Ba nước có số tử vong cao hơn hết gồm Liberia với 2.316 ca tử vong (4.076 ca nhiễm), Sierra Leone với 930 ca (2.950 ca nhiễm) và Guinea với 778 ca (1.350 ca nhiễm). Tại CHDC Congo, một dòng virus Ebola khác với các nước Tây Phi cũng đã làm 43 người chết trong 71 ca nhiễm.
Theo AFP, Tổ chức Y tế Thế giới đã quyết định chia các nước có Ebola làm hai nhóm: Nhóm một gồm ba nước Liberia, Sierra Leone, Guinea và nhóm hai gồm bốn nước còn lại (Nigeria, Senegal, Mỹ và Tây Ban Nha). Sau ca Ebola tử vong đầu tiên tại Mỹ và ca nhiễm tại Tây Ban Nha, không khí lo âu và cảnh giác gia tăng tại Mỹ và châu Âu.
Tại Tây Ban Nha, cảnh sát tăng cường kiểm tra tin đồn về Ebola lan trên mạng xã hội và trên điện thoại di động. Thủ tướng Mariano Rajoy đã đến BV Carlos III ở Madrid (ảnh) thăm nữ hộ lý Teresa Montero bị nhiễm Ebola để trấn an dư luận. Ủy ban chống khủng hoảng liên bộ do phó Thủ tướng đứng đầu đã được lập.
Tại New York (Mỹ), 200 nhân viên vệ sinh tại sân bay La Guardia đã đình công vì sợ lây bệnh. Họ chỉ làm việc trở lại khi được giải thích cặn kẽ. Các nhân viên trực điện thoại số khẩn cấp 911 đã được tập huấn để hỏi han phát hiện các ca nghi ngờ. Tại Pháp, Bộ Y tế đã lập đường dây nóng về Ebola mang số 0800 13 00 00 hoạt động từ 9 giờ sáng 11/10.
Anh đã tăng cường kiểm tra y tế tại hai sân bay Heathrow và Gatwick cùng các ga tàu điện Eurostar. Canada đã yêu cầu công dân ở ba nước Liberia, Sierra Leone và Guinea nên rời đi bằng máy bay thương mại với lý do Canada khó cung cấp dịch vụ lãnh sự tại chỗ.
Theo Pháp luật TP.HCM