Hoàng Su Phì, vùng đất phía Tây tỉnh địa đầu Hà Giang rất đa dạng văn hóa dân tộc và cũng có nhiều câu chuyện lạ lùng.
Hai câu chuyện lạ lùng nổi tiếng, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được, về khả năng kỳ diệu của con người, đó là trò đẩy gậy và nhảy lửa.
Người Dao ở xã Thông Nguyên, Hồ Thầu có hai khả năng kỳ bí này. Chỉ cần một câu niệm chú của thầy cúng, cây gậy dài cỡ 1m cứ nhảy tưng tưng trên không, mà mấy thanh niên khỏe mạnh đu cả người cũng không kéo được xuống đất. Trò này lễ Tết nào cũng diễn ra ở huyện, thu hút hàng ngàn người hiếu kỳ đến xem, tham gia.
Tục nhảy lửa là kinh dị nhất. Hàng tấn củi được đốt thành than, đỏ rực cả màn đêm. Thanh niên, người già, không cần phải có sức khỏe phi thường, không cần phải rèn luyện như võ sĩ, chỉ cần thầy cúng người Dao đặt tay lên đầu, niệm chú vài câu, là như kẻ lên đồng, cứ thế nhảy tưng tưng như đàn dê trên đống than đỏ.
Không chỉ nhảy bằng chân, họ còn lăn lộn, ngã nhào trên đống than ấy. Thậm chí, hứng thú quá, còn vốc cả than hồng cho vào miệng nhai rau ráu.
Thầy cúng Min Phà Xoàn 'nướng' lưỡi cày ở bếp lửa. |
Những cuộc biểu diễn nhảy lửa của người Dao ở đây đã ra khỏi huyện Hoàng Su Phì, xuống tận thủ đô, khiến những con người ở phố thị phải dựng tóc gáy khi xem, khiến các nhà khoa học cũng phải bó tay trong việc đi tìm lời giải.
Nhiều người có bộ óc nghi ngờ, đã đem cả máy đo nhiệt đến cạnh đống than. Độ nóng báo tới 800oC, khiến không thể không choáng váng, sợ hãi.
Thế nhưng, mới đây, trong chuyến công tác trở lại Hoàng Su Phì, gặp chị Vương Thị Thảo, được chị cung cấp một thông tin kỳ lạ hơn nữa: “Ở bản Cờ Lao của mình, mới xuất hiện một kỳ nhân, có thể liếm, mút, cắn, gặm lưỡi cày nung đỏ rực.
Ngày bé, mình cũng được nghe các cụ kể rằng, xưa kia, trong bản có người liếm được lưỡi cày nung đỏ, nhưng mình không tin lắm, nghĩ là truyền thuyết. Thế nhưng, chuyện này có thật rồi, đúng ở bản người Cờ Lao của mình luôn. Nếu nhà báo tin, thì mình sẽ chỉ bạn đi xem”.
Một góc bản Phìn Sư của người Cờ Lao ở lưng chừng đỉnh Tây Côn Lĩnh. |
Chị Vương Thị Thảo hiện là cán bộ của Trung tâm văn hóa huyện Hoàng Su Phì. Chị là người Cờ Lao đầu tiên học hết lớp 12 và cũng là cử nhân đầu tiên và duy nhất cho đến lúc này của cộng đồng người Cờ Lao ở Hoàng Su Phì.
Mặc dù khó tin chuyện một con người bình thường, có thể làm được việc kỳ lạ đó, nhưng chị Thảo lấy danh dự của một Đại biểu Quốc Hội khóa 11 ra khẳng định, thì không thể không tin.
Chị Thảo vốn sinh ra và lớn lên ở bản Phìn Sư, bản của người Cờ Lao, trên lưng chừng núi Tây Côn Lĩnh, thuộc xã Túng Sán (Hoàng Su Phì, Hà Giang).
Trước khi chuyển ra trung tâm huyện công tác, chị Thảo từng là Chủ tịch Hội phụ nữ, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Túng Sán, nên chẳng chuyện gì xảy ra ở bản của người Cờ Lao, mà chị không biết.
Thế nhưng, mới đây, về xã tham dự lễ cúng vua Hoàng Vần Thùng, chị đã kinh ngạc chứng kiến một sự kiện lạ, ấy là thầy cúng Min Phà Xoàn, anh bạn thời nối khố, cùng lớn lên trong bản, bỗng làm được một chuyện khiến chị hãi hùng, khiến cả bản Phìn Sư tôn kính, ấy là liếm lưỡi cày nung đỏ.
Ngôi nhà của thầy cúng Xoàn trên lưng chừng đỉnh Tây Côn Lĩnh. |
Hôm đó, là ngày Tết Đoan Ngọ, dưới xuôi gọi là ngày diệt sâu bọ, tức ngày 5/5 âm lịch, chị Thảo về nơi chôn nhau cắt rốn. Tết Đoan Ngọ là ngày Tết quan trọng nhất của người Cờ Lao, được coi trọng hơn cả Tết Âm lịch.
Ngày đó, người Cờ Lao khắp nơi kéo nhau về bản ăn mừng, cúng bái. Trong ngày Tết này, người Cờ Lao tổ chức cúng ông vua Hoàng Vần Thùng. Chủ trì lễ cúng này là một thầy cúng có uy tín của người Cờ Lao, do nhân dân bầu chọn.
Hoàng Vần Thùng được coi là ông vua của người La Chí, từng thống lĩnh cả vùng Tây Côn Lĩnh mờ sương mấy trăm năm trước. Ngày đó, ông khai thác gỗ ngọc am ở vùng Tây Côn Lĩnh, chỗ xã Túng Sán bây giờ, bán sang Trung Quốc, thu rất nhiều tiền.
Ông cho tiền người Cờ Lao, tạo công ăn việc làm, nên người Cờ Lao rất tôn kính, lập đền thờ Hoàng Vần Thùng ở tại bản Phìn Sư và cũng coi ông là ông vua của mình.
Lễ cúng diễn ra trang trọng như mọi năm. Người chủ trì lễ cúng vua Hoàng Vần Thùng năm nay là Min Phà Xoàn.
Cửa nhà của thầy cúng Min Phà Xoàn được dán nhiều lá bùa. |
Kết thúc lễ cúng cầu kỳ, Min Phà Xoàn đã xông ra đống lửa đỏ rực, cầm chiếc lưỡi cày to tướng nung đỏ, nhảy lò cò trước ngôi miếu, rồi liên tục thè lưỡi ra liếm vào lưỡi cày.
Tiếng lửa đốt lưỡi cháy xèo xèo, khói bốc lên như màn sương. Nhiều người kinh hoàng ngã ngửa, có người yếu bóng vía còn cấm khẩu, lẩy bẩy run, không thốt được thành lời. Bản thân chị Thảo cũng mắt tròn mắt dẹt.
Nhiều người còn sợ hãi bỏ chạy, có người vái như bổ củi, vì tưởng rằng vua Hoàng Vần Thùng hiện về, nhập vào thầy cúng Min Phà Xoàn, làm những điều kỳ dị.
Các cụ già người Cờ Lao thì hết sức vui mừng, vì họ tin rằng, tổ tiên người Cờ Lao đã ban cho cộng đồng một báu vật quý, đó là một thầy cúng giỏi, sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người Cờ Lao sống bao đời nay ở vùng núi cao khắc nghiệt này.
Chuyện của chị Thảo quá hấp dẫn, nên tôi tìm đường vào ngay bản Phìn Sư. Bản của người Cờ Lao nằm trên độ cao gần 2.000m, chỉ còn cách “nóc nhà Đông Bắc”, tức đỉnh Tây Côn Lĩnh hơn một ngày cuốc bộ.
Đứng ở bản Phìn Sư, nhìn thấy đỉnh Tây Côn Lĩnh chìm trong mây mờ. Vừa đi xe máy, vừa đi bộ một buổi thì đến bản Phìn Sư.
Thế nhưng, hai lần tìm đến, thì thầy cúng Min Phà Xoàn đều vắng nhà. Người dân ở tận Vị Xuyên, Xín Mần đến đưa anh đi làm lễ cúng cho họ.
Đường sá xa xôi, toàn xuyên rừng cuốc bộ, nên mỗi chuyến đi cúng của Xoàn, kéo dài vài ngày, thậm chí cả tuần. Phải lần thứ ba tìm đến Phìn Sư, tôi mới gặp được Min Phà Xoàn.
Nướng lưỡi cày rất lâu trong bếp lửa mới đủ độ nóng. |
Nhà thầy cúng Xoàn nằm chênh vênh trên núi. Ngôi nhà gỗ, mái thấp lè tè, phải cúi đầu để tránh va vào mái. Chái nhà, trước cửa, khắp tường, cột, rui mè đều thấy dán những tờ giấy như thể bùa chú. Ban thờ khắp nơi là chữ Tàu viết trên những tờ giấy đỏ.
Trong góc nhà tối om, thầy cúng Min Phà Xoàn ngồi rít thuốc lào long sòng sọc. Nhà kín và tối đến nỗi, chỉ nhìn thấy gương mặt thầy cúng Xoàn lấp lóa qua ánh lửa mồi thuốc.
Xoàn bảo: “Nhà báo phải không? Hôm trước Thảo điện cho anh mình là công an xã, dặn mình ở nhà chờ nhà báo đến làm việc. Nếu không dặn trước, thì hôm nay mình đi cúng ở mãi Quang Bình cơ”.
Thật may mắn, sau mấy lần vất vả, tôi cũng được diện kiến thầy cúng kỳ lạ và được xem màn trình diễn đốt lưỡi rợn người, chuyện tưởng như chỉ có trong thần thoại.
(Còn tiếp…)
Theo VTCnews