Sách khẳng định người Việt sáng tạo ra kinh Dịch

Thứ năm, 16/10/2014, 16:20
Không chỉ cho rằng kinh Dịch có nguồn gốc từ Lạc Việt, sách còn khẳng định tổ tiên người Việt đã sáng tạo ra chữ vuông. 

Sách có tên "Người Việt - chủ nhân của kinh Dịch và chữ vuông" của tác giả Thích Viên Như - trụ trì tại chùa Linh Sơn, Đà Lạt.

body-Kinh-dich-1190-1413433581.jpg

Bìa sách "Người Việt - chủ nhân của kinh Dịch và chữ vuông".

Đây không phải là lần đầu có tác phẩm khẳng định kinh Dịch xuất phát từ Việt Nam. Vào tháng 8, Nguyễn Vũ Tuấn Anh - nhà nghiên cứu lâu năm trong lĩnh vực Lý học phương Đông cũng giới thiệu cuốn sách Minh triết Việt trong văn minh Đông Phương. Tác phẩm khẳng định thuyết Âm dương Ngũ hành có nguồn gốc từ người Việt.

Sư thầy Viên Như bằng những nghiên cứu văn hóa, đặc biệt dựa vào trống đồng của người Việt, cho rằng tổ tiên chúng ta là người sáng tạo ra Dịch học - một triết học xa xưa mà thời nay càng nhiều nơi trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng.

Mặc dù ra đời cách đây 5.000 năm nhưng sức hấp dẫn của Dịch học ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ tại những nơi nó từng phát triển như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà nó còn hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu phương Tây.

Tác giả Viên Như đánh giá về tầm quan trọng của Dịch học: "Có thể nói Dịch học là bản thể luận đầu tiên của nhân loại; đồng thời là hiện tượng luận... Chính vì điều này nó không những cung cấp hiểu biết về bản chất của nhân sinh và vũ trụ, mà còn cho phép con người có những dự đoán dựa trên những kết quả có tính siêu nhân quả".

Do những ảnh hưởng lớn lao của Dịch học nên vấn đề nguồn gốc của nó càng có ý nghĩa to lớn hơn.

Trước nay, người Trung Quốc vẫn nhận họ là chủ nhân của Dịch bởi tính ứng dụng rộng rãi cũng như các cuốn kinh Dịch đều được viết bằng chữ Hán. Tuy nhiên, hàng nghìn năm nay, câu hỏi "Ai là tác giả của Dịch học?" vẫn chưa có câu trả lời một cách rõ ràng, khoa học.

Tác giả Viên Như đã đưa ra những bằng chứng cho thấy người Lạc Việt sáng tạo nên hệ thống Dịch lý. Sau khi đưa ra một số khái niệm căn bản về Dịch trong phần Một, tác giả lần lượt lấy văn hóa dân gian của người Việt để chứng minh. Sư thầy dựa vào hình thể, hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ, trên tranh dân gian Đông Hồ, trong truyện ngụ ngôn Việt.

Đặc biệt, tác giả nói nhiều về chữ viết của người Việt cổ. Vị sư dẫn từ tài liệu của Trung Hoa cho thấy tổ tiên của chúng ta từng có chữ khoa đẩu (do có hình những con nòng nọc); đồng thời tìm dấu hiệu của chữ khoa đẩu trên tranh dân gian Đông Hồ.

body-2-Kinh-dich-6219-1413433581.jpg

Tác giả cho rằng trống đồng chứa đựng những yếu tố xác đáng chứng minh người Việt sáng tạo ra kinh Dịch.

Trao đổi với PV, tác giả  Thích Viên Như cho rằng việc khẳng định người Việt sáng tạo ra kinh Dịch rất quan trọng: "Hiện nay người ta nói tới một Trung Hoa vĩ đại, chính là ở kinh Dịch và chữ Hán. Hai yếu tố này vẫn được nhân loại phát triển. Chứng minh được tinh hoa đó do người Việt tạo ra sẽ giúp khẳng định lịch sử, cốt lõi văn hóa dân tộc".

Thầy Viên Như cam đoan những bằng chứng ông đưa ra là một quá trình nghiên cứu nghiêm túc, mang tính khoa học. Ông sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với các học giả để vấn đề được sáng tỏ: "Tôi rất muốn được phản biện với những ai còn đang nghi ngờ những bằng chứng này".

Sư thầy Thích Viên Như là người đau đáu với văn hóa dân tộc, ông coi văn hóa là xương sống, cốt lõi của dân tộc. Ngoài kinh Dịch, thầy còn nghiên cứu về chữ Nôm.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích