Người biểu tình dựng lều ở khu trung tâm Hồng Kông đêm 10/10 - Ảnh: AFP |
Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 11/10 dẫn nguồn từ các nhà tổ chức biểu tình ở Hồng Kông ước tính có hàng chục ngàn người xuống đường trong đêm trước để phản đối việc chính quyền đặc khu hủy cuộc đối thoại với sinh viên vào phút chót.
Trước đó, hai bên nhất trí sẽ tiến hành đối thoại về cải cách bầu cử vào ngày 10/10 nhưng đến tối 9/10, chính quyền Hồng Kông bất ngờ tuyên bố hủy cuộc đối thoại. Do đó, các nhà tổ chức biểu tình như nhóm hoạt động sinh viên Scholarism, nhóm Occupy Central và Hội Liên hiệp sinh viên Hồng Kông kêu gọi tiến hành chiến dịch phong tỏa lâu dài các con đường gần trụ sở chính quyền, theo phương thức “một người, một lều”.
Hôm qua đã có 300 lều được dựng lên tại khu vực này. Ngoài ra, Scholarism còn kêu gọi những người ủng hộ chiếm “mọi tấc đường” ở khu trung tâm Hồng Kông.
Một nguồn tin từ chính quyền Hồng Kông dự đoán phong trào chiếm trung tâm của phe biểu tình sẽ kéo dài thêm ít nhất hai tuần nữa. Tuy nhiên, từ đây tới chiều 13/10, chính quyền Hồng Kông có thể sẽ không có biện pháp mạnh tay nào đối với người biểu tình vì trong thời gian này, Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh cùng một số quan chức cấp cao của Hồng Kông đang tham dự một diễn đàn ở TP.Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông.
Trong khi đó, tại cuộc gặp người đồng cấp Đức Angela Merkel ở Berlin ngày 10/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố ông tin rằng “ổn định xã hội” có thể được duy trì ở Hồng Kông, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không thay đổi cách tiếp cận “một quốc gia, hai chế độ” đối với đặc khu hành chính này, theo SCMP. Đây được xem là phát biểu công khai trực tiếp đầu tiên về tình hình Hồng Kông của một lãnh đạo cấp cao Trung Quốc kể từ khi chiến dịch phong tỏa trung tâm bắt đầu ngày 28/9.
Cũng trong ngày 10/10, tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài xã luận cáo buộc Mỹ câu kết với các tổ chức biểu tình ở Hồng Kông để tạo ra “cuộc cách mạng màu”.
Theo tờ báo này, trong cuộc cách mạng màu, Washington cố tạo ra rắc rối cho những chính quyền mà họ không thích bằng cách ủng hộ các phong trào biểu tình. Nhân Dân nhật báo còn khẳng định một số thủ lĩnh của phong trào chiếm trung tâm ở Hồng Kông từng gặp Phó chủ tịch Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ Mỹ (NED) Louisa Greve. Chưa có thông tin về phản ứng của NED cũng như Washington đối với bài xã luận của Nhân Dân nhật báo.
Tin tặc dọa đánh sập website chính quyền Trung Quốc Nhóm tin tặc Anonymous vừa tuyên bố sẽ thực hiện đợt tấn công quy mô lớn nhằm làm tê liệt các website của chính quyền Trung Quốc đại lục để ủng hộ người biểu tình ở Hồng Kông, theo Reuters. Anonymous cũng đã liệt kê một số website mà nhóm này sẽ nhắm tới, trong đó có website của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và cả website của cảnh sát Hồng Kông. Nhóm tin tặc khét tiếng còn dọa sẽ tiết lộ thông tin của hàng chục ngàn thư điện tử thuộc chính quyền Trung Quốc. Anonymous tuyên bố sẽ tiến hành cuộc tấn công trên vào ngày 11/10 nhưng đến tối cùng ngày vẫn chưa có thông tin về phản ứng của các bên liên quan. |
Theo Thanh Niên