Như chúng tôi đã thông tin, ngày 16/10, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã ra công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh và Sở Nội vụ về việc đề nghị tạm đình chỉ công tác 15 ngày với ông Phạm Văn Phan - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lương Tài để thực hiện việc kiểm điểm, xử lý kỷ luật theo quy định.
Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, trước đó, chiều 15/10, một số phóng viên của các cơ quan báo chí tới Bệnh viện Đa khoa Lương Tài tìm hiểu thông tin về vụ việc hàng trăm công nhân của Công ty May DHA (ở huyện Lương Tài) bị ngộ độc thực phẩm và đang điều trị tại bệnh viện.
Trong lúc các phóng viên đang tác nghiệp, ông Phạm Văn Phan đã có hành vi đe dọa hành hung. Ngoài ra, ông Phan còn có những phát ngôn khiếm nhã, thiếu văn hoá đối với phóng viên, lúc này ông Phan có biểu hiện say rượu.
Ông Phạm Văn Phan - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lương Tài trao đổi với phóng viên.
Về hành động khiếm nhã của ông Phạm Văn Phan trước ống kính phóng viên, dư luận đặt câu hỏi vì sao vị Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lương Tài, người có kinh nghiệm hàng chục năm hành nghề y lại có hành động khiếm nhã như vậy? Chúng tôi đã tìm gặp ông Phạm Văn Phan để tìm câu trả lời.
Trao đổi với PV về nguyên nhân dẫn tới sự việc, ông Phạm Văn Phan cho biết, thời điểm xảy ra “va chạm” với phóng viên, ông Phan đang chịu áp lực công việc rất lớn sau khi phải liên tiếp chỉ đạo và trực tiếp điều trị, chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm công nhân ngộ độc.
“Tôi đã trực lãnh đạo, kiêm trực chuyên môn từ hôm trước (tối ngày 14 tới rạng sáng ngày 15/10 - PV). Đến 5h36, tôi nhận được thông tin từ bác sĩ khoa Khám bệnh cấp cứu về việc có 12 công nhân của Công ty May DHA được đưa vào viện cấp cứu và đề nghị xin tăng cường. Ngay lúc này tôi đã điều toàn bộ y, bác sĩ và điều dưỡng từ các khoa khác xuống hỗ trợ tiến hành cấp cứu, truyền dịch, điều trị cho bệnh nhân ngay. Tôi tiếp tục gọi điện điều thêm một số bác sĩ có nhà gần bệnh viện.
Tôi cũng trực tiếp xuống cấp cứu cho bệnh nhân. Qua tìm hiểu chúng tôi được các công nhân cho biết, trưa hôm trước rất đông công nhân ăn cơm ở công ty và đến sang nay có biểu hiện ngộ độc đồng loạt. Lường trước tình hình, tôi đã yêu cầu các khoa dẹp tất cả các bàn giao ban để lấy chỗ trải chiếu cho các bệnh nhân nằm sau khi vào viện. Đồng thời, yêu cầu bộ phận hành chính dùng dây thép buộc chéo từ cửa sổ bên này sang bên kia để treo bình truyền dịch cho các bệnh nhân.
Đến khoảng 8h30 cùng ngày thì bệnh viện tiếp nhận 135 bệnh nhân vào điều trị. Trước tình hình công nhân nhập viện ngày càng tăng lên mà nếu để bị cảm thì rất nguy hiểm, tôi đã chỉ đạo đội xe của bệnh viện phối hợp với Công ty May DHA đưa các công nhân bị nhẹ sang Bệnh viện Gia Bình, còn nặng thì chuyển về Lương Tài điều trị.
Khoảng 12h, tôi đi ăn cơm cùng đồng chí Phạm Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Lương Tài, người cũng có mặt tại bệnh viện trực tiếp chỉ đạo từ sáng sớm và 6 cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hai phóng viên báo chí về tìm hiểu thông tin. Trên đường đi tôi nhận được điện thoại của một phóng viên đề nghị được cung cấp thông tin. Tôi có hướng dẫn phóng viên sang Bệnh viện Gia Bình và Công ty May DHA, chiều quay lại sẽ tiếp đón. Nhưng phóng viên này đề nghị được làm việc luôn nên tôi đã gọi điện cho bác sĩ Vũ, Phó Giám đốc bệnh viện lúc đó đang trong ca trực, tiếp đón phóng viên để họ ghi nhận.
Một số công nhân của Công ty May DHA bị ngộ độc nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lương Tài.
Sau đó, chúng tôi đi ăn cơm. Trước khi ra về tôi có uống một chén rượu với hai phóng viên, vì trước đó họ vào ăn muộn vì bận gõ tin.
Khoảng 13h30, tôi và anh Hải, Phó chủ tịch huyện quay về bệnh viện để xem xét tình hình sức khỏe công nhân ngộ độc. Tôi vào một khu khá đông bệnh nhân thì gặp các phóng viên, cứ tưởng các phóng viên quay xong rồi nên mời ra bên ngoài. Tôi có nói là mời anh chị ra bên ngoài để chúng tôi làm việc. Đúng là tôi có che và yêu cầu không được quay vì lúc này trong phòng có đông bệnh nhân và người nhà bệnh nhân quá.
Ý định của tôi lúc đó là muốn mời phóng viên ra bên ngoài trao đổi với anh Hải, Phó Chủ tịch huyện, nhưng do áp lực vì lo lắng cho sức khỏe bệnh nhân, cộng với việc một số cháu bị ngộ độc nằm viện nên tôi không giữ được bình tĩnh và quá nóng nảy dẫn tới những hành động không chuẩn mực với phóng viên”, ông Phan tâm sự.
Ông Phan thừa nhận, ông có uống một chút rượu nhưng thời điểm xảy ra sự việc ông vẫn tỉnh táo, chỉ vì áp lực ông việc quá lớn khiến ông không giữ được bình tĩnh.
Là người chứng kiến vụ việc, ông Phạm Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Lương Tài cho rằng, đây là sự việc hết sức đáng tiếc.
"Trực tiếp có mặt ở bệnh viện để theo dõi, chỉ đạo công tác cấp cứu điều trị cho các công nhân bị ngộ độc nên tôi biết anh Phan đã lăn lộn vì bệnh nhân từ lúc 5h sáng đến gần 12h trưa. Sau khi ăn trưa về bệnh viện thì anh Phan thấy phóng viên tác nghiệp trong phòng có nhiều bệnh nhân nằm, anh Phan đứng trước ống kính ngăn không cho phóng viên tác nghiệp. Sau đó mọi người vào can thì anh Phan có những lời lẽ không được văn hóa. Theo tôi đánh giá, việc anh Phan cản trở phóng viên là sự cố hết sức đáng tiếc”, ông Hải cho hay.
Trao đổi với PV về đề nghị tạm đình chỉ công tác 15 ngày của lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, ông Phạm Văn Phan cho biết, ông không bất ngờ bởi ông đã ý thức được trách nhiệm của mình sau khi xảy ra sự việc ngày 15/10.
“Với cương vị là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lương Tài và tư cách của một người lính, tôi thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm của mình. Ngay sau khi xem lại hình ảnh về sự cố, tôi cảm thấy rất buồn vì mình đã có những hành động thiếu kiềm chế, quá nóng nảy với phóng viên báo chí. Tôi thành thật xin lỗi tới các phóng viên có mặt trong ngày xảy ra sự việc”, ông Phan chia sẻ.
Theo Dân Việt