Lâu nay, những ai đi ngang qua đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận (TP.HCM) đều bị thu hút bởi tấm biển "Sửa giày dép miễn phí cho người bán vé số, xe ôm, ba gác, xích lô, người thu gom rác". |
|
Sau tấm biển ép plastic này là góc làm việc trên vỉa hè của anh Lý Ngọc Bình (30 tuổi, quê Gia Lai) - thanh niên nghèo mưu sinh giữa Sài Gòn náo nhiệt. |
|
Sinh ra và lớn lên ở Gia Lai, bố mất sớm, mẹ già yếu, nhà anh Bình còn em nhỏ đang đi học. Tốt nghiệp bậc THCS, anh Bình không học tiếp mà theo học nghề sửa giầy ở quê. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2007 anh vào TP.HCM lập nghiệp bằng nhiều nghề khác nhau như lễ tân, trông xe... nhưng không đủ sống. |
|
Đầu năm 2012, khi có ít vốn anh mua sắm đồ nghề mở một quầy sửa giầy, dép nhỏ bên đường Huỳnh Văn Bánh. Anh thuê mặt bằng bên vỉa hè với giá 400.000 đồng/tháng, cùng phòng trọ 800.000 đồng ở gần chỗ làm. |
|
Công việc của anh bắt đầu từ 8h đến 21h và thu nhập trung bình mỗi ngày 150.000 - 200.000 đồng. |
|
Công việc của người thợ này không chỉ đơn thuần là may, sửa những đôi giầy, đôi dép mà anh còn nhiệt tình chỉ cho khách hàng cách tự sửa chữa. Anh Bình cho biết, từ những ngày đầu trở lại với nghề cũ, đã có nhiều bác xe ôm, người bán vé số đến nhờ sửa những đôi giầy rách, mòn đế, đứt chỉ, bị há miệng... "Ngồi bên đường làm việc thấy nhiều người còn khổ hơn mình. Họ mang những đôi giầy cũ rách nát, lê lết giữa mặt đường mà không dám thay vì sợ tốn tiền. Chợt thấy hình ảnh của chính mình 5 năm gian khổ, từng đi giầy, dép rách để mưu sinh khắp Sài Gòn. Đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn nên người nghèo đến sửa là tôi không bao giờ lấy tiền", anh Bình nói. |
|
Tuy nhiên, cái nghề mà anh gắn bó cũng chẳng khấm khá hơn những người bán vé số, xe ôm, thu gom rác... là bao. Hàng xóm của anh đùa vui, Bình là một chiếc lá không lành nhưng vẫn đùm những chiếc lá rách. Hàng ngày, từ sáng đến tối anh luôn tay may, vá, cắt, dán, mài,... những đôi giày, dép để kịp giao cho khách, kiếm những đồng bạc lẻ. Thu nhập hàng tháng không chỉ để nuôi bản thân mà anh còn phải lo tiền ăn học cho cô em gái đang học Cao đẳng ở Nha Trang và người mẹ già ở quê. |
|
Ông Dương Văn Cường chia sẻ, làm nghề bán vé số 2 năm nay, hàng ngày, cũng như nhiều người khác ông phải đi bộ khắp nơi, từ sáng đến tối. Mỗi lần dép hư ông đều ghé nhờ anh Bình sửa giùm. "Nếu Sài Gòn còn có nhiều người như chú ấy thì những lao động nghèo như chúng tôi cũng đỡ và cảm thấy ấm lòng", ông Cường cho hay. |
|
Còn người thợ giày có tấm lòng thơm thảo chia sẻ: "Cuộc sống phía trước đang còn nhiều vất vả, chưa biết mưu sinh với nghề này được bao lâu nữa, nhưng nếu còn gắn bó với những cây kim, mũi chỉ, đôi giày cũ ngày nào thì tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ những lao động nghèo với tất cả tâm sức của mình". |
|
Khi nói về tương lai của mình, anh Bình hồ hởi cho biết, anh sẽ sinh sống và làm việc lâu dài ở Sài Gòn. "Cố gắng làm việc vài năm nữa, tích lũy được một số tiền tôi sẽ thuê một mặt bằng rộng vừa để ở vừa mở tiệm sửa giày, dép đàng hoàng. Khi đó, tôi sẽ nhận đào tạo những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ, người nghèo muốn theo học sửa giày, dép, giúp họ sống được với nghề này", chàng trai miền quê nghèo mong ước. |
Theo Zing