áp sát Baghdad từ tuần đầu tháng 10.

Ngày 12/10, tỉnh trưởng tỉnh Anbar (Iraq) đã kêu gọi Mỹ điều động bộ binh đến Iraq. Ông khẳng định nếu Nhà nước Hồi giáo chiếm tỉnh Anbar, thủ đô Baghdad ắt sẽ thất thủ.

Báo Nouvel Observateur nhận định thời gian qua, chiến tranh tuyên truyền của Mỹ đã che giấu sức mạnh của Nhà nước Hồi giáo. Trên thực tế Nhà nước Hồi giáo như vòi bạch tuộc hoạt động phân quyền. Mỗi tiểu đoàn hoạt động độc lập, tự mở rộng chiến dịch mà không cần phối hợp tác chiến. Trong khi đó, phương Tây vẫn giữ chiến thuật không kích cổ điển rất dễ đoán trước.

Hiện nay, chiến dịch tuyên truyền của Mỹ tập trung vào chiến sự ở TP Kobane (Syria). Các nước phương Tây lặp đi lặp lại câu “tình hình khó cứu vãn nếu không có bộ binh”. Rồi dư luận dần dần sẽ quen với diễn biến sắp tới là bộ binh được điều động đến Syria thay vì đến Iraq. Mỹ chú mục Syria bởi nhiều năm nay Mỹ muốn loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad trong khi tình hình Iraq thực sự nghiêm trọng hơn.

Song song theo đó, các chuyên gia nhận định chiến dịch không kích của Mỹ có nguy cơ kích động nhà nước Hồi giáo liên minh với các tổ chức khủng bố khác. Chuyên gia Marina Ottaway ở Trung tâm Wilson tại Washington nhận định Nhà nước Hồi giáo đã trở thành lá cờ đầu trong phong trào chống phương Tây và chống Mỹ. Các tổ chức khủng bố khác sẽ bắt tay với Nhà nước Hồi giáo vì chung quan điểm thù hằn Mỹ.

Chuyên gia Yezid Sayigh tại Trung tâm Carnegie Trung Đông ở Beirut (Lebanon) cảnh báo Mỹ cần cảnh giác với nguy cơ đánh thức làn sóng chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo. Ông dự báo tác động từ Nhà nước Hồi giáo không phải ở Pakistan mà tại Jordan và Lebanon, bởi thế song song với chiến dịch không kích cần phải có chiến lược chính trị rõ ràng.

Theo Pháp luật TP.HCM

Các tin cũ hơn