Vì sao Vua Mèo được Bác Hồ kết nghĩa anh em?

Thứ sáu, 17/10/2014, 10:51
“Tôi rất vinh dự khi ông nội tôi - Vương Chí Sình được Bác Hồ kết nghĩa làm anh em và được Bác tặng cho một thanh gươm trên đó có dòng chữ “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ”, ông Vương Duy Bảo nói.

Trong căn phòng nhỏ của khu tập thể ở phố Trần Quang Diệu, Hà Nội, giọng ông Vương Duy Bảo (58 tuổi), đầy tự hào khi kể về việc ông nội của mình là Vua Mèo - Vương Chí Sình được Bác Hồ kết nghĩa làm anh em.

Ông Bảo nhớ lại: Với đức tính giản dị, dễ gần và thương người nên ông Vương Chí Sình được người dân trong vùng kính trọng. Khi phát xít Nhật và thực dân Pháp xâm lược nước ta, tấn công lên Hà Giang, ông Vương Chí Sình đã mua súng ống, lương thảo, kêu gọi người dân trong vùng cùng đứng lên để giữ đất, chống lại quân xâm lược và ông Vương Chí Sình được người dân nơi đây tôn làm Thủ lĩnh.

Ông Bảo nói: Cảm kích trước tinh thần yêu nước của ông nội tôi - Vương Chí Sình, Bác Hồ đã vận động ông theo cách mạng để chống lại quân xâm lược, Bác Hồ cũng đã kết nghĩa anh em và nhận ông Vương Chí Sình là em, rồi đặt tên cho ông là Vương Chí Thành.

Ngôi mộ của Vương Chí Thành có 8 chữ vàng Bác Hồ trao tặng "Tận Trung Báo Quốc, Bất Thụ Nô Lệ" - Ảnh Bưu điện Việt Nam.

“Bác Hồ cũng đã ghi nhận cái nghĩa khí của ông nội tôi, Bác còn tặng cho ông một thanh gươm có khắc dòng chữ “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ” và một chiếc áo trấn thủ, chiếc áo này do Hội phụ nữ tỉnh Hải Dương tự may để tặng Bác. Từ đó, ông nội tôi đã một lòng theo Bác, theo cách mạng, trước khi mất ông còn bảo con cháu đào kho vàng bạc được chôn trong dinh thự họ Vương ở Sà Phìn để ủng hộ cho nhà nước”, ông Bảo nhớ lại.

Từ khi theo Bác, theo cách mạng, Vua Mèo – Vương Chí Sình đã tuyên truyền vận động người dân một lòng theo Đảng, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, giã từ cây anh túc, sống định canh định cư. Và từ đó cuộc sống của người H’Mông không còn trầm luân bên bờ mê lú của loài hoa thuốc phiện.

Một lòng theo Đảng nên tại khóa Quốc hội đầu tiên của nước ta năm 1946, ông Vương Chí Sình vinh dự được bầu là đại biểu Quốc hội.

Cũng trong năm 1946, ông Vương Chí Sình về Hà Nội mua căn nhà số 55, phố Hàng Đường, để ở, lúc đó ông vẫn ăn mặc giản dị theo trang phục truyền thống của người H’Mông. Đến khi là đại biểu Quốc hội năm 1946, lúc đó ông mới mua quần áo Tây, compele để mặc đi dự họp, khi về nhà ông lại ăn vận quần áo vải dệt tràm đen của người H’Mông.

Ông Vương Duy Bảo: "Tôi rất tự hào về ông nội của mình" (Ảnh: Xuân Hải)

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời Kêu gọi thi đua ái quốc trước quốc dân, đồng bào. Người đã chỉ rõ “Mục đích của thi đua ái quốc là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, hàng đêm Vương Chí Sình lại cùng người dân đội mũ rơm, ở chân trần đi học lớp bình dân học vụ, cũng chính điều này giúp ông nghiệm ra một điều kiến thức văn hóa rất cần thiết đối với tương lai mỗi người. Từ đó, ngay khi các con còn nhỏ ông đã cho đi học văn hóa, thậm chí đưa con sang tận Côn Minh, Trung Quốc để học. Đến nay, hầu hết các con cháu ông đều thành đạt cả.

Khi giác ngộ cách mạng, được Bác Hồ tin tưởng, ông “Vua Mèo” – Vương Chí Sình đã dồn hết tâm huyết của mình cho cách mạng. Trước khi qua đời ở tuổi 62 vào cuối năm 1962, ông đã trăng trối với con cháu rằng: “Khi ta mất, hãy đào tất cả của cải của ta đang chôn ở nhà để cống hiến cho Nhà nước”.

“Sau khi ông nội mất, tôi cùng gia đình đã đào kho báu của ông để lại đem hiến cho Nhà nước, khi đào kho báu lên, vàng, bạc nhiều vô kể, bóng loáng, lấp lánh được đem lên đổ đầy sân trước dinh thự, con cháu tập trung đếm một ngày không hết”, ông Bảo nhớ lại.

“Để ghi nhận những đóng góp của ông nội tôi – Vương Chí Sình, Nhà nước đã trao tặng cho ông huân chương “Đại đoàn kết dân tộc”. Noi gương ông, chúng tôi, các con, cháu đời sau đã không ngừng học tập, lao động để vươn lên thoát khỏi đói nghèo, một lòng theo Đảng, không ngừng cống hiến cho đất nước”, ông Bảo nhấn mạnh.

Theo GDVN

Các tin cũ hơn